Hòa Thượng Tịnh Không, Lời dạy của đức phật

Trong mỗi niệm đều vì tất cả chúng sanh mà phục vụ

Phụ huynh và giáo viên thật sự phối hợp với nhau để dạy con cái - HT Tịnh Không
Trên “Kinh Di Đà” nói được rất rõ ràng, “đâu phải thiện căn phước đức nhân duyên ít mà được sanh về nước kia”. Cho nên nhất định không thể nói tôi mỗi ngày niệm Phật, một ngày niệm mười vạn danh Phật hiệu thì có thể vãng sanh, chưa chắc, không có thiện căn không được. Ngày ngày niệm Phật, một ngày bạn niệm mười vạn danh Phật hiệu thì không tệ, nếu như bạn sanh đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc, bạn không có thiện căn, nhìn thấy người này không vừa mắt, người kia không bằng lòng, ngày ngày cãi nhau với người, vậy làm sao được chứ, có phải vậy không? Chúng ta ở trên Kinh xem thấy, Thế Tôn nói cho chúng ta nghe rất rõ ràng, Thế giới Tây Phương là “chư thượng thiện nhân câu hội nhất xứ”, vậy thử hỏi chính mình có phải là thượng thiện hay không?
Nếu bạn không phải là thượng thiện, đến nơi đó ngày ngày chau mày nhíu mặt với người, chẳng phải làm cho Thế giới Cực Lạc đảo lộn hay sao? Thế là chúng ta liền nghĩ đến, nếu chúng ta muốn vãng sanh, mức độ thấp nhất là phải làm đến tiêu chuẩn của cư sĩ Hứa Triết, cả đời không hề khởi tức giận, vậy thì mới được. “Ngày trước bạn chưa học Phật thường hay nổi tức giận, bắt đầu từ ngày nay không nên khởi tức giận nữa, mãi đến khi bạn vãng sanh cũng không khởi tức giận, bạn mới có thể chân thật vãng sanh. Nếu chân thật muốn thấy A Di Đà Phật, bạn thường hay nổi tức giận, hay nói cách khác, bạn ngay đời này không có cơ hội thấy được A Di Đà Phật. Bạn đợi đời sau, kiếp sau, đến đời nào kiếp nào bạn không khởi tức giận, không oán hận một người nào, không oán ghét một việc nào thì bạn niệm A Di Đà Phật mới có tư cách đi đến Thế giới Cực Lạc.
Thế nhưng cái sự việc này khó, quá khó, nhưng tôi nói với bạn là không khó. Vì sao vậy? Cầu người thì khó, nhưng sự việc này là cầu chính mình, không cầu người khác. Bạn phải có trí tuệ. Khi nổi tức giận là chỉ có hại, là hại chính mình, còn hại người khác là việc vô bổ, đáng nên buông xả, bạn nhất định phải buông xả, đáng nên đề khởi thì phải nên đề khởi. Thiện căn mà trong Kinh luận đã nói, vô tham, vô sân, vô si, đây gọi là ba thiện căn. Lời tôi nói tuy là không như nhau, nhưng ý nghĩa có thể quán thông. Cho nên người học Phật, sáu căn tiếp xúc cảnh giới bên ngoài, mắt thấy sắc, tai nghe tiếng, ý niệm vừa khởi phải mau niệm “A Di Đà Phật”, làm cho ý niệm này bị đè xuống. Nếu muốn chính mình công phu có lực, không gì khác hơn, nhất định phải đem tự tư tự lợi buông xả. Bạn khởi tâm động niệm nghĩ đến lợi ích của chính mình, thì xin nói với bạn là ngay đời này bạn không thể vãng sanh. Tôi nói với mọi người lời nói này là lời chân thật, không phải là giả. Chân thật muốn vãng sanh, muốn thành tựu, bạn phải từ ngay chỗ này đem ý niệm chuyển đổi lại, khởi tâm động niệm nghĩ đến hạnh phúc của đại chúng xã hội, không nghĩ chính mình.
Chúng ta phải học chư Phật Bồ Tát, xả mình vì người, ngay trong mỗi niệm đều vì tất cả chúng sanh mà phục vụ. Hạng mục phục vụ là gì? Tôi muốn đưa ra đề mục này để khảo bạn, bạn có thể đáp được hay không? Phật dạy chúng ta vì tất cả chúng sanh, hạng mục phục vụ là những thứ nào? Sáu Ba La Mật của Bồ Tát là sáu hạng mục. Thứ nhất là “Bố thí”, chúng ta có làm đến được hay chưa? Trong bố thí có ba loại lớn:
🔘 Thứ nhất là “bố thí tài”. Chúng ta có tài lực, có bằng lòng giúp đỡ tất cả chúng sanh khổ nạn hay không? Tài lực có nội tài, có ngoại tài. Ngoại tài là vật ngoài thân, xem thấy người ta có kém khuyết, chúng ta có bằng lòng giúp đỡ họ hay không? Hoan hỉ, rất vui vẻ mà giúp đỡ họ. Nội tài là thể lực, ngày nay gọi là làm công quả. Họ cần người chăm sóc, cần người phục vụ, chúng ta dùng lao lực của chúng ta vì họ phục vụ, đây gọi là “tài bố thí”.
🔘 Thứ hai là “bố thí pháp”, tức là ảnh hưởng họ, dạy bảo họ. Phật nói cho chúng ta pháp bố thí có ba mục tiêu. Thứ nhất là “chuyển ác làm thiện”. Họ không hiểu, chúng ta phải biểu diễn, phải làm ra cho họ xem. Bố thí pháp không chỉ là dạy họ bằng lời nói, mà thân thể phải làm ra tấm gương để họ xem, để họ sau khi xem thấy rồi sẽ giác ngộ, giúp họ chuyển ác làm thiện, chuyển mê thành ngộ, chuyển phàm thành Thánh. Chúng ta có làm ra pháp bố thí hay không?
🔘 Thứ ba là “vô úy bố thí”. Vô úy bố thí là khi chúng sanh gặp phải nguy nan, khi gặp khủng bố, chúng ta đến an ủi họ, đến bảo hộ họ, giải trừ khủng bố nguy nan của họ. Đây là thuộc về vô úy bố thí. Phật dạy chúng ta hạng mục thứ nhất, chúng ta có thực tiễn được hay không? Đây gọi là hành thiện. Chỉ vì chúng sanh, ta sống ở thế gian này chính là vì tất cả chúng sanh phục vụ, quyết không phải vì chính mình.
(Trích: Kinh Vô Lượng Thọ giảng giải lần thứ 10, tập 155)
Được gắn thẻ , , ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *