Hòa Thượng Tịnh Không, Lời dạy của đức phật

Mọi chuyện trước kia, ví như hôm qua đã chết… – HT Tịnh Không

Mọi chuyện trước kia, ví như hôm qua đã chết... HT Tịnh Không
1. Phải mở rộng tâm lượng. Lấy sở trường của người khác, sửa đổi lỗi lầm của mình, đây tức là siêu thắng. Ưu điểm của người khác, ta hấp thụ nó, áp dụng nó. Khuyết điểm của người khác, ta vứt bỏ không áp dụng nó. Bù đắp lỗi lầm của mình, bù đắp sự thua thiệt của mình, đây là nghi thức cầu học của chư Phật Bồ Tát, tuyệt đối không phải thiển cận.
Bình thường chúng ta rất coi trọng nhất môn thâm nhập, trường thời huân tu. Đây là gì? Đây là dạy hàng sơ học, phải dùng phương pháp này. Sau khi khai ngộ, quảng học đa văn (học rộng nghe nhiều), không trái với *Tứ Hoằng Thệ Nguyện. Nhất môn thâm nhập, trường thời huân tu, là phiền não (tham,sân, si, mạn…) vô tận thệ nguyện đoạn. Phương pháp này là đối trị phiền não, tất cả phiền não đều đoạn tận, sau khi đại triệt đại ngộ, mới quảng học đa văn.
Quý vị xem, chúng ta nhất tâm nhất ý vào một bộ Kinh Vô Lượng Thọ (Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh), hoặc một bộ Kinh A Di Đà, niệm rốt ráo một câu Phật hiệu (A Di Đà Phật). Vì sao vậy? Vì vãng sanh thế giới Cực Lạc, mục đích là đây. Khi đến thế giới Cực Lạc, mỗi ngày nghe đức Phật A Di Đà giảng kinh thuyết pháp, không hề gián đoạn. Đây là “quang trung cực tôn, Phật trung chi vương” trong chư Phật, nghe ngài dạy dỗ, làm đệ tử Phật A Di Đà. Nghe như vậy vẫn chưa đủ, Phật còn dạy chúng ta đi tham bái khắp mười phương, năng lực này rất lớn. Cúng dường Phật là tu phước, nghe Pháp là tu huệ.
2. Nếu trong quá khứ không tu, hôm nay tuyệt đối ta không có nhân duyên được nghe danh hiệu của Phật, được học kinh điển của Phật, không có nhân duyên! Chúng ta có thể khẳng định, trong đời quá khứ chúng ta từng có nhiều đời nhiều kiếp tu hành. Vì sao không thành tựu? Chính là vì nghiệp chướng của mình quá nặng, cho nên tu học không có thành tựu. Căn cứ trong đời này mà nói, những cảnh giới này đều có thể lãnh hội được.
Chúng ta nghe Pháp, tiếp xúc Phật Pháp nhiều năm như vậy. Có người sơ học mới tiếp xúc mấy tháng, mấy tháng thành tựu là rất khả quan. Cổ nhân nói học Phật một năm Phật tại trước mắt, học Phật hai năm Phật ở trên trời, học Phật ba năm Phật biến thành mây khói, không còn nữa. Đây là gì? Là nghiệp chướng, tập khí (phiền não), ta không có năng lực kháng lại. Trong đời quá khứ bản thân tuy đã học, nhưng công phu không đủ, không đắc lực. Nếu trong đời quá khứ thiện căn sâu dày, công phu đắc lực, không bị cảnh giới bên ngoài xoay chuyển. Hạng người này học, khoảng mười năm, hai mươi năm, ba mươi năm, Phật đều ở trước mắt, không thay đổi.
Từ hiện tượng này chúng ta có thể lãnh hội rằng, trong đời quá khứ ta chắc chắn có học, thiện căn phước đức nhân duyên không đủ, đây đều do nghiệp chướng sâu nặng. Làm sao để bù đắp? Phương pháp bù đắp như cổ nhân nói: “Cần cù bù khả năng”. Cần cù trong Phật Pháp gọi là tinh tấn, chỉ có tinh tấn mới có thể bù đắp chỗ tu hành thiếu của ta trong đời quá khứ.
Tinh nói một cách đơn giản là phải chuyên nhất, đây là tinh. Không được học nhiều, không được học tạp, học nhiều học tạp là không tinh. Dùng sức nhiều mà thành tựu ít, nếu tinh tấn chuyên nhất, dùng sức ít mà thành tựu lớn, không giống nhau.
“Nhất môn thâm nhập, trường thời huân tu”. Phật tổ từ bi giáo huấn, chúng ta đã lơ là. Chúng ta từng nghe lời này, không phải chưa nghe, bản thân cũng nói được nhưng không thực hành. Chúng ta quan sát tường tận người tu hành thành tựu từ xưa đến nay, điều khiến họ tu hành thành tựu thực tế mà nói chính là ở nơi một chữ “cần”, tinh tấn. Cho nên trong Lục Độ (Bố Thí, Trì Giới, Nhẫn Nhục, Tinh Tấn, Thiền Định, Trí Huệ), Thập Độ (Bố Thí, Trì Giới, Nhẫn Nhục, Tinh Tấn, Thiền Định, Bát Nhã, Phương Tiện, Nguyện, Lực, Trí), tinh tấn là thiện căn hàng đầu của Bồ Tát, thiện căn có thể sanh ra tất cả thiện pháp. Chúng ta tu học, sai lầm chính là làm tinh lực chúng ta phân tán, thời gian phân tán. Cho nên học nhiều năm, chỉ học được chút thường thức bên ngoài, không đạt được tinh túy trong Phật Pháp, không nếm được pháp vị giống như người xưa nói. Nếm được pháp vị ta mới có pháp hỷ, gọi là pháp hỷ sung mãn, thường sanh tâm hoan hỷ, hoàn toàn khác nhau!
Cổ đức nói rất hay: “thế vị sao đậm bằng pháp vị”. Đa số mọi người đều tham đồ thế vị như danh văn lợi dưỡng, ngũ dục (tiền bạc vật chất, sắc đẹp, danh vọng địa vị, ăn uống, ngủ nghỉ) lục trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp), tham lam những thứ này. Tu học Thánh Hiền, Phật Pháp cũng dùng tham tâm để học, tham nhiều. Người ta học một thứ mình học mười thứ, người ta học mười thứ mình học 100 thứ. Kết quả người khác thành tựu, còn mình chưa thành tựu. Tham nhiều nuốt không trôi, đây là ăn tươi nuốt vội, như vậy là sai lầm, cần phải sửa đổi!
3. Ngày nay chúng ta gặp được Đại Thừa (Bồ Tát đạo). Cái gì là số một? Kinh Vô Lượng Thọ là số một. Tu pháp môn nào là số một, niệm Phật A Di Đà là số một. Có được tất cả. Trong tâm của quí vị lo lắng, sợ hãi, bất an, hoài nghi, quét một cái là sạch sẽ. Quí vị sẽ được tự tại (giải thoát), được đại an ổn.
Trong đời sống thường ngày có phương hướng, có mục tiêu, niệm niệm thông với Phật A Di Đà. Ở chỗ nhất tâm (tâm thanh tịnh, bất động). Không được có hai ý, hai ý sẽ phá hoại nhất tâm của quí vị.
Nhất tâm rất đáng quý. Đức Phật nói: “chế tâm nhất xứ, vô sự bất biện (chế ngự tâm một chỗ, không việc gì không xong)”. Hôm nay tôi chế tâm nhất xứ là thế giới tây phương Cực Lạc, thân cận Phật A Di Đà, quyết định sẽ mãn nguyện, quyết định sẽ thành tựu. Chúng ta dùng cái tâm này, ngày nay tu Tịnh Độ (pháp môn Niệm Phật), ngày nay sẽ tương ưng; ngày ngày tu Tịnh Độ, ngày ngày sẽ tương ưng.
Vẫn còn một khoảng thời gian ở thế gian này, tùy theo nhân duyên mà tự hành hóa tha (tu cho chính mình và hóa độ người khác). Thực tế mà nói, tự hành chính là hóa tha, hóa tha chính là tự hành, tự tha (mình và người) không hai. Cái tâm này chính là căn bản của những gì ngày hôm nay chúng ta tu hành.
(Pháp Sư Tịnh Không)
Chú thích:
*Tứ Hoằng Thệ Nguyện:
Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ,
Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn,
Pháp môn vô lượng thệ nguyện học,
Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành.
(Kinh Hoa Nghiêm)
———————
Được gắn thẻ ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *