Hòa Thượng Tịnh Không, Lời dạy của đức phật

Tội nặng Vô Gián, làm sao một người xưng một danh hiệu Phật liền tiêu diệt được? cần phải có điều kiện gì?

Cảnh địa ngục đáng sợ
Năm tội Vô Gián kia dầu rất nặng nề, trải qua ức kiếp không được ra khỏi, nhưng nhờ lúc lâm chung được người khác vì mình mà xưng niệm danh hiệu của Phật, cho nên những tội đó cũng lần lần tiêu sạch.
Chú giải cho đoạn này rất hay, vừa mở đầu liền nói “nghi vấn”, mọi người nghe xong câu này sẽ thắc mắc “tội nặng Vô Gián, làm sao một người xưng một danh hiệu Phật liền tiêu diệt được?”, đích thật làm cho người ta rất hoài nghi. Từ khi chúng tôi bắt đầu giảng bộ kinh này cho đến nay, chư vị có thể hiểu do tâm niệm của bạn đã chuyển đổi thì tội sẽ tiêu. Nếu tâm niệm không đổi thì [chỉ được] như câu “vừa lọt vào tai thì vĩnh viễn làm hạt giống đạo”. Trong chú giải trang một trăm năm mươi mốt, hàng thứ nhất, câu cuối cùng trong kinh Hoa Nghiêm có nói. Kinh Hoa Nghiêm nói: “Nếu nghe danh hiệu của Như Lai và nghe thuyết pháp không sanh lòng tin và hiểu thì vẫn có thể gieo được hạt giống [thành Phật trong tương lai]” , lợi ích là ở chỗ này. Nói cách khác, vẫn phải đọa, khi thiện tri thức nhắc nhở bạn, bạn phải tự giác ngộ, phải quay trở lại, giác ngộ ngay lúc đó thì cùng với thiện tri thức nhất tâm xưng niệm, đó là sám hối thật sự. Tâm niệm cuối cùng của bạn là Phật, chẳng có gì khác, vạn duyên buông xuống, nhất tâm xưng niệm, như vậy mới được! Như vậy mới tiêu tội được. Nếu xưng niệm đức Phật A Di Đà, khuyên họ vãng sanh, dù trong đời này đã tạo tội nghiệp ngũ Vô Gián cũng có thể vãng sanh, đây là việc thiện to lớn. Tại sao tạo tội nghiệp cực nặng trong đời này, lúc lâm chung niệm A Di Đà Phật có thể vãng sanh? Trong kinh đức Phật thường nói, sau khi người ta chết đi đầu thai, đi thọ sanh là do nghiệp lực làm chủ. Nghiệp lực trong đời bạn làm gồm có thiện nghiệp và ác nghiệp, nghiệp nào làm chủ tể và dẫn bạn đi đầu thai? Nghiệp nào nặng thì nghiệp đó sẽ dẫn đi. Trong A Lại Da Thức của bạn có vô lượng vô biên nghiệp lực, nghiệp nào mạnh nhất thì sẽ dẫn bạn đi đầu thai. Nếu trong giờ phút vô cùng quan trọng này, sức mạnh bạn niệm A Di Đà Phật mạnh nhất, vậy thì không phải bạn sẽ sanh đến Cực Lạc thế giới rồi sao! Là đạo lý như vậy. Nếu lúc thiện tri thức, bạn bè đến trợ niệm, giúp bạn niệm Phật, bạn lại không chịu nghe theo, bạn vẫn còn tham luyến sự hưởng thọ ở thế gian, vẫn chẳng buông xả hết ân và oán, vậy thì không có cách chi hết, bạn vẫn phải sanh vào ác đạo mà thôi.
Sau khi người ta chết rồi sanh đến cõi nào là do một niệm cuối cùng quyết định, ai có thể nắm chắc được tâm niệm cuối cùng ấy? Đích thật không ai nắm chắc được, do đó khi con người sắp mất là một việc trọng đại [việc ấy sẽ quyết định] bạn sanh đến cõi nào sau khi mất. Bạn ra đi như thế nào? Đây là một việc trọng đại. Do đó đức Phật dạy chúng ta, cả đời chúng ta phải tu thiện, tu phước, phải tích lũy công đức, làm những việc tốt này là để làm gì? Để khi lâm chung có chút ít phước báo, phước báo này chính là lúc lâm chung đầu óc có thể tỉnh táo, chẳng mê muội, chẳng lầm lẩn, lúc lâm chung có thiện tri thức giúp đỡ, đó là phước báo to lớn. Nếu người chẳng có phước báo thì khi lâm chung sẽ mê hoặc điên đảo, đầu óc chẳng tỉnh táo, vậy thì rất phiền phức! Dù gặp được thiện tri thức cũng không giúp gì được, đầu óc họ không tỉnh táo, mê hoặc điên đảo thì nhất định sẽ đọa ác đạo. Do đó việc này phải có điều kiện, diệt tội là thật chứ chẳng phải giả, họ nhất định phải có đầy đủ ba điều kiện, nếu có đủ ba điều này thì mới được, chẳng khác gì lời nói trong kinh.
ĐIỀU KIỆN THỨ NHẤT LÀ ĐẦU ÓC TỈNH TÁO, KHÔNG MÊ MAN.
THỨ HAI LÀ GẶP ĐƯỢC BẠN LÀNH NHẮC NHỞ, KHUYÊN NHỦ HỌ.
THỨ BA LÀ KHI ĐƯỢC BẠN LÀNH NHẮC NHỞ, HỌ LẬP TỨC CÓ THỂ SÁM HỐI, CÓ THỂ NGHE THEO BẠN LÀNH, BUÔNG XUỐNG HẾT THẢY ĐỂ NIỆM PHẬT CẦU VÃNG SANH. HỌ PHẢI CÓ ĐỦ BA ĐIỀU KIỆN NÀY.
Nếu khi bạn lành nhắc họ, họ chẳng thèm nghe hoặc còn bán tín bán nghi thì không được; vậy thì họ chẳng được lợi ích ngay lúc đó, chỉ như câu nói “Một phen lọt vào tai thì vĩnh viễn thành hạt giống đạo”, lợi ích sẽ được trong đời sau; đời này vẫn phải trôi lăn theo nghiệp, đây là chuyện rất đáng sợ. Giờ phút ấy mỗi người trong chúng ta ai cũng phải trải qua, ai cũng không tránh khỏi, do đó người thông minh trong đời này phải mưu tính cho giây phút lâm chung ấy. Chúng ta chịu đựng một chút khổ nạn khi còn sống chẳng sao cả, thời gian đó rất ngắn ngủi, nếu giây phút [lâm chung] ấy có chi sai sót thì bạn sẽ đọa vào ác đạo, thì thời gian chịu khổ sẽ dài đăng đẳng, chúng ta nhất định phải cân nhắc rõ ràng, phải cảnh giác cao độ, phải hết lòng, nỗ lực dứt ác, làm lành, tích lũy công đức. Việc thiện là gì? Việc ác là gì? Công là gì? Đức là gì? Phải hiểu rõ ràng, rành rẽ, muôn vàn xin đừng tưởng lầm tạo tội nghiệp như là công đức, như vậy thì bạn chắc chắn sẽ đọa địa ngục. Đây là việc chúng ta dứt khoát phải hiểu rõ ràng, rành mạch thì mới được độ thoát ngay trong đời này, mới chẳng uổng phí cuộc đời này.
Trích Giảng Ký Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện -Tập 34 – Hòa Thượng Tịnh Không chủ giảng.
Được gắn thẻ , ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *