Hòa Thượng Tịnh Không, Lời dạy của đức phật

Tịnh Nghiệp Tam Phước nội dung cốt lõi của toàn thể Phật pháp

Nay chúng ta phải nghiêm túc tự hỏi chính mình: Tịnh Nghiệp Tam Phước không chỉ là nguyên tắc chỉ đạo tối cao trong Tịnh Tông, mà còn là nguyên tắc chỉ đạo của toàn thể Phật pháp. Điều thứ nhất là: “Hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng, từ tâm chẳng giết, tu Thập Thiện Nghiệp”. Chúng ta có làm được hay không? Đó là gì? Là điều kiện cơ bản để học Phật. Nếu chúng ta không trọn đủ, sẽ chẳng có tư cách tiến nhập Phật môn. Tiến nhập Phật môn đòi hỏi điều kiện, hạng người nào vậy? Thiện nam tử, thiện nữ nhân. Thiện là bốn câu [trên đây], bốn câu này là ba món căn bản của Nho, Thích, Đạo. Hiếu thân tôn sư (hiếu thuận cha mẹ, tôn trọng thầy) ở trong Đệ Tử Quy, từ tâm chẳng giết trong Cảm Ứng Thiên. Do vậy, quý vị có thể thật sự thực hiện Đệ Tử Quy, Cảm Ứng Thiên, và Thập Thiện Nghiệp, thật sự làm được, sẽ hội đủ tiêu chuẩn “thiện nam tử, thiện nữ nhân”. Có điều kiện này mới có thể tiến nhập Phật môn, thọ Tam Quy, Ngũ Giới. Phước thứ hai chính là đệ tử Phật môn chân chánh: “Thọ trì Tam Quy, đầy đủ các giới, chẳng phạm oai nghi”, chẳng đủ điều kiện trên đây sẽ chẳng có tư cách thọ lãnh [giới pháp]; nhưng nay thì sao? Nay chúng ta không đủ điều kiện mà vẫn thọ! Chương Gia đại sư bảo tôi: Thọ giới để làm gì? Thọ để học! Ngàn vạn phần chớ nên nghĩ mình đã thọ giới, đã đắc giới, không thể nói như vậy! Nói như vậy chính là gì? Đại vọng ngữ. Đại vọng ngữ vì quý vị chưa đạt được mà tưởng đã đạt được!
Người nói câu này sớm nhất chính là Ngẫu Ích đại sư. Ngẫu Ích đại sư sống vào cuối đời Minh, Minh mạt Thanh sơ (cuối đời Minh, đầu đời Thanh), tuy là Tổ Sư Tịnh Độ Tông, tức Tổ Sư đời thứ chín, nhưng Ngài có công phu rất sâu nơi giới luật. Giống như Hoằng Nhất đại sư trong thời cận đại, mọi người đều biết Hoằng Nhất đại sư nghiên cứu giới luật. Vào thời ấy, Ngẫu Ích đại sư nghiên cứu giới luật, Ngài cũng trước tác về giới luật rất nhiều. Ngài bảo: “Tại Trung Quốc, từ triều đại Nam Tống trở đi không có tỳ-kheo!” Tỳ-kheo là tỳ-kheo trên danh tự, hữu danh vô thực! Không giữ được giới tỳ-kheo, nên chẳng có tỳ-kheo. Muốn truyền giới xuất gia, tức là truyền xuất gia tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni giới, tối thiểu phải có năm vị tỳ-kheo mới có thể truyền. Do chẳng có năm tỳ-kheo truyền giới, nên người thọ giới chẳng thể đắc giới. Ngài nói từ triều đại Nam Tống về sau chẳng có [tỳ-kheo], danh tự tỳ-kheo chẳng phải là thật sự có. Do vậy, khuyên mọi người: Quý vị có thể đến thọ giới, nhưng biết đó là hình thức, thọ rồi phải học. Thật sự học một điều sẽ đắc một điều vì quý vị làm được. Người thọ Ngũ Giới rất nhiều, rất phổ biến, người thọ Tại Gia Bồ Tát giới cũng không ít, nhưng Ngũ Giới có giữ được hay chăng? Đừng nói chi khác! “Chẳng nói dối” có làm được hay chăng? Thường nói những câu nhảm nhí, dù hữu ý hay vô ý, tức là chẳng giữ [giới “bất vọng ngữ”]! Không sát sanh, không trộm cắp, chẳng tà dâm, quý vị hãy suy nghĩ đã làm được điều nào hay chưa? Vẫn cứ nói tôi thọ Mãn Phần Ngũ Giới (thọ đủ năm giới), Mãn Phần Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di! Ngũ Giới làm không được, Bồ Tát Giới càng khỏi cần phải nói nữa. Do vậy, hữu danh vô thực, chúng ta phải biết điều này. Kiếm đủ mọi cách lừa gạt chư Phật, Bồ Tát, [mà vẫn ra rả]: “Tôi chuyện gì xấu cũng đều chẳng làm!” Quý vị thọ giới mà làm không được, tội ấy rất nặng. Cách kết tội ra sao? Đã phạm tội gì? Phá hoại hình tượng Phật giáo, quý vị có thừa nhận hay chăng? Người ta nhìn vào Phật giáo, quý vị thấy Phật giáo đồ giống như vậy, người ta đâu có chửi quý vị, mà chửi toàn bộ Phật giáo, ngay cả chư Phật, Bồ Tát đều bị chửi lây, phải hiểu điều này!
Tín đồ tại gia không giữ được Thập Thiện! Thập Thiện, Tam Quy, Ngũ Giới đều làm không được. Các đệ tử xuất gia không giữ được Sa Di Luật Nghi! Không chỉ Sa Di Luật Nghi, mà Tam Quy, Ngũ Giới, Thập Thiện cũng làm không được. Quý vị nói xem: Phật giáo lẽ nào chẳng suy? Phật giáo suy ở chỗ nào? Chẳng có giới luật! Quý vị thấy Phật pháp là “tín, giải, hành, chứng”; quý vị có tín, có giải, nhưng chẳng có hành, khoan bàn tới chứng. Không có hành, làm sao có chứng? Chỉ có tín giải, tín giải biến thành học thuật, biến thành Phật học. Có hành và có chứng mới biến thành học Phật. Học Phật và Phật học khác nhau! Phật học là có thể nói, nhưng chẳng thể hành; học Phật là có thể nói và có thể hành. Vì thế, trong thời đại hiện tại, tìm một thiện tri thức phải đến nơi đâu để tìm? Tìm không ra! Vì thế, thầy mới dạy tôi, thuở thầy Lý tại thế, lão nhân gia hết sức khiêm hư, tôi bái sư, hành lễ bái sư để xin học với Ngài. Lão nhân gia bảo tôi: “Tôi chỉ có thể dạy anh năm năm”. Sau năm năm sẽ làm như thế nào? Cụ giới thiệu một vị thầy, thầy của Ngài là Ấn Quang đại sư. Ấn Quang đại sư đã khuất, Văn Sao vẫn còn. Hằng ngày, quý vị đọc Văn Sao là thân cận Ấn Quang đại sư. Ghi nhớ giáo huấn của Ấn Quang đại sư, sốt sắng nỗ lực thực hiện thì quý vị sẽ là học trò của pháp sư Ấn Quang. Mở ra một cửa, vì hiện thời tìm không được một vị thiện tri thức chân chánh, nhưng cổ nhân thì có, hãy làm tư thục đệ tử của cổ nhân. Thầy giới thiệu tôi làm tư thục đệ tử của Ấn Quang đại sư. Tôi giảng kinh, dạy học tại các nơi ở hải ngoại nhiều năm như thế, chẳng dám tự nhận mình là thầy, chưa đủ tư cách, tôi cũng học theo phương pháp của thầy, giới thiệu một vị thầy cho mọi người. Tôi giới thiệu ai vậy? Thích Ca Mâu Ni Phật và A Di Đà Phật là hai vị thầy tốt đẹp, theo các Ngài chắc chắn tốt đẹp lắm!
Thầy ở nơi đâu? Trong Vô Lượng Thọ Kinh và A Di Đà Kinh. Thâm nhập một môn, trường thời huân tu. Xem kinh không hiểu thì hãy tìm trợ giáo (tutor), tìm người giúp đỡ! Trợ giáo là ai? Người chú giải kinh là trợ giáo. Xem kinh Hoa Nghiêm không hiểu, hãy tìm Thanh Lương đại sư, tìm Lý Trưởng Giả, chú giải của các Ngài giúp chúng ta học tập. Xem Di Đà không hiểu, tìm Liên Trì đại sư, Ngài có bộ Sớ Sao, Ngẫu Ích đại sư có bộ Yếu Giải, U Khê đại sư có Viên Trung Sao. Trước khi bản [hội tập] này ra đời, thông thường người học kinh Vô Lượng Thọ đều học theo bản dịch của Khang Tăng Khải. So trong năm bản dịch gốc, bản của ngài Khang Tăng Khải hay nhất, lưu thông cũng rất rộng. Đời Tùy, Huệ Viễn đại sư[2] có chú giải. Sư có pháp danh hoàn toàn giống với Sơ Tổ Tịnh Độ Tông. Lô Sơn Huệ Viễn đại sư là tổ sư đời thứ nhất của Tịnh Độ Tông Trung Quốc. Do Huệ Viễn đại sư đời Tùy trùng tên, trong Phật môn gọi Ngài là Tiểu Huệ Viễn. Nghe nói Tiểu Huệ Viễn liền biết ngay là Huệ Viễn đại sư đời Tùy, hãy đọc bản chú giải của Ngài. Khi chúng tôi học kinh Vô Lượng Thọ tại Đài Trung, nhằm lúc bản này vẫn chưa truyền đến Đài Trung, thầy Lý giảng Vô Lượng Thọ Kinh bằng bản chú giải của ngài Tiểu Huệ Viễn. Chú sớ của cổ nhân giúp đỡ các đồng học. Hiện thời có nhiều công cụ hơn, dùng máy thâu âm hay máy thâu hình để giảng giải nhằm giúp đỡ người đời sau, quá sức thuận tiện! Chúng ta thành lập một đạo tràng, quý vị phải ghi nhớ, Ấn Quang đại sư là một vị nhất đại tổ sư có đức hạnh, có trí huệ, lão nhân gia dạy chúng ta: Trong tình hình xã hội hiện thời, kiến lập đạo tràng hãy trọng phẩm chất, đừng coi trọng số lượng, tức là “trọng thực chất, đừng coi trọng hình thức”. Đạo tràng chớ nên to lớn; thảo am nhỏ là lý tưởng nhất. Chúng thường trụ không nên hơn hai mươi người, dễ duy trì. Các đồng học chí đồng đạo hợp ở cùng một chỗ cộng tu, một phương hướng, một mục tiêu, quyết định cầu sanh Tịnh Độ. Thảo am nhỏ ở được hai mươi người, người trong ấy tâm đều thanh tịnh. Nếu dựng một ngôi chùa lớn, giàu có, lộng lẫy, nguy nga, có bao nhiêu người sẽ dòm ngó, nghĩ cách tranh đoạt!
Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa Tập 009
Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Thời gian: Ngày 5 tháng 04 năm 2010
Địa điểm: Hương Cảng Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Đức Phong và Huệ Trang
Được gắn thẻ , , , , , ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *