Đạo Phật

Phật dạy 10 điều khiến chúng sinh bị quả báo thọ mạng ngắn ngủi

Nhờ xây cầu yểu mạng thành thọ mạng không con sanh được con
1. Tự mình làm việc sát sinh
Sát sinh là giới đầu tiên trong năm giới cấm mà Đức Phật dạy cho hàng đệ tử tại gia. Tuy chưa phải là người xuất gia, nhưng đã là người con Phật thì phải tu đức từ bi, rèn luyện tâm yêu thương tất cả chúng sinh. Đức Phật đã dạy rằng: “Hết thảy chúng sinh đều có Phật tính”, chính vì vậy mà Ngài luôn luôn tôn trọng sự sống, bất cứ sự sống nào, từ sự sống của côn trùng cho đến sự sống của cỏ cây. Là người đệ tử của Phật, chúng ta không những không thể sát hại chúng sinh mà còn phải tôn trọng và bảo vệ chúng sinh dù là loài vật vì chúng cũng có quyền sống, có quyền được chia sẻ môi sinh trên trái đất, nơi mà con người đang ở.
Về việc tự mình sát sinh, Đại đức cũng chỉ dạy rằng: “Sát sinh thường đem đến cho chúng ta những quả báo: hay bị tai nạn, chiến tranh xung đột, bệnh tật và đoản thọ. Sau khi chết có thể bị đọa vào địa ngục, hết tội địa ngục tái sinh lên làm súc sinh cũng bị giết mổ trở lại. Nếu tái sinh làm người thì nhiều bệnh tật, yểu thọ, không được sống lâu; phải sinh vào đất nước có nhiều chiến tranh; sống trong môi trường có nhiều tranh đấu, sát phạt lẫn nhau”.
Từ vô thủy kiếp đến nay, vì vô minh, lăn lộn trong miếng cơm manh áo mà chúng ta đã giết hại rất nhiều chúng sinh. Đến nay nghe được lời Phật dạy về quả báo của việc sát sinh, được quy y Phật và nghe lời giảng của chư Tăng thì mỗi chúng ta hãy tự biết dừng làm các việc sát sinh hại vật và chuyển hóa tâm ác hại chúng sinh của mình.
2. Khuyến khích người khác sát sinh
Ngoài quả báo rất nặng của việc trực tiếp sát sinh thì trong kinh Đức Phật cũng dạy rằng, người khuyên bảo người khác sát sinh cũng có quả báo rất nặng. Tuy không phải là người trực tiếp giết hại sinh mạng, nhưng lại là người xui bảo, khuyến khích người khác giết hại, đó được coi như “đồng phạm” trong việc sát sinh. Mà trong nhà Phật gọi hành động đó là “cộng nghiệp”, tức là cùng chung một nghiệp sát sinh, tuy nặng nhẹ khác nhau nhưng đều phải gánh chịu quả báo, ứng với hành động, lời nói của mình.
Nguyên nhân Đức Phật chế giới không sát sinh và diệu dụng
3. Khen ngợi việc giết hại
Sát sinh là nguyên nhân khiến cho mình tổn thọ, tiếp đó là khen ngợi việc giết hại. Ác tâm của chúng ta rất dễ bộc phát ra nhưng vì vô minh nên không nhận thức được. Thường thì chúng ta hay ganh tỵ với người thiện lành, khi thấy người khác làm việc tốt, việc thiện thì mình lại không khen ngợi. Ngược lại, khi thấy người khác làm việc ác thì lại khen ngợi, không can gián việc làm sai lầm của họ. Khi khen ngợi việc ác của người khác, chúng ta thường không biết rằng, đó là biểu hiện của sự vô cảm trên đau khổ của chúng sinh. Nếu mình vô cảm trước cái chết của một chúng sinh, thì sau này mình có quả báo là người khác cũng vô cảm trước sự đau khổ của mình.
4. Thấy việc giết hại sinh tâm vui thích
Trên thế giới, hiện nay vẫn còn có nhiều lễ hội mang tính chất tàn nhẫn, lấy mạng sống của chúng sinh để làm trò tiêu khiển, thu hút sự chú ý của đông đảo quần chúng; như lễ hội đâm trâu, chém lợn, chém cá voi, cá heo. Thay vì bị giết ở trong lò mổ, thì chúng bị giết giữa chốn đông người. Những con vật được quây lại một chỗ và bị giết một cách đau đớn bởi những bàn tay hiếu sát, máu của chúng tuôn ra chảy lênh láng khắp nơi; khi ấy mọi người chứng kiến vỗ tay, thích thú, họ dâng thịt cúng tế thần linh, cầu nguyện vị thần ban may mắn phước lành cho họ. Đây là hành động tà kiến, làm tổn hại sinh mạng chúng sinh, là nhân đoản mệnh, không được sống thọ.
Từ việc này, Đại đức Thích Trúc Thái Minh đã dạy các bạn trẻ: “Khi các con thấy con vật hay thấy người bị giết, các con phải sinh tâm thương xót. Quán tưởng như mình biến thành con vật ấy, mình hóa thân thành con vật ấy, con vật cũng biết quý mạng sống của nó. Các con cũng yêu quý mạng sống của mình, thì phải có lòng thương các con vật”. Thấy việc giết hại mà sinh tâm hoan hỷ là biểu dương cái ác, nhân tính bản thiện của con người bị suy giảm, đạo đức của con người cũng từ đó mà mất đi, không mang lại lợi ích lành mạnh cho số đông đại chúng.
Vì sao không nên sát sinh?
5. Đối với những người mình oán ghét thì muốn tiêu diệt
Trong kinh điển để lại, Đức Phật dạy cho hàng đệ tử của Ngài về “bát khổ”, trong đó có “oán tắng hội khổ” là một trong tám cái khổ của thế gian. “Oán tắng hội khổ” là gặp gỡ người mình ghét, khiến mình không thích, không vui khi làm việc, chung sống với họ; rồi sinh tâm ác hại nhau.
Đại đức giảng giải: “Chúng ta rất dễ mắc phải vấn đề này! Khi các con ghét ai, oán thù ai, thì mình mong cho họ chết nhanh, chết đau khổ; mình lại hoan hỷ với điều ấy. Đó là tâm lý thông thường của con người. Nếu các con khởi ý nghĩ như vậy thì cũng bị quả báo giảm thọ”.
Vì vậy, đối với người mình ghét, chúng ta nên xoay tâm, khởi tâm thương họ, phải thực sự rải lòng từ bi, thực lòng mong muốn cho họ được điều tốt đẹp. Chỉ có như vậy, chúng ta mới dần dần hòa hợp được với nhau. Những ai tin sâu nhân quả, biết tu sửa tâm ác hại thành thiện lành, biến thù thành bạn, thì chính mình sẽ được an vui và nhận được quả báo tốt đẹp, thọ mạng dài lâu.
6. Thấy người mình oán ghét bị tiêu diệt thì sinh tâm vui mừng
Với điều thứ 6 này, Đại đức Thích Trúc Thái Minh đã đặt vấn đề cho các bạn trẻ tự kiểm lại tâm của mình:
“Bây giờ, các con nghe tin người mà các con rất ghét, rất tức; người ta bị tai nạn chết, các con vỗ tay vui mừng thì các con cũng mắc quả báo bị mạng sống ngắn ngủi”.
Từ lời Đại đức dạy, mỗi người con Phật nên tư duy, quán sát, đặt chính bản thân mình trong tâm trạng của người khác; chúng ta sẽ thấy tâm mình như thế nào nếu người khác đối xử với mình như vậy? Những ai muốn người khác khổ thì chính họ sẽ bị khổ báo. Tự oán đối chất chồng, không bằng bản thân thực tập theo lời Phật dạy, rải tâm từ đến tất cả chúng sinh để được hóa giải nỗi khổ ấy. Chư Phật rải lòng thương đến khắp pháp giới chúng sinh, kể cả những chúng sinh chưa có duyên với Phật; mong cho chúng sinh đều thoát khổ, thẳng tiến đến Bồ Đề, thành tựu Niết bàn. Nếu mỗi người tin sâu nghiệp báo – nhân quả, thấy cái khổ của người khác để làm bài học cho chính mình, sám hối lỗi lầm của mình; thì tâm người đó sinh ra lòng thương yêu chúng sinh, không muốn sát hại hay làm tổn thương chúng sinh nào, dù là chỉ trong suy nghĩ.
7. Phá hoại bào thai
Việt Nam là một trong những quốc gia có nạn phá thai cao nhất thế giới, tập trung đa số ở lứa tuổi thanh thiếu niên. Điều này thực sự đáng báo động, vì giới trẻ hiện nay sống buông thả, lệch lạc suy nghĩ do không nhận được giáo dục đầy đủ từ gia đình, nhà trường và xã hội. Phần đông các bạn trẻ tiếp xúc với các thiết bị công nghệ, điện tử từ rất sớm, nên rất nhiều bạn trẻ đã quan hệ trước hôn nhân. Khi hậu quả xảy ra rồi, nhiều người sẵn sàng phá bỏ bào thai, vứt con không thương tiếc.
Đối với các bạn trẻ, Đại đức Thích Trúc Thái Minh hết sức lo lắng và quan tâm, vì các bạn là chủ nhân tương lai của đất nước. Đại đức đã căn dặn các bạn trẻ: “Sau này các con có gia đình thì phải kế hoạch hóa. Nhất là các bạn gái, các con phải hết sức giữ gìn, lỡ có thai, mình lại phải bỏ thai, phá thai thì quả báo sau này là bị giảm thọ, đoản mệnh. Chính các vong thai, sau quấy phá mình dữ lắm. Cho nên các con phải hết sức cẩn thận”.
Một người mẹ nếu lỡ phá thai, thì cả người mẹ và đứa con này đều phải xét về nghiệp báo, hai mẹ con có ác nghiệp với nhau. Có những bạn trẻ do bồng bột của tuổi trẻ rồi phá thai, hoặc là đã lập gia đình đầy đủ mà có duyên nào đó phải phá thai; dù là tự mình phá thai hoặc từ áp lực của người khác dẫn đến phá thai, dù là nguyên nhân gì; một khi phá bỏ bào thai, thì người mẹ luôn bị ảnh hưởng tâm sinh lý và phải chịu quả báo về nghiệp lực phá thai. Mặt khác, các bé khi bị chối bỏ khỏi bào thai sẽ trở thành những oan hồn. Các bé về quấy quả, báo oán, làm khổ cha mẹ và sinh bệnh tật cho cha mẹ rất nhiều.
Để hóa giải oán kết ác nghiệp giữa đứa con và người mẹ; theo sự thỉnh cầu của đông đảo Phật tử và quần chúng nhân dân, vào ngày 19/06 Âm lịch hằng năm, nhân ngày vía của Đức Quán Thế Âm Bồ Tát, chùa Ba Vàng tổ chức Lễ cầu siêu cho các vong linh thai nhi. Thầy chỉ dạy các bạn trẻ: “Nếu các con có lỡ phá thai, thì sau phải làm lễ cầu siêu độ vong thai sớm ngay, chứ không thì vong thai báo oán cha mẹ đấy. Qua việc này, Đại đức mong muốn các con phải sống thật lành mạnh, giữ gìn mình, cả nam cũng như nữ”. Vấn nạn nạo phá thai thực sự là tiếng chuông báo động của xã hội. Theo lời Đại đức, giới trẻ hiện nay cần phải tin sâu nhân quả báo ứng, phải thức tỉnh để mà sống có trách nhiệm với chính bản thân mình, với gia đình và xã hội.
8. Dạy người tự hủy hoại thân thể
Đức Thế Tôn dạy rằng: “Thân người khó được. Phật Pháp khó nghe”. Được làm người đã khó, được gặp Phật Pháp càng khó hơn. Hiện nay, thế giới càng hiện đại thì tệ nạn xã hội càng nhiều. Nếu các bạn trẻ không có chính kiến, chính tư duy để hành trang vào đời, các bạn sẽ dễ sa vào con đường tội lỗi, hủy hoại thân thể mình, tạo nghiệp xấu cho chính mình, ảnh hưởng đến gia đình và xã hội. Tâm lý thông thường là các bạn thường rủ rê nhiều người bạn khác, cùng nhau sa đọa những “thú vui” như vậy. Đó là vừa tự hại chính mình, vừa hại người khác. Một khi đã sa vào con đường xấu thì rất khó dứt ra. Về vấn đề này, Đại đức chia sẻ: “Các con dạy bạn mình biết cách hút thuốc phiện, hay dạy bạn uống rượu, những việc nghiện ngập, đó là dạy người khác hủy hoại thân thể. Hoặc các con xui bạn mình tự tử thì sẽ bị quả báo mạng sống ngắn ngủi”. Dạy người khác tự hủy hoại thân thể là chúng ta tự hại mình, làm mất đi thiện căn, phúc báo của chính mình.
9. Xây dựng lò giết mổ sát hại chúng sinh
Trong buổi chia sẻ với các bạn trẻ, Đại đức căn dặn: “Sau này, các con có làm quan chức, địa vị cao trong xã hội, không được lên chủ trương hay đứng ra gây dựng một lò giết mổ. Việc đó sẽ là nhân bị đoản thọ, chết yểu”. Đạo Phật không khuyến khích việc sát sinh. Đã là chúng sinh, dù là người, hay là con vật thì đều mong muốn mình được sống hết tuổi thọ trên đời. Con chim bay trên trời, con cá bơi dưới nước; chúng sinh nào cũng đều muốn sống an lành, muốn sống trọn vẹn tuổi thọ của nó. Nếu chúng ta cướp đi mạng sống của chúng sinh thì nó cũng đau khổ và sẽ báo oán người đã giết hại nó. Cho nên đạo Phật lấy đức từ bi cứu chúng sinh, cho nên hạn chế việc sát sinh sẽ giúp cho chúng ta được an lành.
10. Dạy người gây chiến tranh giết hại lẫn nhau
Trong Kinh Trung Bộ I, Đức Phật chỉ rõ nguyên nhân chiến tranh là do tâm ham dục, ham cầu danh lợi của con người: “Lại nữa, này các Tỳ kheo, do dục làm nhân, do dục làm duyên, do dục làm nguyên nhân, do chính dục làm nhân, chúng cầm mâu và thuẫn, chúng đeo cung và tên, chúng dàn trận hai mặt và tên được nhắm bắn nhau, đao được quăng ném nhau, kiếm được vung chém nhau. Chúng bắn, đâm nhau bằng tên, chúng quăng, đâm nhau bằng đao, chúng chặt đầu nhau bằng kiếm. Ở đây, chúng đi đến tử vong, đi đến đau khổ gần như tử vong”.
Từ đây, Đức Bổn Sư chỉ rõ chiến tranh không đưa đến lợi ích tốt đẹp mà chỉ có khổ đau, thương vong. Những gì chiến tranh gây ra cho đất nước, cho con người, đồng loại không bao giờ mất đi. Đó là sự tàn phá môi trường sinh thái, sự mất mát, chia ly sinh tử của con người, gây ra đói nghèo, bệnh tật, lạc hậu. Dù chiến tranh kết thúc như thế nào thì những nỗi uất hận, thù hằn, đau thương của con người vẫn còn đó. Vì chúng ta còn luân hồi sinh tử, và chừng nào con người còn tâm ác hại thì chiến tranh còn tiếp tục xảy ra trong tương lai.
Đại đức cũng chỉ dạy: “Nếu những vị lãnh đạo tạo ra chiến tranh, khiến cho hai nước chiến tranh, thiêu đốt quân của nhau, làm cho chúng sinh và con người chết thì quả báo cũng rất nặng”. Chiến tranh ngày nay có quy mô lớn, con người sử dụng nhiều vũ khí có độ sát thương cao, đủ để hủy diệt quốc gia và vùng lãnh thổ. Dù dưới hình thức nào, danh nghĩa gì, Phật giáo không bao giờ chấp nhận chiến tranh.
Trong nhà Phật có câu: “Bồ Tát sợ nhân, chúng sinh sợ quả”. Bồ Tát là những vị có trí tuệ, thấy rõ đường đi của nhân quả trong từng sát na mà cẩn trọng, dè dặt gieo nhân; còn chúng sinh lúc gieo nhân không sợ hãi, chỉ đến khi trả quả khổ mới biết sợ. Vì lòng từ bi thương yêu chúng sinh vô tận, Phật đã chế giới cấm cho hàng đệ tử của Ngài thực hành, đứng đầu là giới không sát sinh. Đối với hàng tại gia còn ràng buộc nhiều duyên, nên hạn chế sát sinh cho đến khi giữ trọn vẹn giới. Còn đối với hàng xuất gia, các Thầy Tỳ kheo phải giữ trọn vẹn giới, ngay cả trong tâm tưởng cũng không được có ý nghĩ sát hại, dù là chúng vô tình như cây cỏ. Đại đức chỉ dạy: “Các con tin được nhân quả là chính tín. Tin sâu nhân quả là người có trí tuệ. Bởi vì không có cái gì nằm ngoài nhân quả. Ai nói sai nhân quả thì các con chớ vội tin”. Trái đất này là ngôi nhà chung của tất cả chúng sinh, nếu mỗi người đều nắm rõ được “10 điều Phật dạy khiến chúng sinh bị quả báo mạng sống ngắn ngủi” mà cố gắng chừa bỏ, giữ gìn giới luật tạo được nhiều duyên lành để thế giới được hòa bình, người người được an lạc.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *