Tịnh Độ

Đức Phật A Di Đà có duyên sâu nặng với chúng sanh

Nên "vuốt đầu niệm Phật" cho trẻ trước khi chúng đi ngủ
Nếu nói về duyên phận thì mười phương chư Phật, chư Bồ Tát, Đức Phật A Di Đà là có duyên sâu nặng nhất, thân thiết nhất, gần gũi nhất với chúng sanh.
Trong kinh Đại bi ghi:
Chúng sanh trong thế giới Ta-bà này, phiền não sâu dày, chuyên tạo nghiệp ác. Chư Phật trong các thế giới đều không thể thâu nhận những chúng sanh như thế.
Chẳng những họ bị một nghìn bốn trăm Đức Phật mà tất cả chư Phật ở phương khác đều bỏ rơi, vì nghiệp chướng của họ quá nặng.
Thương thay! Chúng sanh chúng ta ở thế giới bà này phiền não quá sâu dày, chư Phật còn không có thể cứu huống gì Bồ Tát! Chỉ có Đức Phật A Di Đà là vua trong các Đức Phật, Ngài phát lời thệ nguyện sâu rộng, chủ động, bình đẳng, cứu độ chúng ta một cách vô điều kiện, Ngài phát nguyện:
“Mười phương chúng sanh, niệm danh hiệu Tôi, cho đến mười niệm, nếu không được vãng sanh thì Tôi không ở ngôi Chánh giác.”
Nếu không giúp cho chúng ta vãng sanh thì Đức Phật A Di Đà cũng không thành Phật; nếu chúng ta vãng sanh thì Đức Phật A Di Đà mới thành Phật.
Việc thành Phật của Đức Phật A Di Đà căn cứ vào việc vãng sanh của chúng ta; việc vãng sanh của chúng ta căn cứ vào việc thành Phật của Đức Phật A Di Đà mà quyết định.
Nhưng nay, Đức Phật A Di Đà đã thành Phật thì đương nhiên chúng ta cũng sẽ vãng sanh.
Nghĩa là, việc phát nguyện thành Phật của Đức Phật A Di Đà cùng với việc vãng sanh của mười phương chúng sanh chúng ta là một thể; Đức Phật thành Phật cũng chính là Ngài đã hoàn thành công đức vãng sanh cho chúng sanh chúng ta. Nếu có một chúng sanh nào không hoàn thành công đức vãng sanh thì Đức Phật A Di Đà không thể thành Phật.
Cho nên biết rằng: Đức Phật A Di Đà với chúng ta là một thể. Việc thành Phật của Đức Phật tùy thuộc vào việc vãng sanh của chúng ta, việc vãng sanh của chúng ta dựa vào việc thành Phật của Đức Phật. Như ba cây lau cùng nương tựa vào nhau, nếu thiếu một cây thì sẽ bị đổ.
Ngoại trừ Đức Phật A Di Đà ra, còn chư Phật ở mười phương đều không có thệ nguyện này.
Một câu Nam-mô A Di Đà Phật, căn cơ và giáo pháp đồng một thể như chim Cộng mạng, nó có hai đầu nhưng chỉ có một thân, nương vào nhau mà tồn tại.
Trong Đại kinh nói về bi nguyện của Đức Phật A Di Đà:
Ta vì các phàm phulàm người bạn không cần mời thỉnh
Gánh vác mọi nặng nhọc cho chúng sanh.
Như đứa con thuần hiếu yêu kính cha mẹ
Coi các chúng sanh như bản thân mình.
Nếu tâm không thể thường bố thí
Rộng cứu chúng sanh thoát mọi khổ
Khiến thế gian lợi ích, an vui
Thì chẳng phải bậc Pháp vương cứu thế.
Chúng sanh luân hồi trong các cõi
Mau về cõi Ta, hưởng an lạc.
Thường vận tâm từ cứu hữu tình
Độ hết chúng sanh thoát địa ngục A-tỳ.
Vì chúng khai tạng pháp
Rộng thí báu công đức.
Tiêu trừ ba độc hại,
Cứu khỏi các ách nạn.
Đóng hết các đường ác
Mở rộng các cửa lành.
Đem ân huệ lợi ích quần sanh
Khiến các chúng sanh thành tựu công đức.
Ta quyết thành Phật để thực hành rộng nguyện này
Khiến tất cả lo âu, sợ hãi đều trở thành an lạc.
Cho nên biết, Đức Phật A Di Đà không chỉ xem chúng ta như bản thân Ngài, mà thậm chí còn xem chúng ta như cha mẹ của Ngài. Bởi từ vô lượng kiếp đến nay, chúng ta bị nghiệp chướng sâu nặng, nên Đức Phật mở ra tạng pháp giúp cho chúng ta thành tựu được công đức, hiện đời thoát ly nghèo khổ, tiêu trừ ách nạn, chuyển tất cả lo âu sợ hãi của chúng ta trở thành an lạc; tương lai được vãng sanh về thế giới Cực Lạc, vĩnh viễn thoát ly lục đạo luân hồi.
Tuy chư Phật có nhiều bi nguyện, nhưng chỉ mình đức Phật A Di Đà có bi nguyện này. Cho nên, trong tất cả chư Phật và Bồ Tát, chỉ có Đức Phật A Di Đà là có duyên sâu nặng nhất, thân thiết nhất, gần gũi nhất với chúng sanh.
( trích Bài tựa Niệm Phật Cảm ứng lục)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *