Ấn Quang Đại Sư, Lời dạy của đức phật

Mười sáu cách lưu thông Kinh sách hữu ích cho thế đạo nhân tâm

Mười sáu cách lưu thông Kinh sách hữu ích cho thế đạo nhân tâm
1) Toàn thí lưu thông (lưu thông bằng cách bố thí hoàn toàn): Khẳng khái bỏ ra khoản tiền lớn để in ra nhiều bộ, hoàn toàn thí tặng, chẳng lấy đồng nào, công đức rất lớn. Chuyện này chỉ người có sức mới làm được. Nếu không có sức thì in ké vài phần hoặc thay người ta giảo duyệt chữ, hoặc thay người ta quyên mộ, hoặc hoan hỷ tán thán khiến tâm bố thí của người ta vững vàng thì cũng có công đức không gì lớn hơn.
2) Bán thí lưu thông (Lưu thông bằng cách cúng thí một phần): Hoặc giúp tiền mua giấy, hoặc giúp tiền in, hoặc giúp trình bày, sửa chữa, hoặc đăng quảng cáo, hoặc giúp chuyên chở, tùy tiện phát tâm, dùng nguyện nhỏ nhoi của mình để giúp cho hành vi thù thắng này được thành tựu, đều gọi là thí, còn gọi là “bán thí”. Tuy gọi là bán thí, nhưng nếu xuất phát từ lòng chí thành hoan hỷ, làm chuyện này không kiêu căng, không khiếp sợ, thệ nguyện trọn vẹn, công đức sẽ thù thắng.
3) Kỳ phước lưu thông (Lưu thông do cầu phước):Cầu danh, cầu lợi, cầu con, cầu thọ, nếu có thể tùy sức ấn thí thì sở nguyện ắt trọn. Nếu do cha mẹ mắc bệnh cầu mau được lành, hứa nguyện in thí, lòng chí thành cảm động thiên địa. Nguyện này vừa phát liền thấy linh ứng.
4) Sám hối lưu thông: Con người chẳng phải là thánh hiền, ai mà không lỗi! Nhưng thiên đạo họa dâm chẳng phạt tội người hối lỗi. Con người phải biết sửa lỗi và sớm sám hối tội bèn lưu thông kinh điển để chuộc tội. Tận lực kiên quyết hành như thế thì túc chướng tự tiêu.
5) Báo ân lưu thông:Con cái chịu ân sâu của cha mẹ, cây muốn lặng nhưng gió chẳng ngừng, sức con phụng dưỡng được nhưng cha mẹ chẳng còn. Đau buồn nhưng biết làm như thế nào? Chỉ nên ấn tống kinh điển đã có thể tạo phước ngầm cho người khuất, tận hết lòng hiếu thuận. Thật mong con cái trong khắp cõi đời đang ôm mối hận suốt đời hãy đều tận lực thực hành.
6) Mẫn thương lưu thông (thương kẻ chết non mà lưu thông): Không duyên không oán chẳng thành cha con. Duyên tận bèn lìa, oán tiêu sẽ đi. Đứa con dĩnh ngộ khác lạ tuổi trẻ chết yểu, ở đâu cũng có chuyện như thế. So với chuyện lãng phí tiền bạc để làm chuyện vô vị thì chẳng bằng in kinh tạo tượng để giúp cầu siêu, cứu bạt. Phàm những bậc cha anh hiền thiện rất nên khởi xướng phong khí này.
7) Cát khánh lưu thông (lưu thông kinh điển khi gặp dịp vui mừng, may mắn): Gặp những chuyện như thành danh được lợi, dựng nghiệp, xây cất, nhậm chức, thăng cấp, cưới hỏi, sanh con, tiệc thọ v.v… đều nên kiêng giết để khỏi tạo oan nghiệt. Hãy nên in kinh điển để kéo dài phước trạch.
8) Quỹ tống lưu thông (lưu thông bằng cách biếu tặng): Lễ mừng, lễ tiễn, lễ gặp mặt… những thứ qua lại để thể hiện tình cảm phải dùng đến lễ vật đều có thể thay bằng kinh sách. Phổ nguyện những bậc hiền đạt trong nước nêu gương. Tương lai sẽ có hiệu quả thay đổi phong tục không ai hay biết.
9) Tuyên giảng lưu thông: Phàm những ngày mồng Một, Rằm hay ngày nghỉ, ở nhà thì tập hợp người nhà, trong làng thì tụ họp người làng, tùy theo trình độ mỗi người mà dẫn kinh điển làm chứng cứ để phương tiện tuyên nói, khiến người thất học cũng được thấm pháp, khiến cho sự giáo hóa lớn lao của bậc tiên thánh được phổ cập trong dân chúng, hiện tướng lưỡi rộng dài, phát vô ngại biện tài. Đây cũng là thiên chức phải nên thực hiện trọn vẹn của bậc tiên giác vậy.
10) Hàm độc lưu thông (lưu thông qua thư từ, bút thiếp): Bạn bè thân thiết qua lại nên giảm trừ những loại hư văn vô ích. Trước hết nên dẫn những lời vàng ngọc lập thân xử thế của bậc tiên triết để khuyến khích lẫn nhau, tận hết lòng thành “mượn đá nơi núi khác để làm hòn đá mài”. Tùy trình độ, tùy nhược điểm của mỗi người mà khuyên cho được lợi ích. Cuối thư liệt kê những kinh sách hữu ích cho người ấy gồm bao nhiêu loại để người ấy lấy đó làm chuẩn mực để xử thế.
11) Thiện tả lưu thông (lưu thông kinh điển bằng cách viết chữ đẹp):Người viết chữ đẹp hễ có ai cầu xin thư pháp bèn tuyển những câu chí lý, mẫu mực trong kinh sách để viết. Nhờ đó để sửa ngay lòng người, duy trì thế đạo, công đức ấy rất lớn. Chép được trọn thiên sách hoặc toàn bộ, cho lưu hành trong đời thì công đức ấy càng vô lượng.
12) Phiên ấn lưu thông (lưu thông bằng cách in lại, in thêm cho nhiều những kinh điển, tranh tượng đã được in): Kinh điển có lợi cho thế đạo nhân tâm, nếu không có bản quyền thì hãy tom góp tiền bạc in lại để rộng lưu truyền khiến cho cả cõi đời thực hành nhân nghĩa, chẳng đến nỗi bị bỏ phế, lao ngục trong thiên hạ trống rỗng, ấy chẳng phải là nền móng trăm năm muôn kiếp đó ư?
13) Mậu dịch lưu thông (lưu thông kinh điển, tranh tượng bằng cách buôn bán):Đối với những thiện thư do các nhà xuất bản hoặc do các hàn sĩ buôn bán bèn lưu hành rộng rãi để mở rộng mậu dịch, hoặc phát hành trong các nơi cử hành pháp hội thù thắng, hoặc bán trong các đô hội lớn nhằm tạo thuận tiện cho độc giả thì chẳng những là tạo phước mà còn được thêm tiền tài.
14) Lữ hành lưu thông: Gần đây, đường tàu thủy phát triển, đường xe lửa giao thông ngày càng thuận tiện. Xa xôi ngàn dặm sớm chiều đã đến nơi. Lữ hành đã thuận tiện, lữ khách ngày càng đông. Người truyền đạo hoặc lựa dịp truyền bá trên đường đi, hoặc mang những truyền đơn lưu thông kinh điển phát theo đường đi để mọi người được nhiều lợi ích bởi mưa pháp.
15) Quảng cáo lưu thông: Buôn bán lợi dụng quảng cáo thì sự mậu dịch ngày càng phát đạt. Bậc đại sĩ nên dùng cách thức tuyên truyền pháp mới mẻ này để giúp cho việc lưu thông đại pháp. Tùy thời nghiên cứu ngành quảng cáo học, ngõ hầu việc lưu truyền rộng rãi đạt được hiệu quả rộng lớn.
16) Công duyệt lưu thông (lưu thông bằng cách lưu hành nơi công cộng cho mọi người cùng đọc): Được kinh điển mà cất trên gác cao sẽ mắc tội; để xuông trên bàn chẳng để cho đại chúng biết đến thì cũng mắc tội. Những kẻ có căn cứ học vấn, dùng vô ngại biện tài, thích vì nhiều người tuyên nói những khuyết điểm của kinh điển thì dầu chẳng thể nói là có tội, nhưng cũng chẳng thể bảo là không lỗi. Hoằng dương đại pháp, giáo hóa chỉ dạy rộng rãi thì không gì hay bằng lập những thư viện kinh sách công cộng tại các nơi.
Mười sáu cách lưu thông trên đây dựa theo những nguyên tắc do các bậc tiên hiền đã định, hãy châm chước theo thời đại mà thực hiện.
Trích từ phần Phụ chú trong sách Ấn Quang Pháp Sư Tăng Quảng Chánh Biên do Như Hòa chuyển ngữ.
Được gắn thẻ ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *