Đạo Phật

Cường độ của Ái Dục

Bản năng ái dục
Mỗi người chúng ta đều mang trong mình cường độ ái dục rất khác biệt. Nhưng bất cứ ai cũng có nhu cầu yêu đương và nhu cầu quan hệ tình dục cả. Có người thì bị Ái Dục bức bách liên tục ( nhớ thương, khổ sở vì tình suốt hoặc cứ muốn hành dâm ). Có người thì tạm làm chủ được những tư tưởng của mình, có tính kiềm chế tốt khi ái dục đòi hỏi.
Tất cả đều có Nhân Quả. Bài này, chúng ta chưa phân tích Nhân Quả chi tiết mà chỉ nói sơ bộ. Người nào sống trong môi trường bất tịnh, va chạm thân thể nhiều, tiếp xúc nhiều loại nhạc tình, tranh ảnh hở hang… thì dễ bị động dục. Người nào sống trong môi trường thanh tịnh, nề nếp, được dạy về lối sống thuần phong mỹ tục, biết giữ khoảng cách giữa nam nữ, hiểu về giá trị của chung thủy và hạnh phúc… thì tâm nhẹ Ái Dục. Đó là yếu tố ngoại sinh, nhân quả của môi trường bên ngoài tác động vào.
Còn yếu tố nội sinh. Người nào thường sống với tâm sân hận, kiêu ngạo, căng thẳng làm lực chạy lên đầu gây bức bách thì chắc chắn nặng dâm dục. Người nào kiếp trước hay mai mốt ái luyến, hay kích dục chúng sinh bằng ngôn ngữ, tranh ảnh, hay ủng hộ lối sống phóng khoáng… thì kiếp này bị Ái Dục đeo bám làm tâm trí rất nặng nề. Người nào thường sống với tâm khiêm tốn, tôn trọng yêu thương, giữ được tinh thần lạc quan an nhiên thì nhẹ dâm dục. Người nào kiếp trước hay cản ngăn, khuyên bảo chúng sinh kiềm chế dâm dục, hay tập sống chung thủy không sai lầm, hay lễ kính các Bậc Thánh thanh tịnh… thì kiếp này nhẹ Ái Dục. Đó là yếu tố nội sinh, nhân quả của nội tâm mà tạo thành.
Ái Dục bản chất là không có biên giới. Nó lấy phước và trí làm thức ăn. Người nào cứ bị cuốn trôi theo Ái Dục thì phước cạn dần sinh ra bệnh tật, thất bại, xui rủi, nghèo khổ, trầm cảm. Với trí tuệ cũng vậy, càng hưởng dục nhiều thì càng dễ nóng nảy, càng dễ ngu si, càng dễ tham lam.
Ái Dục tự nó háo sự tăng liều như ma túy. Tức nếu cứ để tự nhiên không kiềm chế. Người ta sẽ muốn tìm cảm giác mới mẻ trong Ái bằng cách ngoại tình, vụng trộm bừa bãi, bắt cá hai ba tay và người ta sẽ cần tăng đô trong Dục bằng cách quan hệ tập thể, hành dâm bạo lực, đồng tính luyến ái, ái lão ái nhi để thỏa mãn cơn khát dục bức bách. Vì cái gì càng mới mẻ, càng độc càng lạ thì càng làm tăng thêm khoái cảm và càng tổn phước. Rất đáng sợ.
Có những người bị lụy tình liên tục. Họ luôn khát khao tìm người để yêu rồi cung phụng người yêu như nô lệ rồi bị hất hủi đau khổ, rồi lại cô độc, rồi lại tìm tình mới. Tâm trí họ bị trói buộc trong sự mệt mỏi, đau khổ. Vì sao vậy? Vì rất nhiều lý do:
– Có thể kiếp trước, người này lừa tình trục lợi gây đau khổ nhiều người quá.
– Có thể kiếp trước, người này khinh miệt và sử xự không đúng làm nhiều người thương mến mình phải buồn lòng.
– Có thể kiếp này họ bị thiếu thốn tình cảm từ gia đình, bè bạn, cộng đồng nên mù quáng đi tìm một nơi ẩn náu ấm áp.
– Có thể kiếp này họ không có định hướng sống, không có lý tưởng sống nên thả trôi theo bản năng nhưng tiếc là phước ít chẳng ai thương yêu họ thật lòng.
Để tránh rơi vào cảnh lụy tình hay yêu đơn phương ngớ ngẩn. Thì chúng ta hãy sống tử tế, tôn trọng bình đẳng mọi người quanh mình. Đừng bao giờ ỷ có nhiều người thương mình rồi mình lợi dụng, chiếm cảm tình vì mục đích xấu hay hứa hẹn yêu đương rồi bỏ rơi người khác làm họ đau khổ. Tâm lúc nào cũng mong mọi người sống lành mạnh, an vui, hòa hợp. Lúc nào cũng sám hối tha thiết nghiệp xưa đã tạo. Nguyện lòng lúc nào cũng thương mọi người bằng tâm từ bi thanh sạch. Và phải biết tạo phước, biết tìm lý tưởng sống cho đời mình để nâng giá trị của chính mình lên, nâng phước của mình lên, nâng đức của mình lên. Ái Dục sẽ bị khống chế nếu cả phước và đức đồng loạt tăng lên. Còn nếu chỉ có phước lớn mà đức kém có khi còn dễ quậy hơn. Đạo Đức luôn là điều quan trọng nhất.
Cực điểm của Ái Dục chắc chắn là tội ác chẳng hạn như hiếp dâm rồi giết người, tra tấn tình dục đến chết… để rồi đọa địa ngục. Và cực tiểu của Ái Dục chắc chắn là một sự chứng ngộ nào đó trong thiền định như một vị chuẩn bị chứng Sơ Thiền diệt dục để rồi sinh lên cõi trời Sắc Giới.
Chúng ta sống trên cuộc đời là sống trong rất nhiều nhu cầu. Nào là nhu cầu ăn uống, nhu cầu may mặc, nhu cầu giao tiếp và cả nhu cầu tình dục. Vì vậy là người Phật tử chúng ta phải hết sức nép mình trong Giới Luật, trong thuần phong mỹ tục đẹp ngời để giữ gìn một tâm hồn thanh cao, phóng khoáng, an vui.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *