Hòa Thượng Tịnh Không, Lời dạy của đức phật

Toàn tâm toàn lực hộ trì Chánh Pháp, hoằng dương Chánh Pháp

Chánh Pháp Minh Như Lai
Chúng ta thấy xã hội hiện nay, có rất nhiều người giàu có, phước của họ từ đâu đến? Ruộng phước, ruộng có thể trồng lúa gạo ngũ cốc lương thực, ruộng có thể sanh có thể trưởng. Ba điều trên có thể trưởng dưỡng phước đức và phú quý của tất cả chúng sanh, đời này giàu có là do đời trước trồng tại ruộng phuớc Tam Bảo. Nếu phá hoại Tam Bảo này, tất cả chúng sanh không có nơi trồng phước. Người không có phước báo, mặc dù đến nhân gian, nhưng cuộc sống rất đáng thương, không có phước báo. Hành vi này, phá hoại phước điền chân thật của tất cả chúng sanh này, đây là tội nghiệp vô gián, không được làm điều này. Nếu tự thân người xuất gia làm điều này, thì tội này càng thêm nặng, không thể không biết điều này.
“Đối với ngũ nghịch thường hay nói”, đây là tội ngũ nghịch mà trong nhà Phật thường nói. Tội ngũ nghịch này chính là giết cha, giết mẹ, giết A la hán, làm thân Phật chảy máu, phá hòa hợp tăng. Thông thường chúng ta đều nói như thế, ý nghĩa hoàn toàn giống ở trước. “Phạm ngũ nghịch này”, nếu phạm năm loại tội này. “Thân hoại mạng chung, chắc chắn đọa vào địa ngục vô gián, trong một đại kiếp, thọ khổ vô cùng”. Một đại kiếp là nói thời gian chịu khổ, quá dài. Kiếp này tính như thế nào? Trong Kinh điển, trước tiên Đức Phật nói với chúng ta về tiểu kiếp. Trong Kinh nói nhiều nhất, phổ biến nhất, thọ mạng con người mười tuổi, bắt đầu từ mười tuổi, mỗi một trăm năm thêm một tuổi, thêm đến tám vạn bốn ngàn tuổi, thọ mạng con người dài nhất là tám vạn bốn ngàn tuổi. Sau đó từ tám vạn bốn ngàn tuổi, lại mỗi một trăm năm giảm 1 tuổi, 100 năm giảm 1 tuổi, lại giảm đến 10 tuổi. Một lần tăng một lần giảm này gọi là một tiểu kiếp, quý vị tính thử xem thời gian này dài bao nhiêu? 20 tiểu kiếp là một trung kiếp, bốn trung kiếp là một đại kiếp. Ta ở trong địa ngục A Tỳ chịu tội, phải chịu thời gian dài như thế. Một đại kiếp là thế giới này của chúng thành trụ hoại không một lần, cho nên người không biết chân tướng sự thật họ dám tạo, tạo nghiệp một cách mê mê hồ hồ. Người hiểu rõ chân tướng sự thật không dám làm, sao dám tạo tội nghiệp này, quá đáng sợ. Đoạn này nói về tội ngũ nghịch.
Đoạn bên dưới nói về tội “phỉ báng”, phỉ nghĩa là báng, báng tức là hủy, cho nên cũng gọi là hủy báng. “Người nói lời ác vượt qua sự thật gọi là báng”, phê bình lỗi lầm của người khác, nói quá những việc họ làm. Lỗi lầm, tội nghiệp này nói quá sự thật, đây là hủy báng. Người ta không tạo tội nặng như thế, họ lại nói thêm vào nặng nề hơn. Điều này trong xã hội hiện nay là hiện tượng thường thấy, người không có lỗi nói họ có lỗi, người có lỗi lầm thì nói lỗi lầm đó rất nghiêm trọng, không thể tha thứ. Xã hội hiện nay, tình hình này rất nhiều. Ta làm việc tốt này khiến chướng ngại danh lợi của họ, họ liền nghĩ phương kế hủy báng ta.
“Phỉ báng Chánh Pháp, tức phỉ báng Phật Pháp. Đại nguyện thập niệm tất sanh này, phổ bị tất cả, nhưng trừ người phạm tội ngũ nghịch và hủy báng Chánh Pháp”. Đây là ý trong nguyện văn này, khi lâm mạng chung thập niệm tất sanh. Nhưng người này tạo tội ngũ nghịch, lại hủy báng Chánh Pháp, thập niệm tất sanh họ không có phần.
Bên dưới là trong Quán Kinh nói, nghĩa là trong Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật nói: “Ngũ nghịch thập ác, lâm chung thập niệm, cũng được vãng sanh”. Xem ra hình như hoàn toàn trái ngược với 48 nguyện trong Kinh Vô Lượng Thọ, như vậy là sao? Nếu phạm ngũ nghịch thập ác, khi lâm chung họ chân thành sám hối, vĩnh viễn không tái phạm. Thật sự quay đầu, có thể vãng sanh chăng? Có thể vãng sanh. Vấn đề là lúc lâm chung họ có chịu quay đầu hay không? Không thể quay đầu, như vậy chắc chắn đọa địa ngục, đọa địa ngục vô gián. Công Đức sám hối không thể nghĩ bàn!
Chúng ta xem đoạn văn bên dưới: “Trong Kinh này trừ người phạm ngũ nghịch trọng tội, lại hủy báng Chánh Pháp, tội càng thêm nặng, mà hủy báng Chánh Pháp là tội nặng nhất. Người hủy báng Chánh Pháp gọi là xiển đề hủy báng Chánh Pháp, cho nên không thể vãng sanh”. Xiển đề là tiếng Phạn, dịch sang tiếng Trung nghĩa là không có thiện căn. Người hủy báng Chánh Pháp không có thiện căn, như vậy sao có thể vãng sanh? Vãng sanh Tây Phương Tịnh độ, trong Kinh Di Đà nói ra ba điều kiện: “Không thể thiếu thiện căn, phước đức và nhân duyên mà được sanh về cõi nước này”. Người hủy báng Phật Pháp không có thiện căn, sao họ có thể vãng sanh.
Bên dưới nói: “Hoặc hỏi, nếu người phạm tội ngũ nghịch, mà không hủy báng Chánh Pháp, trong Quán Kinh nói có thể vãng sanh. Nếu có người tuy hủy báng Chánh Pháp, mà không phạm tội ngũ nghịch, như vậy có được vãng sanh chăng?”. Trong Vãng Sanh Luận có giải thích: “Đáp rằng, chỉ cần hủy báng Chánh Pháp, tuy là tội vô dư, nhưng nhất định không được vãng sanh”, vì sao vậy? Vì họ không tin Phật Pháp, nếu tin họ đã không hủy báng, hủy báng nghĩa là họ không tin, họ không tin sao có thể vãng sanh? Nghĩa là nói, chỉ cần là hủy báng Chánh Pháp, ngoài ra họ không phạm những tội khác, cũng không được vãng sanh. Đạo lý này chúng ta có thể hiểu, không quá sâu sắc.
“Sao lại nói như thế? Trong Kinh dạy rằng, người phạm tội ngũ nghịch đọa vào trong đại địa ngục A Tỳ, chịu đủ tất cả trọng tội, đến khi kiếp tận mới được ra”. Như vừa mới nói, họ ở trong địa ngục vô gián một đại kiếp, hết thời gian một đại kiếp họ mới có thể ra khỏi địa ngục. “Người phỉ báng Chánh Pháp, đọa vào trong địa ngục A Tỳ, nếu hết kiếp này lại chuyển đến đại địa ngục A Tỳ khác. Triển chuyển như thế trải qua trăm ngàn đại địa ngục A Tỳ, Phật không nhớ được thời gian, cho nên tội hủy báng Chánh Pháp cực kỳ sâu nặng”. Như vậy không phải là một đại kiếp, thời gian một đại kiếp này đến, họ lại chuyển đến địa ngục vô gián khác. Triển chuyển thọ báo như thế, Đức Phật cũng không biết khi nào họ mới được ra. Tội này cực kỳ nặng, không thể hình dung, chúng ta không thể không biết. Nếu biết được đạo lý này, nhìn từ phương diện ngược lại, làm công tác Hộ Pháp, làm công việc Hoằng Pháp lợi sanh, phước báo đó lớn biết bao! Điều này chứng minh ở trong Phật Pháp dễ tu phước. Nếu làm công việc hoằng dương và hộ trì Chánh Pháp, làm ít công việc hoằng dương và hộ trì trong đạo tràng Chánh Pháp, đời sau được phú quý, không ra khỏi lục đạo. Đối với lục đạo, tình chấp còn rất sâu nặng, đời sau được phú quý. Nếu toàn tâm toàn lực hộ trì Chánh Pháp, hoằng dương Chánh Pháp, làm gì có đạo lý không vãng sanh Thế Giới Cực Lạc. Vãng sanh Thế Giới Tây Phương Cực Lạc, phẩm vị chắc chắn rất cao, không thể không biết điều này.
Trong Vãng Sanh Luận lại nói: “Quý vị chỉ biết tội ngũ nghịch là nặng, mà không biết tội ngũ nghịch sanh ra là do không biết Chánh Pháp, cho nên người hủy báng Chánh Pháp tội này nặng nhất”. Điều này nói rất có lý, tội ngũ nghịch là giết cha, giết mẹ, giết A la hán, phá hoại Tam Bảo, nguyên nhân là gì? Do không có Chánh Pháp, con người mới tạo tội nghiệp này. Nếu thế gian có Chánh Pháp, con người sẽ không tạo tội nghiệp này. Con người đều muốn tu phước báo, đều muốn đời sau tốt đẹp hơn đời này, sống càng tốt hơn. Hủy báng Chánh Pháp là đoạn tuyệt nhân duyên tu phước của chúng sanh, tội của họ là kết ở đây. Tội nghiệp này không phải đối với Tam Bảo, không phải đối với Phật, không phải đối với tăng đoàn, cũng không phải đối với A la hán. Là tất cả chúng sanh không có phước báo, họ kết tội từ đây. Tất cả chúng sanh không có phước báo, là do quý vị hủy báng Chánh Pháp, tội này rất nặng. Cho nên những tánh tướng, sự lý, nhân quả này, chúng ta phải hiểu rõ ràng minh bạch, sau đó mới biết chính mình tu học như thế nào là đúng Pháp. Tu học như Pháp, nhất định phải làm tấm gương tốt cho người khác.
Trích :Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa – Tập 214
Giảng Kinh Vô Lượng Lần Thứ XI – Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải
Chủ Giảng : HT.Thượng Tịnh Hạ Không.
Được gắn thẻ , ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *