Hòa Thượng Tịnh Không, Lời dạy của đức phật

Không thể thiếu thiện căn phước đức nhân duyên mà được sanh về nước này

Đức Phật
Chúng ta tích lũy công đức, dựa vào điều gì? Bố thí (bố thí mà tâm thanh tịnh), nhưng công đức này duy trì được phải nhờ nhẫn nhục (an nhẫn: an nhiên nhẫn nại). Nếu không nhẫn nhục, cho dù tích lũy bao nhiêu công đức cũng đều mất hết. Trong kinh điển thường nói: “hỏa thiêu công đức lâm”, hỏa là gì? Nỗi giận. Chưa phát tiết được, trong lòng rất khó chịu, công đức liền ít đi một nửa. Phát tiết ra thì đốt cháy tất cả, công đức hoàn toàn không còn.
1. Công đức là gì? Công đức là Giới, Định, Huệ. Điều này cần phải biết, nó không phải gì khác, nhân Giới sanh Định, nhân Định khai Huệ. Nổi giận, Định mất đi, công đức hoàn toàn không còn. Nổi giận là gì? Sanh phiền não, không sanh trí huệ. Tâm thanh tịnh sanh trí huệ, không sanh phiền não. Quý vị không nhẫn nại, vậy tâm thanh tịnh từ đâu đến? Do đây mà biết, trong sự tu học, nhẫn nhục là then chốt.
Ở trước nói đến Lục ba la mật (bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí huệ), bố thí và trì giới là tích lũy công đức. Công đức này có thể thành tựu chăng, có thể thật sự biến thành công đức chăng, hoàn toàn dựa vào nhẫn nhục. Nhẫn được đều là công đức, không nhẫn được là phước đức. Phước đức là hưởng thụ trong lục đạo (trời, người, a tu la, địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh), công đức có thể giúp chúng ta liễu sanh tử xuất tam giới (thoát luân hồi lục đạo), có thể giúp chúng ta niệm Phật vãng sanh Cực Lạc, nâng cao phẩm vị. Quý vị xem tác dụng khác nhau đấy.
Hiểu rõ ràng minh bạch chân tướng sự thật này, thì trong môn học về nhẫn nhục này, nhất định phải hạ quyết tâm nỗ lực học tập. Nếu không như vậy, đời này chúng ta không phải đã uổng phí rồi sao?
2. Tu hành thì cần phải nhẫn nại, không biết nhẫn nại quý vị không tu được. Quý vị phải quan sát Phật pháp, xem Đức Phật đã nói những gì, và nên làm như thế nào. Học kinh giáo mà không nhẫn nại, làm sao có thể thành tựu được? Niệm Phật không nhẫn nại, công phu niệm Phật này không thể thành tựu, nếu không nhẫn nại, tâm thanh tịnh cũng chưa đủ. Tu học đại thừa, đây không phải là việc nhỏ, là việc lớn, việc lớn gì? Liễu sanh tử xuất tam giới, trong pháp thế gian không có.
Đoạn phiền não, khai trí huệ, thành Phật đạo, có gì quan trọng hơn điều này nữa? Như thế nào mới có thể thành tựu? Đều dựa vào nhẫn nhục, không nhẫn được thì tất cả đều không thể thành tựu.
3. Tôi ở Mỹ, Đức thời gian khá lâu, nhưng chưa gặp qua gió lốc, chỉ nghe qua. Gần đây có người bạn học tải trên mạng xuống những tin tức này cho tôi xem, ở Mỹ trong vòng một tháng, có hơn 200 cơn gió lốc. Trước đây chưa từng nghe qua, là điều khác thường! Vì thế hiện nay thiên tai này quá nhiều.
Chư vị đều biết, tôi không thích xem báo, nên họ chỉ đem tiêu đề của bản tin để tôi xem, không cần nội dung, chỉ kể ra tiêu đề của tin tức. Tôi thấy tháng ba, tháng tư, tháng năm hình như là hơn 170 lần, thiên tai nghiêm trọng trên toàn thế giới. Trong một tháng sáu, hơn 150 lần. Chúng ta chỉ xem từ tháng ba đến tháng sáu, tháng này nhiều hơn tháng trước, tần suất ngày càng cao, lần này nghiêm trọng hơn lần trước, đây quả thật là vấn đề nan giải.
Nên ứng phó như thế nào? Phương pháp tốt nhất là niệm Phật, vì sao? Vì công đức niệm Phật không thể nghĩ bàn. Ở trước chúng ta nói rất nhiều, phải thật sự hiểu nó, niệm Phật là thiện trong các điều thiện, là nòng cốt của tất cả công đức. Năng lượng này rất lớn, thiên tai nào cũng hóa giải được, nhưng phải dùng tâm chân thành để niệm, không được có chút hoài nghi nào. Dùng tâm chân thành cung kính để niệm, dùng tâm từ bi, thanh tịnh để niệm, đích thực có thể sanh ra năng lượng không thể nghĩ bàn. Năng lượng này giúp chúng ta giải quyết vấn đề, hóa giải thiên tai.
Hiện nay con người không biết, giảng bộ kinh này (Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh) có lợi ích, dạy chúng ta điều gì? Nhận biết Phật A Di Đà, nhận biết về thế giới Cực Lạc, nhận biết về công đức niệm Phật không thể nghĩ bàn. Chỉ cần hiểu rõ về ba vấn đề này, tâm chúng ta sẽ định. Dù thiên tai lớn giáng đến trước mặt, chúng ta đều có thể tâm như như bất động, không bị nó ảnh hưởng, không kinh hoàng, không sợ hãi. Trong trạng thái này, thiên tai tự nhiên giáng xuống trên thân chúng ta, sẽ vãng sanh thế giới Cực Lạc. Thật sự nắm bắt được, là việc tốt không phải việc xấu, còn cảm ân thiên tai, vì sao? Vì nó đưa chúng ta đến thế giới Cực Lạc, làm sao không cảm kích được! Không có chút oán hận nào.
4. Dùng phương pháp gì để sám hối nghiệp chướng? Mỗi người đích thực rất lưu ý, rất muốn học sám trừ nghiệp chướng. Nhẫn nhục ba la mật là một nhân tố sám trừ nghiệp chướng quan trọng nhất, nếu không nhẫn được, thì nghiệp chướng vĩnh viễn không thể sám trừ.
Gặp người oán hận chúng ta, trong ghét có đố kỵ, chướng ngại. Người đố kỵ chúng ta, còn có người hãm hại chúng ta, người hủy báng chúng ta, nếu gặp họ phải làm sao? Đức Phật dạy chúng ta: an nhiên nhẫn thọ, chúng ta tiếp nhận, cố gắng phản tỉnh. Có thì sửa đổi, không có thì khen ngợi khuyến khích. Người khác hủy báng tôi, hãm hại tôi, chúng ta có gì sai lầm chăng? Quả thật có sai lầm, cảm ân họ nhắc nhở, sửa đổi chính mình. Nếu không có sai lầm, chịu oan uổng tai hại này, cũng nên cảm kích họ, nhắc nhở bản thân, cảnh giác bản thân không nên phạm những sai lầm này. Chẳng những không có ý niệm báo thù, mà chỉ là ý niệm cảm ân. Ai muốn nói lỗi lầm của người khác, tạo ra khẩu nghiệp này? Mọi người không muốn, đều thích tán thán người khác, không muốn nói lỗi của người. Nói lỗi của người là tạo ác nghiệp, tạo khẩu nghiệp, ai muốn nói?
Thật sự nói lỗi lầm của người, ngày xưa chỉ có ba hạng người. Thứ nhất là cha mẹ của quý vị, biết chúng ta có sai lầm, nhất định phải làm cho quý vị thay đổi. Thứ hai là thầy, thứ ba là bạn bè tri kỷ. Không phải ba hạng người này, thì ai khuyên quý vị? Quý vị tạo nghiệp không liên quan đến tôi, mỗi người đều có nhân quả báo ứng của riêng mình, tôi khuyên quý vị làm gì? Khuyên quý vị, nếu quý vị không nghe trái lại còn trở mặt thành thù, như vậy thì càng không đáng. Thế nên gặp người có lỗi lầm không nên nói, người thật sự có tu dưỡng, có học vấn chỉ cười cười mà không nói gì.
Khi tôi ở Đài Trung cầu học, thầy dạy tôi: Người ta có lỗi lầm, nếu quý vị không khuyên can họ, tức không có lòng từ bi. Nếu khuyên can họ, họ xem quý vị như kẻ thù, phải làm sao? Phải có phương tiện thiện xảo, phương pháp tốt nhất chính là giảng kinh thuyết pháp. Tôi nói điều này là giảng trong kinh văn, đối tượng không phải nói quý vị. Khiến quý vị khi nghe xong, có thể cảm nhận được: Tôi có khuyết điểm này, tự nhiên sẽ thay đổi!
Nên thầy đối với những tín đồ này, đối đãi những đệ tử này, vô cùng từ bi. Ngày ngày giảng kinh, ngày ngày khuyên mọi người. Chúng ta phải biết nghe, có một số người nghe kinh như thế nào? Thầy đang nói người khác, không phải nói tôi, tôi không có như vậy, là đang nói người khác. Như vậy là coi như hết, họ không học được gì.
Có một số người thông minh, nên nhận ra mình có khuyết điểm này, như vậy họ mới được lợi ích! Sợ nhất là gì? Không có thiện căn, không có phước báo. Khi nghe kinh, kinh này đều nói người khác, đều nói người đó, người đó, người đó, không có điều nào nói đến mình. Từ xưa đến nay đều có, không phải hiện tại. Thế nên khi chúng ta xem, phải dùng tâm bình thường để đối đãi, rất bình thường.
Có mấy người giác ngộ, tức là người có thiện căn? Được mấy người có phước đức? Có thiện căn phước đức, nghe kinh mới được lợi ích, vì sao? Vì họ sẽ phản tỉnh, sau khi nghe xong, họ nghĩ lại xem mình có lỗi lầm này chăng? Tán dương việc tốt, thử nghĩ lại xem mình có đức hạnh này chăng? Họ biết học, nên nghe xong quả thật rất lợi ích, tức có thể thực hành trong cuộc sống. Người thật sự biết học, quý vị nên nhớ, điều này có thể làm tham khảo, mãi mãi chỉ có tâm cảm ân, nhất định không có tâm trả thù, không có tâm oán hận. Nếu nghe lời can gián nghịch tai mà sinh lòng oán hận, báo phục, người này cách đạo rất xa. Người này trong kinh gọi là nhất xiển đề.
Nhất xiển đề là gì? Không có thiện căn, không có phước đức. Trong kinh A Di Đà nói: Không thể thiếu thiện căn phước đức nhân duyên mà được sanh về nước này. Thế nên điều kiện vãng sanh thế giới Cực Lạc, phải nhiều thiện căn, nhiều phước đức. Nhân duyên chúng ta đã gặp, không sao, duyên chúng ta có, vấn đề là có thiện căn hay không? Thiện căn là tin thật, thật sự có thể lý giải, đây là thiện căn. Phước đức là thực hành, tôi thật sự y giáo phụng hành (y giáo tu hành), người này có phước.
(Pháp Sư Tịnh Không)
———————
Khai Thị Ấn Quang Đại Sư:
Không luận xuất gia, tại gia đều phải trên kính dưới hòa, nhẫn điều người không thể nhẫn, làm việc người không thể làm, chịu thay khổ nhọc, thành tựu việc tốt cho người.
Ngồi yên thường xét lỗi mình, luận bàn đừng chê kẻ khác, đi đứng nằm ngồi ăn cơm mặc áo, từ sáng đến tối, từ tối đến sáng, một câu niệm Phật hoặc niệm ra tiếng hoặc niệm thầm, không cho gián đoạn. Ngoài niệm Phật ra, không khởi niệm khác. Nếu như vọng niệm chợt sanh, ngay đó liền phải dứt trừ.
Thường luôn hổ thẹn sám hối lỗi lầm, dù có tu trì vẫn thấy mình khiếm khuyết, không được kiêu căng, chỉ xét lỗi mình, không vạch lỗi người, chỉ nhìn cái hay, không tìm điều dở.
Luôn nghĩ tất cả đều là Bồ Tát, chỉ ta là kẻ phàm phu.
Nếu y lời này dụng công tu hành, quyết định vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới.
A Di Đà Phật 🙏
A Di Đà Phật 🙏
A Di Đà Phật 🙏
Được gắn thẻ , , , , ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *