Hòa Thượng Tịnh Không, Lời dạy của đức phật

Không nhẫn tâm ăn thịt chúng sanh

Hòa Thượng Tịnh Không
Ở đây đưa ra một trường hợp, ví dụ ngày xưa sát sanh, bây giờ phát tâm trì giới. Quý vị thọ giới, thọ năm giới không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không vọng ngữ, không uống rượu, phát tâm trì giới. Năm giới này là để đoạn trừ năm loại tập khí. Tập khí quá sâu nặng muốn đoạn tận rất khó khăn
Quý vị hiện nay không sát sanh nữa, nhưng có thể duy trì không sát sanh này được bao lâu? Trước đây hay nổi giận, thích mắng người, bây giờ trừ bỏ, không nổi giận nữa. Đưa ra trường hợp này đều là sửa đổi về sự, đây là một loại hành vi cưỡng chế, rất khó khăn.
Bệnh căn luôn tồn tại, vì sao vậy? Tham sân si mạn là gốc của bệnh, những thứ này không cách nào đoạn được, cho nên cảnh giới hiện tiền nó lại khởi hiện hành. Có một số người thiện căn sâu dày, còn có thể cưỡng chế được.
Thiện căn mỏng manh luôn luôn gặp nghịch cảnh lớn, họ không thể nào khống chế được. Nghịch cảnh nhỏ thì được, họ có thể khống chế, nhưng nghịch cảnh lớn thì không thể. Bên dưới nói: “đông diệt tây sanh, phi cứu cánh khuếch nhiên chi đạo”. “Khuếch nhiên chi đạo” nghĩa là trừ tận gốc, không cách nào bạt trừ triệt để, đây là sửa về sự.
Chúng ta biết rất nhiều người học Phật đều có thiện tâm, đều muốn sửa lỗi, mọi người phát tâm thọ giới, sau khi thọ giới lại không làm được, tôi gặp không ít người. “Thầy ơi, con đã thọ giới, bây giờ không thực hành, lại phạm giới, lại phá giới, phải làm sao?” Điều này rất khó!
Tiếp theo, Liễu Phàm dạy chúng ta sửa từ lý, lý luận, công phu này cao hơn trước một bậc. “Thiện cải quá giả”. Thiện là biết, người biết sửa lỗi. “Vị cấm kỳ sự, tiên minh kỳ lý”, ví dụ chúng ta muốn không sát sanh, “sự” của không sát sanh chúng ta chưa đoạn, vẫn chưa đoạn, trước tiên phải hiểu vì sao không sát sanh, phải hiểu rõ đạo lý này.
“Như quá tại sát sanh”, chúng ta có tội sát sanh. “Tức tư viết”, tư là phải thường nghĩ. “Thượng đế hiếu sinh, vật giai luyến mạng, sát bỉ dưỡng kỷ, khởi năng tự an”. Trước đây không ai dạy chúng ta, nên lơ là, xưa nay không hề nghĩ đến điều này. Đến khi tiếp thu giáo huấn của thánh hiền, chúng ta nghe lời dạy này thường để trong lòng, đúng là “trời có đức hiếu sinh”.
Tất cả các loài động vật, làm gì có chuyện không quý trọng sinh mạng mình? Đến con trùng con kiến đều tham sống sợ chết. Nếu chúng ta muốn giết nó để nuôi dưỡng mình, tâm chúng ta an được sao? Nếu nói ngược lại, người ta giết mình để nuôi sống họ, chúng ta cam tâm tình nguyện chăng? Thường nên nghĩ đến đạo lý này.
“Thả bỉ chi sát dã”, quý vị thử nghĩ lại tình trạng khi động vật bị giết. “Ký thọ đồ cát, phục nhập đỉnh hoạch”, đỉnh hoạch là để vào trong nồi nấu. “Chủng chủng thống khổ, triệt nhập cốt tủy”. Nếu chúng ta đứng vào vị trí đó để suy nghĩ, giả dụ như động vật này là ta, ta bị người giết, sau đó bị đem đi nấu, bị người ăn thịt. “Kỷ chi dưỡng dã, trân cao la liệt, tham quá tức không”. Chúng ta thường nghĩ đến điều này.
Năm tôi 26 tuổi gặp được cuốn sách này, sau khi đọc xong tôi cảm động vô cùng. Cho nên từ khi bắt đầu tiếp xúc, khoảng sáu tháng sau tôi liền ăn chay. Tôi thường nghĩ đến: “không nhẫn tâm ăn thịt chúng sanh”, nghĩ đến tình trạng này quá đáng sợ. Lại nghĩ đến quả báo của nó, đúng là lạnh người.
Trước đây, khi cha tôi còn sống, ông là một quân nhân, thời kỳ kháng chiến trong nhà tôi có rất nhiều súng. Lúc đó, tôi vẫn còn ghi nhớ rõ ràng, trong nhà tôi súng ngắn, súng dài có khoảng tám cây. Ông rất thích săn bắn, lúc nhỏ tôi thường theo cha đi săn, ngày nào cũng săn được thú rừng đem về ăn.
Nhưng sau khi kháng chiến thắng lợi, tình trạng lúc cha tôi chết hoàn toàn giống như trong Kinh Địa Tạng nói. Ông bị “điên cuồng”, thấy núi ông chạy lên núi, giống như dã thú vậy, hình ảnh rất giống dã thú, nhìn thấy nước ông lập tức lặn xuống nước.
Trong kinh điển Đức Phật nói về quả báo của sát sanh, tôi tận mắt chứng kiến. Nghĩ đến tình trạng của cha tôi từ lúc bệnh cho đến chết, tôi vô cùng khiếp sợ! Chính tôi cũng từng đi săn bắn ba năm, cũng giết chết không ít sinh mạng. Khi đọc sách này, nghĩ đến những tình hình đó, tôi tuyệt đối không còn dám làm.
Từ năm 26 tuổi, tôi bắt đầu ăn chay trường, phóng sanh để chuộc tội, tội sát sanh trong quá khứ quá nặng. Nên sau khi học Phật, tôi chỉ làm ba việc:
Đó là ấn tống kinh điển, tôi học theo đại sư Ấn Quang. Phóng sanh để tiêu trừ tội nghiệp sát sanh của tôi. Bố thí thuốc men, thấy nhiều người bệnh hoạn khổ sở, người nghèo khổ không có tiền mua thuốc, mỗi tháng tôi quyên ít tiền bố thí thuốc men. Tôi chỉ làm ba việc này, rất đơn giản, rất đơn thuần, ở đây dùng chữ nghĩa rất hay.
“Kỷ chi dưỡng dã”, đây là nói thói quen hằng ngày của chúng ta. “Trân cao la liệt”, nghĩa là thức ăn rất phong phú, quý vị có nghĩ đến “thực quá tức không” chăng?
Chúng ta tham đắm vị ngon, tham đắm này là vì ai? Chúng ta sát sanh ăn thịt là vì ai? Vì cái lưỡi có thể phân biệt mùi vị, nhưng cái lưỡi chẳng qua chỉ dài ba tấc mà thôi, nuốt vào trong cổ thì đâu còn biết mùi vị gì nữa. Vì thỏa mãn cái lưỡi ba tấc này, mà tạo ra vô lượng vô biên tội nghiệp, không đáng! Đạo lý này, sự thật này chúng ta đã suy nghĩ tường tận chăng?
Nếu nói ăn chay không có dinh dưỡng, ăn chay không có sức khỏe, tôi có thể làm chứng cho mọi người. Tôi ăn chay đến nay đã 50 năm, nhưng trong đời chưa từng bị bệnh, đúng là mạnh khỏe sống lâu. Thể lực của tôi không yếu, có thể duy trì được tình trạng sức khỏe, nguyên nhân là gì? Nhờ ăn chay. Nói thật tôi không rành lắm về phương pháp dưỡng sinh, không hề chú ý đến, quả thật là không hiểu.
Điều đáng tiếc nhất trên cơ thể chính là răng không đẹp, tôi không bị rụng răng, răng đều rất tốt, chỉ là chưa đủ tiêu chuẩn. Vì sao vậy? Vì không biết cách bảo vệ răng. Năm trước, có một vị đồng tu dẫn tôi đi khám răng, lấy men răng cho tôi. Bác sĩ lấy men răng nói với tôi, răng của thầy không tệ, giữ rất tốt, đây là nhờ thầy ăn chay.
Hơn 70 tuổi, nhưng răng người khác không thể sánh bằng. Ông dạy tôi cách bảo vệ răng, sau mỗi lần ăn xong, nhất định phải súc miệng, đánh răng, không cần dùng kem. Kem chỉ cần dùng hai lần sáng và tối, bình thường phải luôn súc miệng, đánh răng.
Tôi không biết điều này, trước đây tôi chỉ đánh răng một lần vào buổi sáng, buổi tối không đánh, cho nên không chăm sóc tốt cho răng. Nếu tôi gặp bác sĩ này sớm, lúc trẻ hiểu cách bảo vệ răng, răng của tôi bây giờ chắc giống như người hai ba mươi tuổi vậy.
Vị bác sĩ này nói với tôi, phải bảo vệ răng thật tốt. Tôi như thế này cũng được coi là tốt, nhưng chưa đủ tốt, bây giờ tôi đã hiểu. Sau mỗi lần ăn xong, tôi lập tức đánh răng, súc miệng, tuyệt đối không để giữa kẽ răng còn thứ gì tồn tại, như vậy rất dễ sinh vi khuẩn. Răng tốt, tức là hệ thống tiêu hóa của chúng ta đều tốt, người không bị bệnh.
Ăn chay rất có lợi cho sức khỏe, đặc biệt là sau tuổi trung niên. Sau tuổi trung niên không biết nhiếp sanh trong ẩm thực, đối với sức khỏe lúc về già sẽ có ảnh hưởng rất lớn. Đây là từ việc ăn ở, thông thường chúng ta gọi là vệ sinh. Người thế gian đều hiểu và chú ý vệ sinh, nhưng còn có điều quan trọng mà mọi người lãng quên, đó là gì? Là vệ tánh, tánh là tánh tình tốt, nó sẽ ảnh hưởng đến sinh lý.
✍️Trích: Liễu Phàm Tứ Huấn giảng giải, tập 8

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *