Hòa Thượng Tịnh Không, Lời dạy của đức phật

Hễ khác nhau thì là giả, chẳng phải thật! – là ma sự

Cảnh Tây Phương tiếp dẫn
“Một là chẳng hợp với Khế Kinh thì là ma sự”
“Hai là chẳng phù hợp với những gì ta vốn tu tập thì là ma sự”
Lời Khai Thị Của Hòa Thượng Tịnh Không.
“Trong khi niệm Phật mà thấy cảnh giới, cảnh giới ấy chẳng giống như trong Kinh dạy, đó là ma sự”. Bất luận là thấy trong hiện tiền, hoặc thấy trong Định, hoặc thấy trong mộng, hễ thấy khác với Kinh dạy, quý vị chẳng quan tâm đến là được rồi. Quyết định chẳng dao động bởi nó, ma chẳng tổn hại quý vị. Sợ nhất là quý vị bị nó ảnh hưởng, hoặc là sanh tâm hoan hỷ, tâm tham ái, hoặc tâm kinh hãi, tâm kiêng sợ là bị nó lừa. Khi nó hiện tiền quý vị như như bất động, sẽ chẳng có chuyện gì. Hãy nhớ Kinh Kim Cang đã dạy: “Phàm những gì có hình tướng, toàn là hư vọng”, chúng ta phải dùng thái độ như vậy để đối phó. Nghe nói ngoài thị trường có một cuốn sách nhỏ, nói là do một kẻ nào đó đã từng đến Tây Phương Cực Lạc thế giới, có viết thành bài Du Ký nghi chép chuyến viếng thăm Tây Phương Cực Lạc thế giới. Những điều nói trong sách ấy “bất dữ Tu Đa La hợp” ( chẳng phù hợp Khế Kinh). Tu Đa La (sũtra Khế Kinh) là Tịnh Độ Tam Kinh. [ “bất dữ Tu Đa La Hợp”] là thấy nói khác với ba Kinh, so sánh những điều kẻ ấy nói sẽ thấy chẳng giống như trong Kinh điển. Chư vị phải biết: Hễ khác nhau thì là giả, chẳng phải thật! Từ Cao Tăng Truyện chúng ta thấy: Thuở Huệ Viễn đại sư sanh tiền, từ trong Định, chúng ta gọi là “chỉ tĩnh khi niệm Phật”, Ngài từng ba lần thấy Tây Phương Cực Lạc Thế giới. Ngài hé lộ tin tức, cảnh giới mà Ngài trông thấy là hoàn toàn giống như Kinh Vô Lượng Thọ đã nói, giống nhau thì là thật. Chẳng giống nhau thì là giả trất, là ma sự.
“Hai là chẳng phù hợp với những gì ta vốn tu tập thì là ma sự”
“Bổn sở tu”: Chúng ta tu trì danh Niệm Phật, hy vọng thấy A DI ĐÀ PHẬT, Quán Âm, Thế Chí. Trong phần tiểu chú [ trong sách diễn nghĩa ] có nói A Di Đà Phật thị hiện ở Phương Tây, nay A Di Đà Phật ở phương Đông, hoặc A Di Đà Phật ở phương Nam, chẳng tương ứng với điều chúng ta đang tu tập. Đó là giả! Ma hiện cảnh giới Phật để gạt người là chuyện có thật. Ma hiện cảnh tương ứng với những gì chúng ta ham thích để dụ dỗ, mê hoặc quý vị; nhưng ma quyết định chẳng thể biến hiện hình dáng Bổn Tôn để lừa gạt quý vị, đó là phạm pháp. Giống như nay chúng ta nói là giả mạo thương tiêu,( nhãn hiệu cầu chứng, trademark) giả mạo là phạm tội! Quý vị cầu A Di Đà Phật, ma hiện thành Thích Ca Mâu Ni Phật đến tiếp dẫn quý vị, chẳng phạm pháp. Hắn chẳng thể hiện thành Bổn Tôn. Bổn Tôn của quý vị là A Di Đà Phật. Hắn hiện hình dáng Dược Sư Phật để tiếp dẫn quý vị, chắc chẳng là giả. “Chúng ta niệm niệm cầu sanh Tây Phương, Lâm chung nhất định Tây Phương Tam Thánh đến tiếp dẫn, quyết định chẳng phải Phật, Bồ Tát khác”. Vì thế, khi ấy, nếu thấy Phật Bồ Tát Khác, đều là giả, đều chẳng thật. Từ chổ này, chúng ta phân biệt chẳng khó.!
…”Nay người niệm Phật suốt đời nhớ Phật, lâm chung thấy Phật, nhân quả phù hợp”
Người niệm Phật thấy cảnh giới Tây Phương, thấy A Di Đà Phật, Quán Âm, Thế Chí, đó là bình thường. Trong khá nhiều luận điển, cổ đức đã khai thị: Phật, Bồ Tát hiện tiền nhằm chứng minh, hòng tăng trưởng tín niệm của chúng ta. Ma cảnh hiện tiền nhằm lừa gạt, dụ dỗ, mê hoặc quý vị, hòng phá hoại đạo tâm. Mục đích và dụng ý khác nhau. Do vậy, thời gian Phật cảnh hiện tiền nhất định là sẽ rất ngắn. Sau khi hiện tiền, quý vị chẳng còn thấy nữa. Đó là Phật, Bồ Tát thị hiện cảnh giới theo lẽ thông thường, chẳng phải là thường xuyên trông thấy. Suốt một đời Viễn Công đại sư( sơ Tổ Huệ Viễn), chỉ thấy ba lượt! Nếu thời gian hiện cảnh giới rất dài, sau khi cảnh giới biến mất, cách một thời gian chẳng lâu sau lại hiện lại, sẽ là bất thường, có thể đoán định nó là ma cảnh, chẳng phải là Phật cảnh. Thường thấy cảnh giới ấy, chắc chắn chẳng phải là chuyện tốt đẹp! Có các đồng tu nói với tôi: lúc họ mới học Phật, có rất nhiều thụy tướng, ngửi thấy mùi hương lạ, trong mông thấy Phật, Bồ Tát đến thuyết pháp, xoa đầu. Sau khi đã niệm Phật nhiều năm, chẳng còn thấy nữa. Họ hỏi: “Tôi có ngã lòng hay chăng? Có phải là công phu chẳng đắc lực hay không?” Tôi nói các vị thường thấy ư? Thường trông thấy thì hỏng bét! Sở dĩ Phật Bồ Tát chẳng thường hiện tiền, nói thật ra, cũng là do đại từ, đại bi đối với chúng ta, chân thật hộ niệm cho chúng ta. Thường trông thấy, chúng ta chẳng tiếp nhận được! Phiền não tập khí nhất định sẽ hiện hành, tự nghĩ: “các ngươi xem đó, ta thường thấy Phật, các ngươi đâu có thấy! Công phu ta tốt đẹp hơn bọn ngươi!” Phiền não kiêu căng ngã mạn sanh khởi! Đức Phật dạy quý vị đoạn phiền não, kẻ giúp quý vị tăng trưởng phiền não là ma, chắc chắn chẳng phải là Phật. Do vậy, nếu chẳng phải là lúc tất yếu, Phật chẳng đến quấy nhiễu, chẳng đến nhiễu loạn quý vị. Chúng ta học Phật, niệm Phật, điều quan trọng là chúng ta cầu nhất tâm bất loạn, mong cầu tâm thanh tịnh, chẳng phải là hằng ngày cầu thấy Phật. Vì thế, Kinh chỉ nói “khi lâm chung Phật đến tiếp dẫn”, chẳng có nói: Thường thị hiện cho quý vị trông thấy.
((83lh. Trích ở Quyển 8, Tập248, trang 664. A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa.
Giảng 3- 1984.
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa)
Được gắn thẻ , , , , , ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *