Hòa Thượng Tịnh Không, Lời dạy của đức phật

Tin chân thành và phát nguyện thiết tha

Địa Tạng Vương Bồ Tát - Ngài Giáo chủ Cõi U Minh
Chúng ta vãng sanh đến Tây phương Cực Lạc thế giới đều toàn nhờ vào một câu Phật hiệu này. Nhưng chúng ta nên biết, chỉ niệm câu Phật hiệu này mà không phát Bồ Ðề tâm thì không thể vãng sanh. Ngẫu Ích đại sư nói cho chúng ta biết một cách đơn giản nhất và rõ ràng nhất là: “chân tín và thiết nguyện” (tin chân thành và phát nguyện thiết tha). Bạn thật tin, một chút cũng không hoài nghi. Bạn thật là muốn đến Cực Lạc thế giới, thật là muốn thân cận đức Phật A Di Ðà để tu học. Lòng tin và ý nguyện này là Bồ Ðề tâm. Sau đó chỉ cần bạn “nhất hướng chuyên niệm”; bạn có đầy đủ ba điều kiện này thì bạn có thể vãng sanh. Vãng sanh là một sự việc trọng đại, là một sự việc rất hy hữu (hiếm hoi ít có). Tất cả mọi thứ trên thế gian này đều là giả hết, chuyện gì trên thế gian này nếu có đầy đủ nhân duyên thì làm, nếu không có duyên thì tuyệt đối đừng khởi tâm động niệm. Nếu bạn lãng phí tinh thần và thời gian trên những sự việc thế gian này, để cho nhân duyên của việc trọng đại (vãng sanh) trong đời người trôi qua, đến đời nào kiếp nào bạn mới có thể gặp lại được! Phải nên cẩn thận, nhất định phải thận trọng!
Cho nên chúng ta là những người học Phật, tất cả mọi sự việc trên thế gian này đều phải tùy duyên. Những chuyện tốt đối với chúng sanh nếu có duyên thì mình làm; nếu không có duyên thì đừng phan duyên, điều này là quan trọng nhất. Chúng ta phải hiểu rõ và bắt chước làm theo những sự thị hiện của đức Phật Thích Ca, chư vị đại đức tổ sư, và chư vị Bồ Tát. Năm xưa đức Phật Thích Ca thị hiện làm gương cho chúng ta noi theo; ngài thị hiện 30 tuổi thành Phật, đại triệt đại ngộ minh tâm kiến tánh thì gọi là thành Phật. Thành Phật là thành tựu viên mãn trí huệ, viên mãn giác ngộ. Trí huệ và giác ngộ viên mãn rồi thì giáo hoá chúng sanh, một đời làm công việc giáo dục; dạy học cũng là tùy duyên.
Cho nên có câu nói “Phật không độ người không có duyên”. Có cơ hội gặp được thì gọi là có duyên. Không có duyên thì không gặp được, đức Phật sẽ không đốt đèn đi khắp nơi để tìm, không có đạo lý này! Ai gặp được thì người đó có duyên. Ðức Phật diệt độ cho đến ngày nay, tuy là ngài không còn tại thế, kinh điển còn được lưu lại trong thế gian này, chúng ta có thể gặp được kinh điển thì là có duyên. Không gặp được kinh điển thì không có duyên. Nếu gặp được kinh điển mà bạn còn có thể đọc tụng, có thể hiểu rõ, có thể tin tưởng, có thể noi theo đạo lý và phương pháp trong kinh điển mà tu hành, thì bạn sẽ thành công!
Quan trọng nhất là chúng ta phải buông xả thân tâm thế giới. tức là buông xả vọng tưởng, buông xả phân biệt, và buông xả chấp trước. Nếu được như vậy là chúng ta có thể “liên lạc, nói chuyện” với chư Phật Bồ Tát, có thể phá bỏ ranh giới [của chúng ta và chư Phật]. Hôm nay chúng ta học Phật nhưng không thể đột phá được là vì lý do gì? Tại vì bạn vẫn còn chưa buông xả. Cho nên lỗi lầm này là của chính mình, không phải của Phật, cũng không phải vì kinh điển, tại vì chính mình. Tự mình tin không thật tình, vẫn còn hoài nghi, hãy còn chấp trước, thế thì không còn cách nào khác nữa. Cho dù chư Phật Như Lai ở ngay trước mặt cũng không thể giúp bạn được, điều này là việc của bạn. Cho nên sự lợi ích của việc vãng sanh về Cực Lạc thế giới là có vô lượng thọ mạng, vô lượng phước báo.
[Nói người vãng sanh về Cực Lạc có] Vô lượng trí và vô lượng giác là một cách nói chung. Trong kinh còn nói đến vô lượng quang và vô lượng thọ, ý nghĩa này rất hay. Vô lượng quang, quang là quang minh chiếu khắp, tượng trưng cho không gian. Vô lượng thọ, thọ mạng là tượng trưng cho thời gian. Tất cả sự vô lượng trong vô lượng thời gian và không gian đều hoàn toàn đầy đủ, một thứ cũng không thiếu. Cho nên mới nói: “Phật thị môn trung hữu cầu tất ứng”. Tại sao có cầu thì liền có [cảm] ứng? Tại vì tất cả đều là vốn sẵn có trong tự tánh của bạn. Trong tự tánh của bạn vốn sẵn có đầy đủ vô lượng trí huệ; khi trí huệ hiện ra thì vô lượng tài nghệ đức năng cũng sẽ hiện ra; sau đó thì vô lượng tướng hảo, tức là vô lượng phước báo cũng sẽ hiện ra.
[LỢI ÍCH CỦA SỰ NIỆM PHẬT – PHÁP SƯ TỊNH KHÔNG]
Được gắn thẻ ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *