Hòa Thượng Tịnh Không, Lời dạy của đức phật

Đại đức xưa nói với chúng ta, chú là mật thuyết của Kinh, Kinh là hiển thuyết của chú

Chú tiểu quét chùa
Cho nên, Đại đức xưa nói với chúng ta, chú là mật thuyết của Kinh, Kinh là hiển thuyết của chú, ý nghĩa của chú chính là ở trên Kinh này Phật nói ra một ý nghĩa, cách giải thích này rất viên mãn, giải thích được rất hay. Trong Phật Kinh thường hay đan xen chú ngữ ở trong đó, trong văn chương thông thường thế gian không có. Chúng ta hiểu rõ cái ý nghĩa này thì tốt.
Trong “Tôn Thánh Đà La Ni Kinh” đã nói: súc sanh nghe được chú ngữ này thì chúng có thể siêu sanh, ngay đời này thọ thân súc sanh, khi thân súc sanh này tận rồi thì sẽ không bị đọa làm súc sanh nữa, chúng được siêu thoát, siêu thoát rất hiển nhiên, súc sanh này đi đến cõi người. Điều này nói rõ công đức của Kinh chú không thể nghĩ bàn, súc sanh nghe được Phật hiệu, nghe được chú ngữ đều có thể siêu sanh. Cho nên, cổ đức xưa thường dạy bảo chúng ta, trước khi chúng ta phóng sanh nhất định phải niệm chú cho những sinh vật được thả này nghe, đọc Kinh cho chúng nghe, niệm Phật hiệu cho chúng nghe thì sẽ có chỗ tốt.
Thế nhưng, người xưa nói cho chúng ta nghe một câu, chúng ta phải ghi nhớ: “Tụng Kinh không bằng trì chú, trì chú không bằng niệm Phật”, càng tinh giản càng có thọ dụng. Kinh thì rối rắm, dài đến như vậy; chú là tổng ý nghĩa của Kinh, tuy là ngôn ngữ rất ít nhưng ý nghĩa thảy đều bao gồm trong đó, chúng ta không hiểu, nhưng quỷ thần có thể hiểu. Thế nhưng, hiện tại niệm chú có khó khăn, khó khăn ở chỗ nào? Ngữ âm của chú không chuẩn xác, cho nên chú này đọc không linh. Trong “Cao Tăng Truyện” có viết, vào thời đại Đường triều, những cao tăng Đại đức niệm chú rất linh, kêu mưa gọi gió, sai khiến quỷ thần, chân thật là rất linh. Hiện tại, chúng ta có niệm thế nào, quỷ thần cũng không đến, vì sao vậy? Trên Kinh chú có rất nhiều tên của quỷ thần, chúng ta niệm âm không chuẩn nên họ nghe không hiểu, đạo lý chính ngay chỗ này. Lúc trước những pháp sư đó cùng Đại đức Mật tông, âm của các Ngài rất chuẩn, cho nên họ vừa nghe thì hiểu được, họ liền đến. Hiện tại, chúng ta cũng chiếu theo chữ đó mà đọc, niệm phát ra âm không chuẩn xác, cho nên hiện tại vấn đề là ở ngay chỗ này. Nếu đã là như vậy thì niệm chú không bằng niệm Phật, một câu “A Di Đà Phật”, cho dù chúng ta niệm bằng cách nào,họ đều có thể nghe hiểu được, vì câu Phật hiệu này rất phổ biến. Có người niệm “Nam Mô A Di Đà Phật”, cũng có người niệm “A Mi Đà Phật”, tôi nói đều được, đều có thể. Vì sao vậy? Quỷ thần thảy đều nghe hiểu được. Đây là có lợi ích rất lớn đối với họ.
Lần trước, ngay trong pháp hội phóng sanh ở Malaysia, phóng sanh ở Kiết Long Ba, đồng tu chúng ta có không ít người tham gia, một số cư sĩ nói với chúng ta, khi phóng sanh, hai lần họ thấy được A Di Đà Phật, cảm ứng không thể nghĩ bàn. Cho nên, chúng ta tin tưởng sâu sắc những súc sanh được phóng sanh đó, chúng nghe được Kinh chú, Phật hiệu, cũng giống như trên Kinh đã nói “tận thử nhất thân, cánh bất phục thọ”, chắc chắn có hiệu quả này. Trong “Kinh Niết Bàn” cũng có ý này, “nhược hữu chúng sanh, nhất kinh nhĩ giả, khước hậu thất kiếp, bất đọa ác thú”. Chúng ta đọc qua đoạn Kinh văn này thì không tránh khỏi hoài nghi, nghe một câu Phật hiệu, nghe người ta niệm một câu chú,bảy kiếp không đọa ác đạo, có được lợi ích lớn như vậy sao? Vậy thì chúng ta ngày ngày niệm Phật hiệu, ngày ngày niệm chú, vậy tương lai chắc chắn sẽ không đọa lạc? Chỗ này, then chốt ở chỗ nào? Then chốt ở “phạm hạnh”, quả nhiên thường tu phạm hạnh thù thắng, mới có thể có hiệu quả như vậy. Nếu như hành vi của chúng ta vẫn cứ là ô nhiễm, đó chính là Đại đức xưa đã nói “đau mồm rát họng cũng chỉ uổng công”. Vì sao vậy? Tâm không thanh tịnh, hạnh không thanh tịnh, niệm câu Phật hiệu này cũng không hữu dụng. Cho nên ở ngay chỗ này, chúng ta phải đặc biệt lưu ý hai chữ “tương ưng”. Người xưa thường nói: “Một niệm tương ưng một niệm Phật, niệm niệm tương ưng niệm niệm Phật”, nhất định phải hiểu được, phải ghi nhớ.
Chúng ta niệm A Di Đà Phật, tâm của chúng ta chắc chắn phải là tâm của A Di Đà Phật. Tâm của A Di Đà Phật là tâm gì? Chúng ta xem thấy ở trên Kinh, tâm Phật là nguyện tất cả chúng sanh sớm ngày thành Phật. Mỗi mỗi chúng sanh đều viên mãn thành Phật, đây là bổn nguyện của A Di Đà Phật. Trong 48 nguyện, mỗi nguyện đều là vì giúp đỡ chúng sanh viên thành Phật đạo. Chúng ta phải phát ra cái nguyện này, toàn tâm toàn lực giúp đỡ tất cả chúng sanh đoạn ác tu thiện, giúp đỡ tất cả chúng sanh chuyển mê thành ngộ, giúp đỡ tất cả chúng sanh cầu sanh Tịnh Độ. Làm thế nào để giúp đỡ? Giảng Kinh nói pháp là đem Tịnh Độ thù thắng giới thiệu cho họ. Chúng ta chính mình phải nỗ lực làm ra tấm gương để cho họ xem, vì họ mà làm chứng minh, kiên định tín nguyện của họ, đây chính là hạnh của Di Đà. “Tín-Nguyện-Giải-Hành” đều đồng Di Đà, “phạm hạnh” thù thắng đầy đủ, công đức này đương nhiên thù thắng.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *