Đạo Phật

Tà dâm thủ dâm là tội bất hiếu

Trăm thiện hiếu đứng đầu
📖 Hiếu kinh của Nho gia viết: “Thân thể, phát, phu, thọ chi phụ mẫu; bất cảm hủy thương, hiếu chi thủy dã” nghĩa là “Thân thể, tóc da, nhận từ cha mẹ; không thể (tùy tiện) để bị thương tổn; đó là khởi đầu của hiếu đạo”.
Sách Đệ Tử Quy viết: “Thân hữu thương di thân ưu, đức hữu hương di thân tu” nghĩa là: “Nếu thân thể của chúng ta bị thương, thì cha mẹ sẽ lo âu. Nếu đức hạnh của chúng ta không tốt, thì cha mẹ cũng cảm thấy tủi hổ.”
Thân thể chúng ta có phần nào không từ máu xương cha mẹ chia cho? Có phần nào không nhờ công ơn dưỡng dục của cha mẹ tạo thành? Nhìn con cái mạnh khỏe xinh tươi, lòng mẹ cha mừng vui thơi thới, chẳng quản chính thân mình ngày một tiều tụy già nua để bảo bọc đàn con. Nếu thấy các con gầy ốm thì cha mẹ lo lắng, sợ hãi quên ăn. Xưa ông Mạnh Vũ Bá hỏi về đạo hiếu, thầy Khổng Tử dạy: “Phụ mẫu duy kỳ tật nhi ưu” (Cha mẹ chỉ lo về tật ấy). Tật ấy là chơi bời phóng đãng, dâm dục, thủ dâm, còn những tật khác đều chưa lấy làm lo lắm!
Những kẻ đắm say trong sắc dục khiến sinh lực tiêu hao, thần trí vô dụng, khác gì đang tự sát, cha mẹ biết được có thể không đau buồn ư? Dẫu sức khỏe hình hài chưa lộ rõ sự suy hao thì cũng nỡ đang tâm đem tấm thân châu ngọc được đổi bằng sinh mệnh của cha mẹ, đốt tiêu vào những thú dâm đãng hay sao ? Đem băng thanh ngọc khiết ném vào bùn nhơ đê tiện. Như vậy là đại bất hiếu, đại ngu si!
Mỗi khi dâm dục, hãy nhớ để có thân ta mẹ phải mang nặng đẻ đau, cha phải cần lao làm việc, song thân vì nuôi nấng ta mà chịu bao nhọc nhằn, tạo bao tội nghiệp. Vì vậy kẻ làm con khi còn nhỏ phải hiếu đễ chăm học, lúc lớn phải chí thú lập thân để phụng dưỡng mẹ cha, chớ sa vào thói hư tật xấu đến nỗi táng thân bại nghiệp, chưa báo thâm ân đã khiến huyên đường tủi nhục. Công ơn cha mẹ to lớn như trời biển, trọn đời khắc cốt ghi tâm lo không báo nổi, lẽ nào lại làm những việc dâm ô, đại ác khiến gia môn ô nhục. Trong Kinh Đại Báo Ân Phụ Mẫu, Đức Phật dạy rằng:
“Trong lúc bình sinh, mẹ nhiều lần sinh nở, nuôi nấng con thơ, tổn bao khí huyết, mỗi một kỳ sinh, máu đặc trong mình chảy ra sáu đấu, mỗi người con bú, tám thùng bốn đấu sữa trong mình, giảm mất tinh anh, cho nên xương nhẹ và có sắc đen”.
Sức sống của con đánh đổi bằng sinh mệnh mẹ cha, khi cha mẹ sắp từ giã cõi đời cũng vẫn vì con lo lắng không nguôi. Công đức ấy to lớn biết nhường nào, hạo thiên võng cực, vĩ đại trong trời đất, không thể dùng ngôn từ diễn tả, Đức Phật dạy:
“Ví như có người con hiếu cõng cha mẹ trên vai đi chơi, đi khắp trên rừng dưới bể, hai vai nặng trĩu mòn cả đến xương, máu chảy cùng đường, không hề ân hận, cũng chưa báo được công đức mẹ cha kể trong muôn một. Nếu lại có người gặp thời đói kém, cắt hết thịt mình, dành nuôi cha mẹ khỏi lúc nguy nan, riêng mình cam chịu, thịt nát xương tan, trăm nghìn muôn kiếp để báo thâm ân cũng chẳng được một phần kể trong muôn một.”
Cha mẹ sinh ra con, thương quý con hơn sinh mạng, bảo bọc chở che; Người trọn đời làm ân sư dạy dỗ con, trọn đời làm phúc thần hộ mệnh cho con, trọn đời làm Bồ tát bố thí Ba la mật cho con. Công đức của Người đối với con lớn lao như vậy, con biết lấy gì đền đáp thâm ân? Vậy mà những kẻ làm con mấy ai thấu hiểu, họ ra đời lịch thiệp với người dưng, “có hiếu” với cấp trên, hào phóng với nhân tình, trân quý vợ con hơn cha mẹ. Giấy mực văn chương ở đời viết cho ái tình và lợi danh chất cao như núi, nhưng được mấy vần cho hai Đấng sinh thành?
Bọn họ lúc sống với cha mẹ thì ngang bướng hỗn xược, khi đã lập gia đình thì xem Đấng sinh thành như thừa thãi chẳng muốn sống cùng, trừ khi còn việc gì tận dụng được chút sức cùng hơi kiệt. Thậm chí, có những thanh thiếu niên còn quát mắng, đánh đập mẹ cha nếu không để yên cho chúng chơi game, xem sex. Chúng đâu hiểu rằng khi chúng có thể dễ dàng xô ngã hai đấng sinh thành, khi bàn tay cha không còn cầm nổi cái roi để đánh chúng đau, khi đôi mắt mẹ nước mắt chảy vào trong mà không hề oán giận, chính là lúc vô thường sắp đem hai đức Phật sống đi xa, để sau này khi chúng bị cuộc đời xô ngã, biết tìm đâu bóng mát chở che đây? Ai cho chúng mái nhà ngăn giông bão? Với lưng cơm đầy tình thương ăn không hề lo sợ? Phúc đức thay cho kẻ nào còn được nghe lời trách mắng của mẹ cha! Từng nghe trong giống điểu cầm, quạ tuy xấu xí nhưng là loài chí hiếu, luôn tha mồi về dâng mẹ cha ăn trước. Làm người trong thế giới văn minh, thẹn mình không được bằng loài quạ.
Những kẻ làm con nếu có lương tri thì phải cố gắng tu thân, chớ làm những điều tà ác khiến song thân tổn thọ. Khi cha mẹ còn sống thì cung kính hiếu thuận, hết sức phụng dưỡng thể chất tinh thần, khi cha mẹ quá vãng lại trọn đời thờ phụng, thay cha mẹ sám hối nghiệp chướng và làm các công đức hồi hướng cho Người được siêu thăng. Làm được như thế cũng kể là người hiếu thảo hiếm có ở đời, song dù có sánh được như Nhị thập tứ hiếu thuở xưa xưa thì cũng vẫn chỉ là tiểu hiếu của phàm phu, chẳng thể báo đáp được thâm ân trong muôn một.
Cách báo hiếu tối thắng nhất của người con là như Đức Phật Thích Ca Mâu Ni báo hiếu, Đức Thế tôn đã giác ngộ cho song thân giải thoát khỏi luân hồi vĩnh viễn không còn đọa lạc. Ngài lên cung trời Đao Lợi 3 tháng thuyết pháp cho thân mẫu và ở bên giường bệnh của phụ vương suốt 7 ngày đêm thuyết pháp khiến người được lâm chung an lành vãng sinh về Cực Lạc Thế Giới của A Di Đà Phật. Hiếu đạo ấy ngài lại mở rộng đến tận hư không pháp giới “chúng sinh vô biên thề nguyện độ”, đó chính là cứu độ vô lượng cha mẹ và quyến thuộc trong vô lượng tiền kiếp của Ngài. Cách báo hiếu của Đức Thế Tôn là chí cực chí hiếu chẳng còn chi hơn được!
Người lỡ lầm lạc vào đường dâm dục, nếu ân hận muốn làm lại cuộc đời thì phải một lòng hiếu thuận với mẹ cha, lấy hạnh Hiếu đứng đầu muôn thiện hạnh để trừ tính ác của Dâm dục đứng đầu muôn điều ác.
* Trích sách: Nhận Thức Về Thủ Dâm – Tác Hại và Quả Báo
Hoan nghênh copy đăng tải rộng rãi kết thiện duyên!
Được gắn thẻ , , ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *