Đạo Phật, HT Tuyên Hóa

Tinh tấn là thân tinh tấn và tâm tinh tấn

Tại sao người sống thiện, tinh tấn tu hành lại gặp nhiều ác nghiệp?
Tinh tấn là thân tinh tấn và tâm tinh tấn. Thân tinh tấn thì phải tụng kinh, lễ lạy, tọa thiền, trì chú, nghĩa là cần phải dùng thân thể để tu hành. Tâm tinh tấn thì trong mọi nơi mọi lúc, bạn phải siêng tu giới định huệ, ngừng bặt tham sân si. Ngày cũng tinh tấn mà đêm cũng tinh tấn, lúc nào cũng nhắm về phía trước mà tiến bước, chẳng hề lười biếng. Ðối với người tu, tinh tấn là yếu tố vô cùng quan trọng. Mình chẳng thể nào không tinh tấn, vì không tinh tấn thì chẳng thể thành Phật. Muốn thành Phật thì phải tinh tấn.
Thân thể của mỗi người chúng ta là một địa ngục, chẳng qua mình không biết đó thôi. Người trì giới thì làm tự tánh thanh tịnh: Quét sạch mọi thứ đen đủi xấu xa trong tự tánh đi. Khi dụng công, mình đừng sợ khổ, sợ khó, sợ mệt mỏi, thì mới thành công đặng.
Tu hành thì hàng ngày phải giữ trạng thái quân bằng như cái cân vậy. Làm thế nào để quân bằng? Tức là lúc nào cũng giữ thái độ điềm đạm, yên tĩnh, chẳng một chút gợn sóng xao động trong tự tánh. Ðây chính là phiền não tức bồ đề, sinh tử là Niết bàn.
Người tu đạo thì càng tu càng giảm thiểu, giảm tới chỗ chẳng còn gì cả. Chớ nên theo thói người đời, cái gì cũng muốn cho nhiều.
Muốn dứt sinh tử thì phải đem hai chữ sinh tử mà treo nơi lông mày. Mở mắt nhìn thì thấy vấn đề sinh tử, mà nhắm mắt nhìn cũng thấy vấn đề sinh tử. Lúc nào nơi nào cũng dụng công tu hành thì mới cắt đứt được sinh tử.
Nếu bạn chẳng khởi vọng tưởng dù chỉ trong một thoáng chốc, khiến tâm thanh tịnh thì trãi qua một thời gian lâu, tâm của bạn sẽ trở nên trạm nhiên, thường yên lặng.
Ðạo đức thì cũng như mặt trời mặt trăng, hay trời đất vậy. Nó cũng là tánh mạng của một người. Không đức thì người ấy cũng giống như chẳng có tánh mạng, chẳng có nhật nguyệt thiên địa vậy.
Tham thiền hay niệm Phật đều tốt cả. Chỉ cần mình chân thật tu hành thì có thể vượt qua được cửa sinh tử. Ðến khi lâm chung sẽ chẳng có thống khổ, lòng không tham luyến, như nhập thiền định, tươi cười mà vãng sinh.
Người tu đạo cần phải làm việc vô sự: Nghĩa là tích công lũy đức nhưng chẳng được chấp trước vào nó.
Khi học Phật pháp, việc chủ yếu là phải có con mắt thấy được chân lý (trạch pháp nhãn). Nếu bạn cứ tin chuyện này, tin chuyện kia, (mà không quan sát để thấy chân tướng việc ấy) thì kết quả là bạn sẽ không làm thành chuyện gì cả.
Thanh tịnh tức là không tham tiền, cũng chẳng cần sắc.
Người học Phật nên trước tiên học chịu bị thua thiệt, không tham chiếm tiện nghi. Chuyện gì cũng phải biết buông xả. Có buông bỏ mới có chứng đắc.
Mọi pháp đều là Phật pháp, đều không thể nắm bắt. Nhưng ta cũng có thể nói rằng mọi pháp đều chẳng phải là Phật pháp.
Nói tóm lại: Khi học Phật, ta cần buông xả tất cả mọi chấp trước. Quét sạch hết mọi pháp, rời bỏ mọi hình tướng. Cái gì có hình tướng, đều là hư vọng, chẳng thể nắm bắt. Nếu thấy mọi sắc tướng là không có tướng, thì tức là thấy đặng Như Lai.
Ðiều tối kỵ của người học Phật là có chấp trước. Khi chưa học Phật thì chẳng có mấy chấp trước; sau khi học Phật rồi lại có nhiều chấp trước hơn! Thật ra vạn sự vạn vật lúc nào cũng diễn bày chân lý. Nếu bạn giác ngộ thì tự nhiên quán thông mọi sự. Nếu bạn chẳng giác ngộ thì càng chấp trước thì càng lún sâu, càng mê muội.
Mỗi người tín đồ Phật giáo đều phải gánh trách nhiệm làm Phật giáo hưng thạnh.
Vì sao cần tu hành? Vì ta ngu si, chỉ làm toàn chuyện điên đảo, chịu khổ trong luân hồi, không được tự tại.
Mệnh vận của nhân sinh là do nghiệp lực chiêu cảm mà ra. Chúng ta không nên để bẩm chất, thói quen dắt dẫn mình, cũng đừng để dục vọng, vật chất làm mê mờ. Mình cần phải sáng tạo vận mệnh, lèo lái vận mạng. Muốn sửa đổi vận mạng thì phải làm cho nhiều việc công đức. Lúc ấy, khi bạn gặp nạn tự nhiên điều lành sẽ tới. Ðiều dữ sẽ biến thành điều kiết tường. Rằng: Hãy làm việc tốt, chớ hỏi sẽ được kết quả gì trong tương lai.
Bất kỳ việc gì nếu bạn xem nó thật bình thường, chẳng có gì quan trọng lắm thì bạn sẽ chẳng có gì rắc rối. Khi bạn cho chuyện này việc nọ là trọng yếu, là quan trọng lắm thì nó sẽ rắc rối.
Tu đạo thì phải tu đạo đức chân chính, không trở ngại kẻ khác, cũng chẳng lo sợ kẻ khác trở ngại mình.
Việc khó khăn nhất trong lúc tu là chặt đứt phiền não. Chặt đứt có nghĩa là biến, biến phiền não thành bồ đề.
Xem nhẹ tài sắc danh thực thùy, coi nó chẳng có gì, quên nó đi, đó mới chính thật là người tu hành.
Thế giới Cực Lạcdo tâm hiện ra. Tự tánh của ta là Tịnh Ðộ, tự tánh của ta là đức A Di Ðà. Khi không có vọng tưởng, thì tâm đó chính là Tịnh Ðộ. Khi không có phiền não, thì tâm ấy chính là A Di Ðà.
-Trích: Ngữ Lục Của Hoà Thượng Tuyên Hoá-
Được gắn thẻ , , , , , , ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *