Hòa Thượng Tịnh Không, Lời dạy của đức phật

Trong hết thảy nhân thiện “Niệm Phật” là việc thiện hạng nhất

Trong hết thảy nhân thiện, đức Phật nói với chúng ta niệm Phật là việc thiện hạng nhất, đặc biệt là niệm A Di Đà Phật, thiện nhất trong các việc thiện, chẳng có việc gì hơn việc này. Niệm Phật là nhân, thành Phật là quả, quả báo này thù thắng vô cùng. Đây thật sự là một pháp môn đốn siêu, nghĩa là vượt ngang ra khỏi tam giới, tức sanh thành Phật, thành Phật ngay trong đời này. Nếu họ thật sự hiểu rõ, chân chánh giác ngộ thì họ sẽ quay đầu lại, đây cũng chứng minh thiện căn, phước đức, nhân duyên từ vô lượng kiếp của họ đã chín muồi.
Nói thật ra hạng người như vậy chẳng nhiều, chúng ta coi có bao nhiêu người học Phật, người tu hành, tập khí còn chưa đoạn, chúng ta có thể nhìn thấy rõ ràng khi họ xử sự, đãi người, tiếp vật trong đời sống hằng ngày. Họ vẫn còn tham, sân, si, mạn, và vẫn không coi niệm Phật là việc quan trọng nhất. Niệm Phật tốt nhưng họ để ở hạng nhì, hạng ba, vẫn coi danh văn lợi dưỡng là hạng nhất. Đời này họ có thành tựu hay không? Rất khó, quá khó! Rất khó thành tựu. Vậy là chứng tỏ thiện căn niệm Phật của họ chẳng mạnh lắm, sức mạnh của tập khí ác vô cùng lớn mạnh, đời này như đời quá khứ cũng kết duyên với A Di Đà Phật, nhưng đời này vẫn chẳng vãng sanh nổi. Muốn chân chánh vãng sanh là phải triệt để buông xuống. Bởi vậy chúng ta muôn vàn không thể coi thường những ông cụ, bà cụ, đừng coi thường họ chẳng biết chữ, chúng ta coi thường họ là người không có trí thức, coi họ rất nghèo hèn, chẳng có địa vị trong xã hội, chẳng ai coi trọng họ. Thường thì hạng người này đều thật sự đi làm Phật, họ thật sự đều buông xả. Chúng ta cứ tưởng mình thông minh, rất có tài năng, cuối cùng vẫn trôi lăn trong lục đạo luân hồi, vẫn phải đọa ba đường ác. Cho nên tu đạo thì thật thà là quý nhất, chuyện phiền phức của chúng ta là chẳng chịu thật thà, nghĩ muốn nhường bước nhưng chẳng thoái lui hoàn toàn, muốn thoát ly lục đạo luân hồi nhưng vẫn chẳng xả bỏ chỗ này nổi, vẫn còn lưu luyến rất nhiều sự việc ở đây!
Chính vì nguyên nhân như vậy nên đức Phật mới dạy người tu hành, răn dạy đệ tử “lấy khổ làm thầy”, lời này rất có lý. Nếu chúng ta sống đời sống rất khổ thì sẽ không lưu luyến thế gian này. Đây là nói rõ ‘giàu sang học đạo khó’, ở nơi đây bạn có vui sướng, có hưởng thọ nên bạn sẽ lưu luyến, chẳng buông xuống nổi, lối thoát của bạn sẽ khó khăn phi thường. Bạn hãy suy nghĩ cặn kẽ thì sẽ thấy đức Phật nói những lời ấy rất có lý. Chúng ta muốn thật sự buông bỏ tham, sân, si thì tự mình phải làm sao? Phải ngược đãi mình một chút; vậy là một người sáng suốt, một người giác ngộ. Chúng ta xem cư sĩ Lý Mộc Nguyên là một tấm gương rất tốt, ông thường thường chịu đói, chúng ta đều nhìn thấy, tại sao vậy? Ông nói:] Tôi muốn ngược đãi tôi. Khi thân thể không khỏe, không tốt thì tôi không ăn cơm; ông cũng không đi khám bác sĩ, cũng chẳng uống thuốc. Thường thường sinh sống cực khổ nên chẳng lưu luyến gì đối với thế gian này, đây là điều rất chính xác.
Tôi theo học với lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam mười năm, thầy Lý mỗi ngày ăn một bữa, sau khi người khác nhìn thấy thức ăn của thầy [sẽ hỏi] ăn như vậy thì làm sao ăn nổi? Thầy sống qua ngày như vậy, mấy chục năm cũng như một ngày. Thầy tự nấu ăn, nồi và chén của Ngài chỉ là một, thầy dùng một cái chảo nhỏ có tay cầm [để làm nồi và chén]. Thầy là người tỉnh Sơn Đông, thường ăn mì, rất ít ăn đồ ăn, chỉ ăn vài cọng rau, thầy sống đời sống cực khổ như vậy. Nếu chư vị có cơ hội đến Đài Trung thì hãy đến Kỷ Niệm Quán của thầy Lý xem thử, trong đó có chưng bày các di vật của thầy. Quần áo của thầy đều được vá đi vá lại rất nhiều chỗ, thầy mặc quần áo rách. Ai vá cho thầy? Thầy tự vá. Người khác tuyệt đối sẽ chẳng vá cho thầy, nếu thầy đem quần áo nhờ người ta vá thì người ta nhất định sẽ bỏ vô thùng rác, mua quần áo mới cho thầy. Người ta cho thầy quần áo mới thì thầy liền cúng dường cho người khác, thầy tu phước đấy. Thầy vô cùng tiết kiệm, chẳng lãng phí những vật dụng thường ngày tí nào. [Thật đúng là] Bồ Tát hiện thân thuyết pháp. Chúng ta thấy cư sĩ Lý Mộc Nguyên cũng là nhân vật hạng nhất ở đây. Bạn coi ông ta tự mình cũng rất tiết kiệm, nhưng đối với đại chúng thì rất rộng rãi, niệm niệm đều vì lợi ích của chúng sanh. Đây là việc chúng ta phải cảnh tỉnh, phải cảnh giác, cực khổ một chút thì tốt hơn. Trong Giới Kinh thường nói “Tỳ-kheo thường mang ba phần bệnh”, đó là bệnh gì? Không phải là kêu bạn giả bệnh, ba phần bệnh tức là ăn không no, mặc không ấm, là dạy bạn việc này. Từng giờ từng phút cảnh giác thế gian khổ, biết khổ mới có tâm muốn thoát ly, nếu bạn chẳng nếm mùi khổ thì sẽ quên mất ý niệm muốn thoát ly [thế giới này].
TRÍCH TỪ BÀI GIẢNG KINH ĐỊA TẠNG BỒ TÁT (TẬP 29) HÒA THƯỢNG TỊNH KHÔNG GIẢNG.

 

Được gắn thẻ , , , , , ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *