Thiền sư Thích Thanh Từ, Thiền Tông

Diễn biến nghiệp báo

Nghiệp kiếp ăn xin - bao giờ trả hết
Hôm nay chúng ta nói về vấn đề nghiệp báo, nói đủ là “diễn biến nghiệp báo”. Với người tu Phật, đây là vấn đề gốc cần phải được hiểu và ứng dụng tu tập cho đúng.
Như có người nói gia đình con tin Phật, tu theo chánh pháp, luôn được sự hướng dẫn của chư tăng, nhưng sao trong nhà thường xuyên xảy ra việc bất như ý, khiến chúng con cảm thấy nghi ngờ. Như vậy vấn đề nghiệp báo phải hiểu như thế nào cho đúng và áp dụng tu ra sao để tiến được.
Trước nhất nói về nghiệp. Nghiệp nguyên chữ Phạn là Karma, có nghĩa là nghề nghiệp, thói quen. Nghiệp trong nhà Phật nói liên thông tới ba thời quá khứ, hiện tại, vị lai, chứ không phải chỉ nói trong hiện tại. Vì vậy Phật tử nêu lên sự việc trên, chúng tôi khuyên nên nhìn trở lui về quá khứ. Muốn hiểu được nghiệp thì phải nhìn qua ba thời kỳ như thế. Nghiệp của chính mình chứ không phải của ai. Chính mình đã gây tạo nghiệp nhân không tốt trong một khoảng nào đó do không sáng suốt nên bây giờ hậu quả phải như vậy. Biết thế thì không nên than trách, phiền não, bất an, mà phải chấp nhận và tu tập không gây tạo nghiệp nhân xấu nữa.
Ở đây chúng tôi nêu lên diễn biến của nghiệp, tức là nói đến quá trình vận hành của nó. Cái nhìn của người con Phật không nên chết cứng một chỗ. Trong kinh Phật nói nghiệp báo thông cả ba đời. Do đời trước tạo nghiệp lành nên đời này hưởng quả lành. Dù đời này có làm ác thì quả ác chịu ở đời sau, chớ đời này vẫn hưởng quả lành do đời trước đã tạo. Tuy nhiên người đang hưởng quả đời trước sẽ bị ảnh hưởng bởi những nghiệp đang tạo trong đời này, nên phước báo có những quảng không hoàn chỉnh. Hoặc người tạo nghiệp lành phân nửa, phân nửa sau vì lý do gì đó, hành động không tốt đẹp. Như vậy nghiệp lành chỉ đầy đặn trong quãng trước, quãng sau lại xen vô việc không lành. Có khi, trước chúng ta tạo nghiệp lành thì quả lành đến với mình. Nhưng kế đó gây tạo nghiệp không lành nhiều hơn, thì quả không lành sẽ mạnh hơn. Bởi mạnh hơn nên có khi nó phát tiết mạnh hơn, sớm hơn, tùy theo mức độ và hành động của mỗi người.
Vì vậy Phật dạy người tu phải thấy rõ từng giai đoạn trong quá trình xử lý nghiệp của mình. Thời gian tu tập chính là lúc chúng ta chỉnh đốn, sửa đổi những nghiệp nhân cũ của mình. Đây là giai đoạn rất quan trọng. Thường trong cuộc đời chúng ta, chuyện bình ổn không kéo dài, mà hay xảy ra những bất trắc không lường được. Bởi không lường được nên gặp sự cố chúng ta không tỉnh. Do không tỉnh nên lại tiếp tục tạo nghiệp nhân không tốt. Nghiệm lại cuộc đời mình, quí vị sẽ thấy có quãng nào đó rất bình yên, lại có quãng nhiều sóng gió. Rồi ngay khi sóng gió lại bình yên. Do mình không tỉnh, đã gây tạo thế nào đó nên nghiệp quả bây giờ xen vào lúc vầy lúc khác.
Muốn không tạo nhân xấu, lúc bình ổn chúng ta cũng vẫn làm chủ từng niệm, từng hành động, không để sơ hở khiến nghiệp nhân không tốt chen vào. Nhưng lạ một điều, cuộc đời thường là không bình ổn nhiều hơn lúc bình ổn. Những khi ấy chúng ta mất bình tỉnh, bị tác động chung quanh, nên thân miệng ý tạo nghiệp không tốt. Nếu bất bình ổn nhiều thì nghiệp nhân xấu nhiều. Cho nên con người sống chẳng được bao nhiêu bình yên, hạnh phúc. Có khi tháng này đâu được chừng đôi ba ngày bình yên, sau đó một loạt chuyện này chuyện kia xảy ra trong gia đình, đủ thứ hết.
Thành ra vấn đề nghiệp, người con Phật phải nhìn cho thấu đáo mới bình yên, mới tu tiến được. Nếu không chúng ta dễ nghi, rồi thì việc tu hành không vuông tròn. Một khi đã nghi, mình nghĩ tu cho nhiều cũng vậy thôi, thôi kệ rề rề tới đâu hay tới đó. Phật tử có hiểu sâu nhân quả mới vui trả nghiệp cũ và không tạo nghiệp mới. Người đời này tuy làm lành mà chưa hưởng quả lành vì nghiệp ác đời trước mạnh hơn. Cũng có người đời này tuy làm ác mà chưa lãnh quả ác vì nghiệp lành đời trước mạnh hơn. Như có người đó nói năng khó nghe, sống không tốt nhưng gia đình bình an, tính cái gì trúng cái nấy, mua vé số cũng trúng nữa, làm như có Phật độ vậy. Không phải thế, mà vì họ đang hưởng dư báo đời trước.
Thành ra Phật dạy Phật tử phải cẩn thận, đời này chưa được quả lành, lại tạo ác thì đời sau càng sa vào đường ác. Nghĩa là mình đã tạo nhân lành, nhưng quả lành chưa tới thì phải cẩn thận dè dặt, đừng bán tín bán nghi rồi tạo nghiệp nhân không tốt. Đã tạo nghiệp nhân không tốt thì quả xấu sẽ đến khó tránh được. Người nửa đời trước làm lành, sau lại làm ác thì đời này nửa đời trước hưởng phước, nửa đời sau mắc tai họa. Tất cả những sinh khởi đó giao xen tùy theo sự tỉnh hay không tỉnh của mỗi người.
Nhân nói về diễn biến của nghiệp, chúng tôi nêu lên đức tỉnh. Đối với nghiệp hễ có gây nhân thì sẽ chuốt quả. Có nghiệp nhân mà không có quả báo, việc ấy chưa từng xảy ra. Có quả báo mà không có nghiệp nhân, việc ấy cũng chưa từng xảy ra. Phật tử nên hiểu rõ có nghiệp nhân thì có nghiệp quả. Tu tạo nhân lành sẽ có quả báo tốt. Không tu tạo nhân lành mà gây tạo nghiệp nhân bất hảo thì bị quả báo không tốt. Cho nên cần phải tỉnh sáng để tránh nhân xấu, ngừa tâm tham sân si dấy khởi, nó sai khiến chúng ta làm bậy, rồi chuốt quả khổ.
Chúng ta tu hành tức là chuyển hóa, sửa đổi chỉnh đốn từ nghiệp nhân. Dù chỉ một nhân nhỏ thôi, mà biết rằng nhân đó đưa tới quả báo không tốt thì cũng dè dặt không làm. Đó là người biết tu. Thấy rõ như vậy, hiện tại có những bất ổn chúng ta liền biết đây là gốc quá khứ còn tồn đọng, nhờ thế mình bình yên, tiếp tục tu tập, không nghi ngờ không chểnh mảng, nhất là rất cẩn thận với việc gây tạo nghiệp nhân mới.
Việc tu trong đạo Phật, đặc biệt là tu thiền, chư Tổ dạy: “Ta chẳng cầu đạo, cũng chẳng điên đảo, ta chẳng lễ Phật cũng chẳng khinh mạn, tất cả chẳng ngồi mãi cũng chẳng lười biếng, ta chẳng biết đủ cũng chẳng tham cầu v.v…” Tu theo tinh thần thiền là như vậy. Chúng ta không cầu đạo cũng không điên đảo. Bình thản an nhiên, sống được với ông chủ của mình, không khởi lên một niệm mong cầu gì. Không khởi niệm, không mong cầu tức là bình thường, không có điên đảo ngược xuôi. Đối duyên xúc cảnh cũng bình thường, không khởi niệm phân biệt. Muốn được thế đòi hỏi người tu phải có một sự thâm nhập. Ở đây không bắt buộc mình lễ Phật, nhưng cũng đừng có niệm khinh mạn nổi lên. Nhưng ta thì ngược lại, vừa lễ Phật vừa khinh mạn. Chẳng ngồi mãi cũng chẳng lười biếng, nghĩa là không ngồi thiền hoài nhưng cũng không phải là người lười biếng. Không là người biết đủ nhưng cũng không là người tham cầu, bình thản an nhiên tự tại. Đó là cách tu của người hành thiền. Hòa thượng Viện trưởng dạy, vừa có niệm dấy khởi liền buông, không để cho nó kéo lôi. Người được như vậy là có định. Có định liền có tuệ, định tuệ tròn đủ là tự tại giải thoát. Thành ra nói tu mà không có tu gì, nói hành đạo mà rất bình thường, cũng không có đạo để hành. Chỗ siêu thoát đặc biệt của pháp tu thiền là như thế.
Nói học Phật là bỏ ba vật và được bảy việc. Bỏ ba vật là gì ? Là bỏ tham sân si. Bây giờ ta không nói học Phật gì hết mà cứ bỏ tham sân si. Ta không nói tu gì hết mà làm chủ được tham sân si thì đã có tu. Tóm lại, người tu theo tinh thần thiền là người làm chủ được ba nghiệp, làm chủ tham sân si. Làm chủ như thế nào ? Gặp cảnh tham không động, chứ không phải tụng kinh, lạy Phật, đi chùa thật nhiều lần. Như có ai đem vé số nói mua vé này ngày mai trúng bao nhiêu triệu đó, mình nói thôi, tôi không biết cất tiền ấy ở đâu, mỗi ngày tôi làm sống được rồi. Đối với sự việc trái ý mình không nổi giận đùng đùng là làm chủ được sân. Đối với si, tức là những vọng tưởng lăng xăng điên đảo, mình làm chủ được, không chạy theo nó là làm chủ được si. Đó là ba vật mà người tu thiền phải thực tập cho được. Trị tham trị sân trị si là trị nơi mình, nghiệm nơi mình, giải quyết việc của mình, chứ không phải của ai. Thế nên chúng ta phải tập trung lo liệu.
Khi tham sân si tới, tụng kinh đâu có cản kịp, mà lúc đó ta cũng chẳng thể tụng được câu chữ nào. Chỉ có người hằng ngày từng áp dụng trị liệu, từng nhắc nhở mình tỉnh giác, mai ra có thể dừng được, chứ tới lúc đó tụng kinh cũng không giải tỏa được.
Nói đủ bảy việc là bảy việc gì ? Là Đại từ, Hoan hỷ, Vô ngã, Dũng mãnh, Nhiêu ích, Hàng ma, Vô chứng. Đó là những công đức sinh ra từ quá trình tu hành của chúng ta. Vị nào tu lâu, tiến dần lên thành Bồ-tát thành Phật thì đầy đủ đại từ đại bi đại hỷ đại xả. Dũng mãnh là mạnh mẽ tiến tới trong công phu, không bao giờ thối chuyển. Nhiêu ích là làm ích lợi cho chúng sanh mà không mong cầu gì cho mình. Hàng ma là đầy đủ trí tuệ và năng lực nhiếp phục các thứ nội ma ngoại ma. Vô chứng là không nghĩ mình có chỗ được, có chỗ chứng đắc, dù công phu đã viên mãn, thành tựu giác ngộ giải thoát như chư Phật.
Có người đặt vấn đề, tu hành là mong cầu chứng quả Phật, tại sao lại nói vô chứng ? Họ đặt câu hỏi đó đúng không ? Đúng chứ. Tại vì nhiều người nghĩ rằng Phật ở đâu đó, mình cầu để được. Nhưng theo quan niệm của Phật giáo, Phật là tâm của chúng ta. Phật ở ngay nơi chúng ta, là ta, chứ không phải cầu ở đâu hết. Cho nên khi nghe hỏi Phật là gì, tự nhiên ta giựt mình. Lâu nay mình nói lơ mơ tu để thành Phật, như vậy Phật ở đâu mà thành ? Khi biết Phật ở chính nơi mình, chúng ta sẽ xác định được mục tiêu và đường hướng tu tập vững vàng, công phu an ổn, không có gì hồ nghi nữa.
Trước nhất là “chớ khởi quán hạnh.” Phật là giác, không cho mình khởi cái gì hết. “Cũng chớ lóng tâm, chớ khởi tham sân, chớ ôm lòng lo buồn, rỗng rang không ngại, mặc tình tung hoành, chẳng làm các việc thiện, chẳng làm các việc ác, đi đứng nằm ngồi, mắt thấy gặp duyên thảy đều là diệu dụng của Phật.” Cho nên Phật tức là tâm của mình. Tâm của mình thì ai cũng có. Chứ không nói Phật Thích-ca, Phật A-di-đà, Phật Dược Sư v.v… Chúng ta tu thì phải khởi phát, nhận ra và hằng sống với Phật tâm đó. Đã sống với tâm Phật rồi thì không làm ác, không làm lành, không tham sân, không lo buồn, rỗng rang sáng suốt, mặc tình tung hoành. Nghĩa là tâm thể rỗng rang sáng suốt, tự tại vô ngại, giải thoát, không vướng mắc.
Bài pháp đầu tiên Lục tổ Huệ Năng nói cho Huệ Minh nghe là “Không nghĩ thiện không nghĩ ác, cái gì là bản lai diện mục của Thượng tọa Minh ?”. Ngay câu nói này ngài Huệ Minh bừng ngộ. Bài pháp nghe ra quá giản dị nhưng thật độc đáo. Khi nào chúng ta tự đặt câu hỏi đó cho chính mình, xem không nghĩ thiện không nghĩ ác cái gì là mình ? Đây chính là chỗ không có quán hạnh, không khởi tâm, bình thường an nhiên. Bài pháp như thế người xưa cho là “Một giọt sữa sư tử làm tan sáu đấu sữa lừa”, tuy bình thường giản dị mà nó đủ sức triệt hóa học nhân.
Trong quá trình tu hành, huynh đệ phải tìm hiểu chỗ này. Bên trong phải có cái tâm giác sẵn, khi gặp duyên khai thị mình mới bừng ngộ được. Thiền sư tuy bên ngoài vẫn đối duyên xúc cảnh nhưng bên trong cả một công phu. Cho nên các ngài nghe một tiếng động, thấy một chiếc lá rơi, bị ăn gậy… đều có thể ngộ đạo. Như ngài Hương Nghiêm Trí Nhàn sau khi nghiên cứu hết kinh điển vẫn không trả lời được câu hỏi của ngài Quy Sơn, ngài thôi không theo chữ nghĩa nữa, trở về chỗ của Quốc sư Huệ Trung lập thảo am tu tập, làm tăng cơm cháo qua ngày. Cho tới một hôm nhân cuốc đất, hòn sỏi văng lên chạm vào cây trúc phát ra âm thanh, ngài ngộ đạo. Quả thật bên trong có một quá trình tu tập liên tục, chớ không phải hời hợt, không phải giản dị bình thường đâu. Nuôi dưỡng công phu liên tục, sống như vậy mới có ngày xong việc.
Có nhiều vị tu nghe tiếng gió, cành tùng hay vật gì chạm nhau liền ngộ đạo. Thậm chí có những vị ngồi thiền buổi khuya nghe hương đăng làm rơi bao nhang xuống đất chợt ngộ đạo. Chúng ta phải có một công phu tương đối, được nuôi dưỡng liên tục thì việc ngộ đạo không quá tầm tay. Hòa thượng thường nói sáng được việc của mình, làm chủ được mình. Sáng được việc của mình là gì ? Là việc sinh tử, là việc mà mình đã mắc mứu từ lâu nay, đó là việc lớn nhất, không ai có thể thay chúng ta được, chỉ có mình đảm đang, giải quyết cho mình thôi. Nói vấn đề sinh tử trọng đại nhưng quý vị biết, sinh cũng không mà tử cũng không. Bởi vì như Phật nói sinh cũng giả mà tử cũng giả. Quả như vậy, sống trong cuộc đời này không có cái gì thật hết, có chăng là những mộng mơ, một lúc nào đó rồi vỡ mộng. Như vậy chúng ta ôm giữ để làm gì ?
Đối với tinh thần ngộ đạo, ở đây nói: Tu là căn cứ từ tâm, ngộ là nhận và sống được với tâm thể của mình. Chúng ta có thể thực hiện điều đó ngay trong cuộc đời này. Người không bị kéo lôi, không bị động bởi những cảnh duyên thì có định tuệ hiện tiền, tức là Phật tâm sáng ngời hiện trước. Nói đến chữ tâm, trong kinh có câu: Trăm ngàn pháp môn đồng về một tấc vuông, diệu đức nơi hà sa thảy ở nơi nguồn tâm. Tất cả môn giới định tuệ, thần thông biến hóa thảy đều đầy đủ nơi tâm ngươi. Tất cả phiền não xưa nay đều không lặng, tất cả nhân quả đều như mộng huyễn, không có tam giới có thể ra, không có bồ-đề có thể cầu v.v…
Đôi khi nói tâm mà chúng ta không biết, tâm là gì ? Như nói tất cả pháp môn đồng về một tấc vuông, nghĩa là tất cả pháp môn đều về chỗ đó. Hay là nói ngược lại, tất cả pháp môn đều phát xuất từ tâm. Khi tâm bất động, không bị động bởi cảnh duyên nào hết thì chúng ta sẽ thấu thoát tất cả, sẽ nhận ra tâm thể rỗng rang sáng suốt trùm khắp của mình. Thành ra nói tâm tức là nói đến diệu đức, thần thông biến hóa, tất cả công đức diệu dụng của tâm thể thanh tịnh. Tâm chúng ta đầy đủ tất cả những thứ đó, nhưng vì mây phiền não che đậy nên chưa hiển lộ, chứ không phải không có. Nên chỗ nhắm của người tu hành là làm sao nhận và hằng sống được với tâm ấy.
Nếu căn cứ trên bản tâm chân thật mà tu thì người ngồi thiền giỏi cũng tâm thể rỗng rang sáng suốt, người không ngồi thiền được mà nhận ra bản tâm này rồi thì cũng rỗng rang sáng suốt sáng suốt. Đỉnh cao, chỗ nhắm của chúng ta là ở đó. Thành ra nói tâm là nói đến tâm thể rỗng rang sáng suốt của chính mình. Tâm này có sẵn, không phải vay mượn ở đâu, không phải dời đổi của ai, nhưng vì chưa nhận ra nên mình không sống được với nó. Bây giờ nhân học Phật pháp, chúng ta biết mỗi người có tâm thể rỗng rang sáng suốt thì nhận lại, sống lại với cái tâm chân thật ấy.
Mỗi hành giả tùy theo công phu tu mà có chỗ ngộ khác nhau, không cố định. Như Thượng toạ Thần Tú tuy đã là giáo thọ của năm trăm chúng, nhưng chỗ nhận không thẳng tắt như Lục Tổ Huệ Năng nên ngài làm kệ trình Ngũ Tổ thật khó khăn. Trong khi đó, Lục Tổ chỉ trong chớp mắt đã có thể làm một bài kệ khiến cho Ngũ Tổ cũng như toàn thể đại chúng ngạc nhiên. Đó chính là chỗ thâm nhận thâm đạt sâu cạn khác nhau, không có chuẩn mực dành riêng cho ai cả.
Ở đây nói đến phần hành tức là nói đến công phu. Hằng ngày chúng ta sinh hoạt, tu tập như thế nào ? Ở đây Tổ nói cảnh duyên không tốt xấu, tốt xấu khởi nơi tâm. Nếu tâm chẳng theo danh thì vọng tình từ đâu khởi. Vọng tình đã chẳng khởi thì chân tâm mặc tình biết khắp. Cảnh duyên bên ngoài vốn không có tốt xấu, tất cả dấy khởi là do tâm vọng. Bây giờ chúng ta tu trị cái tâm vọng động thì cảnh duyên bên ngoài tự yên theo. Nói tới công phu tu hành tức là nói trị vọng tưởng. Biết nó là vọng tưởng đừng để nó dẫn đi thì trị được nó. Nếu chưa biết nó là vọng, còn lầm nên mới bị nó dẫn đi. Còn đã biết nó là vọng tưởng thì nó sẽ không làm gì được mình.
Hòa thượng Viện trưởng dạy, biết những dấy niệm là vọng liền được định tức thì. Khi đã định thì trí tuệ Bát-nhã phát sanh. Vì thế nói cảnh duyên sinh khởi chung quanh không tốt xấu, mà tốt xấu từ nơi tâm vọng tưởng của mình. Có tốt có xấu thì thuận theo tốt xấu mà tiếp tục phát khởi vọng niệm, càng cách xa với tâm chân thật. Cho nên người tu thiền tâm thể rỗng rang, hành mà không hành. Biết cảnh duyên không thật, nên không bị động bởi bất cứ hiện tượng nào. Người được như vậy là người tự tại đối với các pháp. Sở dĩ có như vầy như khác là do vọng tưởng điên đảo, mình chưa chủ động được. Một khi ta chủ động được rồi thì cảnh duyên không có tốt xấu nữa.
Theo sự hướng dẫn của Hòa thượng, vừa có một niệm dấy khởi liền biết nó là vọng tưởng, không thiệt, chúng ta không theo. Biết nó không thiệt là trí tuệ Bát-nhã hiện tiền, đó là tuệ. Người có công phu vững vàng thì không sợ vọng tưởng, không sợ cảnh duyên, không sợ gì hết, lúc nào cũng bình thường an nhiên. Bên ngoài tiếp cận thế sự lăng xăng nhưng bên trong không thể thiếu khuyết được. Người tu thiền là người nhận và sống được với tâm thể an nhiên của mình.
Cảnh duyên bên ngoài không tự nói tốt xấu, tất cả đều do vọng tưởng mà ra. Có bao giờ chiếc xe hơi tự nó nói nó đẹp, cái nhà tự nó nói nó chắc đâu, con người bày ra đặt cho nó là đẹp, là bền chắc, rồi mắc mứu vào đó. Nghĩa là chúng ta dùng phương tiện rồi bị phương tiện kéo lôi, quên mất hẳn mình. Bây giờ ta tỉnh lại, biết rõ phương tiện là phương tiện, mình tạm dùng phương tiện để sống và tu cho tốt thôi, chớ đừng để phương tiện kéo lôi, làm lầm mình. Cái nhà là cái nhà, chúng ta không lầm chút nào hết. Vì vậy nên cái nhà hư ta cũng bình thường, thân này bệnh hoạn ta cũng bình thường, cho tới thân này hoại diệt chết đi ta cũng bình thường. Điều này nói nghe dễ, chứ thực hành khó lắm. Nó bệnh ta lo chạy thuốc tiên thuốc thánh cho nó mau mạnh, muốn nó sống hai ba trăm năm, tính chuyện lâu dài bằng trời bằng đất. Trong khi đó Phật nói thân này là đồ bỏ. Phật không nói cái nào thật hết. Thân không thật, cảnh không thật, tâm không thật. Nhưng chúng ta vẫn cứ lầm. Bởi lầm nên phải tu để đừng lầm nữa. Hết lầm là giác, giác là Phật. Phần hành của chúng ta là như vậy.
Với người tu thiền, cố gắng làm sao ở tất cả chỗ mà không trụ tướng, ở trong tướng ấy không sanh yêu ghét, chẳng lấy chẳng bỏ, chẳng nghĩ việc lợi ích, thành hoại, an ổn, thanh tịnh gọi là người hằng sống được với tâm thể. Điều này hơi khó. “Ở tất cả chỗ không trụ tướng”, nghĩa là ở đâu cũng bình thường thôi, không trụ không dính không mắc mứu vấn đề gì cả. “Ở trong tướng ấy không sanh yêu ghét”, nghĩa là trong cuộc tương giao đời sống hằng này, không để cho niệm yêu ghét khởi lên. Mình sống an nhiên trải dài một niệm thanh tĩnh sáng suốt đối với tất cả, không ôm giữ tham đắm gì hết. Nói tới chỗ này đòi hỏi chúng ta phải có trí tuệ, công phu sâu dày một chút. “Không yêu ghét, chẳng lấy chẳng bỏ, chẳng nghĩ việc lợi ích, thành hoại, an ổn v.v… gọi là hằng sống”. Hòa thượng thường dạy là sống được với tánh giác. Hằng sống với tánh giác là sống như thế nào ? Tánh giác là gì ? Trong đó nếu chúng ta còn trụ chỗ này chỗ kia, còn bị kẹt bị vướng bởi những sự kiện bên ngoài thì không sống được với tánh giác. Chúng ta còn muốn được cái này bỏ cái kia là không sống được với tánh giác. Người sống được với tánh giác là người an ổn, người thanh tĩnh.
Trở lại vấn đề công phu, chúng ta phải ngừa trước niệm tắng ái. Tắng là ghét, ái là thương. Thường người ta hay nói vị đó hay vật đó cảnh đó dễ thương quá hoặc dễ ghét quá. Thật ra thương ghét cũng tự mình thôi. Đối với người tu làm sao trị được bệnh tắng ái trước tất cả cảnh duyên. Niệm ái không xong mà niệm tắng cũng không được, phải làm sao bình thản trước hai thứ ấy, mới không bị nó dẫn đi, không bị nó trói buộc. Một khi đã vướng vào tắng ái rồi thì phiền não dấy khởi, rất khó diệt trừ. Vì vậy với người tu Phật, tắng không nên mà ái cũng không được. Dẹp niệm tắng ái quí vị sẽ bình ổn. Thế nên chúng ta phải ngừa trước, đừng để nó sinh khởi, khó trừ khó bỏ lắm.
Chúng ta dùng thân này như một phương tiện để tu. Vì thiếu nó mình không biết căn cứ vào đâu để tu. Tuy nhiên khi sử dụng thân nhớ chỉ xem là phương tiện, không đặt thêm cái gì khác. Bởi là phương tiện nên trong giai đoạn nào mình dùngtheo giai đoạn đó, tới lúc dùng không được thì cũng bình thản. Nó muốn hoại, còm xuống, đi không nổi ta vui vẻ cảm ơn nó, không lo sợ, không buồn khổ, không cầu khẩn ỉ ôi gì. Chúng ta thường khác với đức Phật. Như Phật nói thân này đồ bỏ, mình cũng nói đồ bỏ nhưng lượm lại để xài, không bỏ thiệt. Do vậy tới lúc đáng lẽ phải bỏ, mình lại cầu cạnh, muốn cho nó được tồn tại hoài. Đó là cái lầm của chúng sanh.
Ngoài thân ra, Phật nói vọng tưởng mà ta thường gọi là “tâm tôi” cũng đồ bỏ, nó không thật. Nhưng ta nói nó là tâm thật của mình. Phật tử nếu nắm vững và áp dụng đúng lời Phật dạy thì sẽ thấy an lạc tức thì. Chúng ta sử dụng thân này như phương tiện, tâm cũng phương tiện, nhà cửa là phương tiện, tất cả mọi thứ mình gầy dựng từ bao nhiêu lâu đều là phương tiện. Đã là phương tiện thì nó có giới hạn, có giai đoạn. Giai đoạn còn thì mình sử dụng theo cái giai đoạn còn, giai đoạn không còn nữa thì cũng bình thường. Thấy được bình thường như thế là làm chủ được các pháp, hằng sống với tánh giác. Người thấy được đến nơi đến chốn thực tánh của các pháp gọi là người Kiến Đế, là người thấy được chân lý. Nói thân là đồ bỏ, mình thấy quả thực nó là dồ bỏ, đó là thấy được lẽ thực rồi. Nếu có cái nhìn như vậy, chúng ta sẽ bình thường đối với cuộc sống này. Từ sự mất mát, sự hình thành, sự tan hoại, mọi sự cố trong cuộc đời giữa mình với người chung quanh đều bình thường. Cái bình thường ấy nhà thiền gọi là đạo.
Tóm lại, chúng tôi nói vấn đề nghiệp báo để Phật tử vững niềm tin rằng đối với nghiệp phải trải dài qua những giai đoạn trước, giữa và sau. Kế đến vấn đề tâm thể, chúng ta phải tu học làm sao để đối với cảnh duyên không bị mắc mứu, không kẹt niệm tắng ái, mình bình thản. Có thế mới thể hiện được phần nào tinh thần giải thoát của đạo Phật. Ngoài ra đối với thân này và tâm giả tạm, ta sử dụng trong giới hạn của phương tiện. Dùng nó để tu, để làm tất cả những việc công đức trong khoảng nào đó. Biết như vậy rồi được mất không làm ta sợ hãi. Đó là chỗ sống đạo của người tu thiền. Người sống được với tâm thể là sống được với tâm bình thường, luôn an nhiên tự tại giữa mọi thăng trầm trong cuộc đời.
Được gắn thẻ , , , , ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *