Hòa Thượng Tịnh Không, Lời dạy của đức phật

Chúng ta phải dùng tâm cảm ân đội đức để tu học Phật pháp

HT Tịnh Không - thuộc lòng về kinh

Tiên sinh Phương Đông Mỹ nói về: “Sự hưởng thụ cao nhất của đời người”, một chút cũng không giả. Tôi có được một chút thọ dụng, cho nên tôi niệm niệm không quên ân đức của thầy. Phật pháp thù thắng vô cùng, vi diệu hạng nhất trong thế xuất thế gian, nếu như không có cao nhân chỉ điểm, thì bạn làm sao nhận biết được?

Cả đời tôi học Phật không có ý mong cầu, cảm ứng này là cảm ứng tiềm tàng. Tôi không có tâm mong cầu, chắc là thiện căn quá khứ chín muồi nên tôi gặp được những vị thầy này, “Phật, Bồ Tát hóa hiện”. Phương pháp mà các thầy dạy tôi khác với những phương pháp dạy người khác. Tôi theo Phương tiên sinh học Triết Học, thầy giới thiệu Phật pháp cho tôi, nói cho cho tôi biết “Triết học” trong kinh Phật là đỉnh cao nhất của “Triết học” thế giới, thầy dùng phương pháp này giới thiệu cho tôi. Thầy dạy học trong trường, không có đem những lời này nói với học sinh thông thường.

Sau khi tiếp xúc Phật pháp, tôi có duyên gặp Đại sư Chương Gia, căn cơ này của tôi là nhờ Đại sư Chương Gia kiến lập. Đại sư viên tịch cũng là vì tôi, tôi biết rất rõ; bởi vì nếu Ngài không viên tịch thì tâm học Phật của tôi sẽ không khẩn thiết như vậy; khi Ngài ra đi rồi, tôi mất chỗ nương dựa. Tôi cùng Phật sống Cam Châu dựng lều bên lò thiêu của Ngài, tôi đã ở đó ba ngày ba đêm, hết lòng tỉ mỉ suy nghĩ, ba năm theo Đại sư, Ngài đã dạy cho tôi những gì? Tôi hồi tưởng, sắp xếp lại những gì Ngài chỉ dạy trong ba năm qua tôi rất cảm kích Ngài, rễ được cắm sâu, cắm được chắc chắn.

Sau đó theo học thầy Lý mười năm mới có được một chút thành tựu. Người theo học thầy Lý rất nhiều, quá nhiều, vì sao không thể thành tựu? Không có gốc rễ! Trong ba năm ấy gốc rễ của tôi đã được vun bồi.

Tôi học Phật, học Phật pháp theo hai vị thầy, học Thế pháp theo một vị thầy, rất đơn thuần. Tôi có thái độ của một người học trò, y giáo phụng hành, không trái nghịch lời dạy của thầy giáo, tuân thủ lời dạy của thầy, trong Phật pháp gọi là “sư tư đạo hợp”. Chúng ta giảng kinh dạy học, nhất định phải cúng dường thầy giáo ở một bên, hiện trường này của chúng ta có thầy giáo hiện diện. Thầy giáo dạy bảo chúng ta, nhưng không có hộ pháp đắc lực thì cũng không thể thành tựu.

Hàn Quán Trưởng hộ trì ba mươi năm, chúng ta treo ảnh của bà ở đối diện, mỗi giảng đường bà đều tham dự, đều nhìn thấy, tinh thần của bà đích thật tồn tại trong đạo tràng này của chúng ta, trong lớp học này của chúng ta, chư Phật, Bồ Tát đang ở đây. Chúng ta dùng tâm niệm gì để học tập? Cảm ân đội đức. Chúng ta biết trong một đời này nhất định sẽ thành tựu, chư Phật hộ niệm, long thiên ủng hộ, đâu có lý không thành tựu?

Hàn Quán Trưởng có huệ nhãn, không phải là người thường, lần trước Pháp sư Hàn Quốc đến đây, nhìn thấy ảnh bà, bảo là Quán Âm Bồ Tát tái lai. Bà giao phó công tác hộ pháp cho Cư sĩ Lý Mộc Nguyên, ông Lý không phụ lời ủy thác này. Lần đầu tiên Cư sĩ Lý đến thư viện Đài Bắc, Hàn Quán Trưởng tặng cho ông một bộ Tây Phương Tam Thánh, Phật Bảo đã giao cho ông. Đến lần thứ hai tặng ông một bộ “Đại Tạng Kinh”, Pháp Bảo cũng đã giao cho ông. Sau khi vãng sanh, tất cả chúng ta đều đến nơi đây, Tăng Bảo cũng giao cho ông rồi. Ông phải phụ trách hộ pháp nên mới có nhân duyên thù thắng như vậy.

Chúng ta ở trong thời đại này có nhiều tai nạn to lớn, có thể ở đây giảng “Kinh Hoa Nghiêm”, thật không dễ gì! bạn phải biết khai giảng bộ kinh này, người ở địa phương này có phước báo lớn biết bao, thiện căn lớn biết bao. Nếu thiện căn, phước đức, nhân duyên hoàn toàn không đầy đủ thì pháp hội này nhất định không thể mở nổi. Pháp hội này có thể xây dựng ở đây, là do hết thảy chư Phật, Như Lai hộ niệm, long thiên thiện thần bảo hộ, trong tâm chúng ta rất rõ ràng, rất sáng tỏ.

Ân cha mẹ không thể quên, Ân sư trưởng không thể quên. Phật dạy chúng ta “Trên đền bốn ân nặng”. Bốn ân nặng này là “Ân cha mẹ”, “Ân sư trưởng”; Tam Bảo thuộc phạm vi Sư Trưởng, Tam Bảo là thầy của chúng ta, “Ân quốc gia”, “Ân chúng sanh”. Quốc gia bảo vệ chúng ta, làm cho chúng ta an cư lạc nghiệp; “chúng sanh”, chúng ta không thể xa lìa xã hội, tách rời đại chúng mà sinh sống riêng rẽ. Ẩm thực y phục của chúng ta đều phải nhờ rất nhiều người canh tác, trồng trọt tạo thành, phải thường thường suy nghĩ. Làm sao báo ân? Phải hết lòng học tập, thật sự đoạn phiền não, khai trí tuệ, làm Phật, làm Bồ Tát, giống Địa Tạng Bồ Tát vậy, được vậy thì mới là “Trên đền bốn ân nặng, dưới cứu khổ ba đường”. Địa Tạng Bồ Tát làm gương tốt nhất cho chúng ta, chúng ta phải học tập.

(Trích: Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Kinh Giảng Ký, tập 08)

Được gắn thẻ , , ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *