Hòa Thượng Tịnh Không, Lời dạy của đức phật

Giáo dục nhằm mục đích khiến cho quý vị từ tập tánh trở về bổn tánh

Giáo dục xã hội
Giáo dục con người, đầu tiên quý vị phải khẳng định quan điểm: “Nhân chi sơ, tánh bổn thiện”, quý vị thật sự giáo dục, nhất định khẳng định con người tánh vốn lành. “Thiện” ở đây chẳng phải là thiện trong thiện ác, mà “thiện” là từ ngữ ca ngợi, tốt đẹp, viên mãn nhất, chẳng có mảy may khiếm khuyết nào, đó là thiện, chẳng phải là thiện trong thiện ác. Cũng như kinh Hoa Nghiêm đã nói: “Hết thảy chúng sanh đều có trí huệ và đức tướng của Như Lai”, người Trung Quốc gọi điều đó là “bổn thiện”, phải thừa nhận điều này! Sau đấy, quý vị phải tin tưởng: “Tánh tương cận, tập tương viễn” (tánh giống như nhau, do huân tập (giáo dục) mà khác biệt), bổn tánh của mỗi cá nhân giống nhau. Phật pháp nói mỗi cá nhân vốn là Phật, còn trong truyền thống Trung Hoa, bổn tánh của mỗi người đều là bổn thiện, đều tương đồng. “Tập tương viễn”, vì sao biến thành bất thiện? Do tập tánh. “Tập tánh” tức là nói quý vị bị ô nhiễm bởi hoàn cảnh. Cổ nhân nói: “Cận châu tắc xích, cận mặc tắc hắc” (gần son thì đỏ, gần mực thì đen). Nếu quý vị ở cùng thiện nhân, sẽ biến thành thiện nhân. Quý vị ở cùng người ác, sẽ học theo thói xấu, biến thành ác. Đó gọi là “tập tánh”, chẳng phải là bổn tánh.
Mục đích của giáo dục là gì? Giáo dục nhằm mục đích khiến cho quý vị từ tập tánh trở về bổn tánh, đấy là giáo dục. Giáo dục nhằm biến ác nhân thành thiện nhân, biến người xấu thành người tốt, biến kẻ mê hoặc, điên đảo thành người thông minh, trí huệ, đấy là giáo dục. Học trò chẳng thể dạy được, bèn khai trừ nó, đó là giáo dục thất bại, há có lẽ ấy? Học trò chẳng có khuyết điểm, mà do quý vị chẳng khéo dạy, chẳng biết dạy. Cớ sao quý vị dạy chẳng ra gì lại bắt tội học trò? Như vậy là quý vị lầm lẫn quá đỗi rồi!
Tôi nói với ông ta như thế, ông ta bèn hoảng nhiên đại ngộ. Quý vị thấy tác phẩm ấy, trong các trường tại Luân Đôn, chẳng có ai theo ngành Hán Học chẳng đọc, đó là nguyên tắc chỉ đạo tối cao. Vì thế, “cẩu bất giáo, tánh nãi thiên” (nếu chẳng dạy, tánh sẽ biến đổi), tư tưởng giáo dục phát sanh từ chỗ này, quý vị nhất định phải dạy. Nếu không dạy, kẻ ấy sẽ càng biến đổi tệ hại hơn! Con người do được dạy dỗ mà thành tốt đẹp, mà cũng do được dạy dỗ mà tệ hại hơn. Kẻ khác biến thành xấu xa, quý vị quyết định chẳng thể trách móc hắn, chính quý vị đã dạy kẻ ấy thành kẻ xấu! Ngày nay do ai dạy? Hiện thời, trẻ nhỏ vừa sanh ra, mở mắt ra đã học, học từ nơi đâu? Học từ TV.
Trẻ hơi lớn lên, tôi chẳng biết ở Trung Quốc [như thế nào], chứ tôi ở Mỹ rất nhiều năm, lớp một Tiểu Học của Mỹ đã dùng điện não (computer), đã xem Internet. Lên Internet chơi gì? Bạo lực, tình dục, giết, trộm, dâm, dối, thảy đều học hết. Vì thế, học trò Tiểu Học đi học bỏ súng trong túi giết bạn học, nó chẳng có ác ý, đùa chơi mà! Từ Internet nó học được điều ấy, thật sự đùa giỡn, giết thầy, giết bạn học, giết giỡn chơi mà! Quý vị làm thế nào đây? Làm sao kết tội con mình? Đây là một vấn đề lớn trong xã hội. Năm xưa, hình như lúc tôi ở Tân Gia Ba, vào năm 1999, đồng học bên Mỹ gởi cho tôi xem một cuốn tạp chí, trong ấy có bài tường trình tình trạng phạm tội của thanh thiếu niên nước Mỹ, đọc xong, tôi sững sờ! Đã rất lâu chẳng sang Mỹ, tôi liên lạc với bên ấy, đặc biệt vì chuyện này mà sang đó một chuyến.
Tôi đến Lạc Sam Cơ (Los Angeles) của Gia Châu (California), nhờ đồng học liên lạc cho tôi, thực hiện hai cuộc phỏng vấn trên đài truyền hình California của Mỹ. Một cuộc phỏng vấn về vấn đề giáo dục, chúng tôi có tất cả bốn người, một người là kiểm sát trưởng (Attorney General) của địa khu Lạc Sam Cơ (Greater Los Angeles), vị này là quan tòa, là một vị lãnh đạo của ngành tư pháp. Một người là thị trưởng thành phố Phách Tát Địch Na (Pasadena), còn một vị là hiệu trưởng phân hiệu Los Angeles của đại học California. Bốn người chúng tôi tham dự một giờ phỏng vấn, tọa đàm trên đài truyền hình. Tôi hỏi vị kiểm sát trưởng: “Tôi đọc báo cáo trên số tạp chí này, đó có phải là thật hay chăng?” Ông ta bảo tôi: “Thật đấy”. Tôi nói: “Tỷ lệ phạm tội không ngừng tăng lên, quý vị có cách nào khống chế, ổn định nó hay không?” Ông ta đáp: “Chẳng có cách nào!”
Chính họ cũng biết vấn đề này rất nghiêm trọng. Vì thế, tôi hội kiến Tổng Thống Bố Thập (Bush), tôi cũng bảo ông ta: “Điều đáng lo ngại của Mỹ trọn chẳng phải là ở ngoại quốc”, tôi nói liền khi ấy. Tôi nói: “Đối với thanh thiếu niên thuộc thế hệ kế tiếp, phải làm như thế nào? Có nghĩ tới vấn đề ấy hay không?” Tôi rời nước Mỹ, nghe nói trong khi trò chuyện, ông Bush có nhắc đến vấn đề này, chẳng thể giải quyết! Cuộc phỏng vấn thứ hai dành cho thân sĩ tôn giáo, viện trưởng học viện Cơ Đốc Giáo dẫn theo hai vị giáo sư, kể cả chúng tôi là bốn người, ba người đến từ học viện. Chúng tôi thảo luận vấn đề ấy, tôn giáo giải quyết bằng phương pháp nào? Quan điểm như thế nào? Vấn đề vô cùng nghiêm trọng.
Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa Tập 85
Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Thời gian: Ngày 5 tháng 04 năm 2010
Địa điểm: Hương Cảng Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Huệ Trang và Đức Phong
Được gắn thẻ , , , ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *