Hòa Thượng Tịnh Không, Lời dạy của đức phật

Quý vị hưởng phước có tạo nghiệp chăng?

Tại sao con người không thể thành Phật?
Trong kinh Đức Phật nói rất hay: “dục tri tiền thế nhân”, đời trước chúng ta tạo nhân gì. “Kim sanh thọ giả thị”, tức là những gì đời này nhận lãnh, quả báo, đây là nghiệp báo. “Dục tri lai thế quả, kim sanh tác giả thị”, đời sau ta chịu quả báo như thế nào, đều do hành vi ngôn ngữ tạo tác trong đời này của mình gây nên. Đời này gây nhân, đời sau quả sẽ chín muồi. Không học Phật không biết, học Phật rồi mới hiểu. Đời sau mặc dù làm chuyển luân thánh vương, làm đại phạm thiên vương, ma hê thủ la thiên vương, phước báo đó rất lớn, nhưng không ra khỏi luân hồi lục đạo. Tuy thọ mạng của thiên vương rất dài, nhưng cũng đến lúc kết thúc, thọ mạng kết thúc cũng phải chết, sau khi chết cũng phải đọa lạc, họ không thể tiến lên. Khi hưởng hết phước, những nghiệp bất thiện tạo ra trong đời quá khứ lại hiện tiền. Đây là nguyên nhân vì sao họ đọa lạc, ác nghiệp của họ chưa tiêu.
Trong đời này của chúng ta, gặp phải mọi sự không như ý đều phải dùng tâm cảm ân, vì sao vậy? Như vậy mới tiêu nghiệp. Nếu dùng tâm oán hận, không những không tiêu mà còn nặng thêm. Quý vị xem, chỉ trong một niệm này. Người ta hủy báng cũng được, sỉ nhục cũng được, hãm hại cũng được, tất cả đều là tiêu nghiệp chướng, không thể không đón nhận. Việc tốt, không phải xấu! Đời này ta hưởng phước hay thọ báo, đó cũng gọi là tiêu nghiệp chướng, tiêu nghiệp chướng gì? Tiêu nghiệp chướng của thiện nghiệp, nghiệp có thiện ác. Hưởng phước là tiêu thiện nghiệp mình tu được; chịu tội nghĩa là tiêu tội nghiệp bất thiện, tất cả đều đang tiêu nghiệp. Tiêu hết nghiệp, tâm thanh tịnh liền hiện tiền. Ai tiêu hết nghiệp? A la hán tiêu hết nghiệp, thiện ác nghiệp đều tiêu hết mới ra khỏi luân hồi lục đạo. Nếu làm việc tốt mà chấp tướng, không ra khỏi luân hồi lục đạo, phải thọ báo trong ba đường lành. Làm việc xấu, thọ báo trong ba đường ác. Đều không ra khỏi được, điều này không thể không biết. Quý vị xem, hưởng phước có tạo nghiệp chăng? Chúng ta dùng nhân gian mà nói, người giàu có, không nói gì khác, chỉ đơn giản nói đến chuyện ăn uống, mỗi bữa ăn đều có thịt chúng sanh. Trong kinh Đức Phật nói rất hay, ăn nó nửa cân phải trả nó tám lạng. Nợ mạng phải đền mạng, nợ tiền phải trả tiền, cho nên không phải việc tốt.
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni phước báo lớn, không xuất gia là ngài làm quốc vương. Ngài xuất gia, đi khất thực, có phước không hưởng, vì sao vậy? Vì đã tiêu hết. Thực tế mà nói, vào trong lục đạo nghĩa là để tiêu nghiệp. Tiêu, không tạo nữa mới thật sự tiêu hết, vừa tiêu vừa tạo vĩnh viễn không tiêu hết, phải hiểu đạo lý này.
Chúng ta cần đoạn ác tu thiện chăng? Cần, đoạn ác không chấp tướng đoạn ác nghiệp sẽ tiêu, tu thiện không chấp tướng tu thiện. Phải tinh tấn nỗ lực mà làm, đồng thời lại phải tương ưng với đại tam không tam muội, nghiệp chướng sẽ tiêu hết. Tu như thế nào? Ở trước kinh này nói rất nhiều, ở sau cũng nói rất nhiều. Phật Bồ Tát từ bi, không ngừng nhắc nhở chúng ta, bao gồm thiện nhân ở thế gian cũng không ngoại lệ. Thiện nhân thế gian nói, nếu thật sự lãnh hội một cách sâu sắc, thế pháp liền biến thành Phật pháp. Ví như Khổng tử nói: “quân tử cư kỳ thất”, ở trong nhà của mình, miệng nói ra một lời thiện, “tắc thiên lý chi ngoại ứng chi”, có sức ảnh hưởng lớn như thế. Quân tử tâm thiện, ngôn ngữ thiện, hành vi thiện họ ở đây, thì khắp vùng này chịu sự giáo hóa của họ. Ngoài ngàn dặm đều chịu ảnh hưởng, huống gì gần hơn!
Chúng ta lãnh hội sâu sắc hơn, một người niệm Phật, trong tâm chỉ có Phật A Di Đà, miệng niệm Phật A Di Đà, hành 48 nguyện của Phật A Di Đà. Ảnh hưởng của họ không chỉ ngàn dặm, trong kinh nói với chúng ta là biến pháp giới hư không giới. Chúng ta đọc Vọng Tận Hoàn Nguyên Quán không phải nói rất rõ ư, ý niệm vừa khởi lên liền chu biến pháp giới, liền xuất sanh vô tận, hàm dung không hữu. Cùng một đạo lý. Nếu ở trong nhà mình, nói ra lời bất thiện, tức trái với ngàn dặm bên ngoài, huống gì ở xung quanh. Ý niệm bất thiện, tư tưởng bất thiện, trong Phật pháp đều biến pháp giới hư không giới. Gần là tam đồ lục đạo, ngoài ngàn dặm, xa là pháp giới hư không giới, bởi thế tâm không được bất thiện. Thiện trong các điều thiện, đại thiện vô cùng thù thắng chính là Phật A Di Đà, vì sao vậy? Vì Phật A Di Đà là tánh đức, Phật A Di Đà là tự tánh. Trong Tam Thời Hệ Niệm, thiền sư Trung Phong nói: Tâm ta tức là Phật A Di Đà, Phật A Di Đà tức là tâm ta. Đây là thật, hoàn toàn không phải giả.
Nhưng hiện nay người niệm Phật như thế nào? Người niệm Phật trong tâm không có Phật A Di Đà, trong tâm có Phật Bồ Tát khác, là chánh trong thiên lệch. Trong tâm chỉ có Phật A Di Đà là chánh trong chánh, nhận thức được điều này không dễ. Được bao nhiêu người học Phật nhận thức được như thế? Thật sự nhận thức được như thế, trong tâm mới thật sự có Phật A Di Đà. Người có Phật A Di Đà, như ở đây nói: “Phàm phu đầy đủ phiền não có thể đới nghiệp vãng sanh”, có thể chiêu cảm Phật Bồ Tát tùy thời đến tiếp dẫn. Nghĩa là nói tuy ta đầy đủ tất cả mọi thứ phiền não, nhất phẩm phiền não cũng chưa đoạn. Ta có nhận thức này, có tín tâm kiên định như thế, muốn khi nào vãng sanh Phật liền đến tiếp dẫn. Vì sao vậy? Vì một niệm tương ưng một niệm Phật, niệm niệm tương ưng niệm niệm Phật. Ta với Phật Bồ Tát niệm niệm cảm ứng đạo giao, đạo lý là như thế. Về lý có thể nói như thế, thế thì về sự không có vấn đề gì, như vậy mới thật sự gọi là đoạn nghi sanh tín.
(Trích: Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa, tập 221)
Được gắn thẻ , , , ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *