Tịnh Độ

Niệm nhất Phật hiệu công đức vô lượng vô biên

NIỆM PHẬT A DI ĐÀ ĐƯỢC CẢM ỨNG
Trong kinh Văn Thù Bát Nhã nói: “Niệm nhất Phật hiệu công đức vô lượng vô biên, bằng với công đức của vô lượng chư Phật không khác”. Thế mới tin tưởng rằng thế nào gọi là “Vạn Đức Hồng Danh”, công đức này thật là viên viên mãn mãn. Kinh Hoa Nghiêm nói: “Một là tất cả, tất cả là một”. Một câu Phật hiệu bao gồm hết tất cả công đức một cách viên mãn bên trong. Cho nên chúng ta nương vào câu Phật hiệu này liền có thể nhập vào pháp giới của Phật, có thể thành Phật.
Kinh nói: ”Nếu có người đem thất bảo trong bốn châu thiên hạ cúng dường Phật, bồ-tát, duyên giác, thanh văn, thì được phước rất nhiều; nhưng không bằng khuyên người niệm Phật một câu, phước của họ hơn hẳn người cúng dường trên kia”. Nếu có người đem bảo tạng trong khắp thiên hạ như vàng bạc, lưu ly, trân châu, mã não,… đem đến cúng dường Phật, cúng dường bồ-tát, duyên giác, thanh văn, thì phước báo mà họ đạt được rất nhiều. Song, vẫn không bằng khuyên mọi người niệm một tiếng Phật.
Vì vậy, nếu bạn khuyên mọi người niệm một tiếng A-di-đà Phật, phước báo vượt hơn hẳn việc đem bảy báu trong thiên hạ đến cúng dường Phật, bồ-tát. Vì một câu A-di-đà Phật có thể khiến cho người trồng thiện căn trọn vẹn, cho đến hoàn toàn thành Phật. Tuy chúng ta đem bảy báu trong thiên hạ đến cúng dường Phật, bồ-tát, được rất nhiều phước báo, nhưng phước báo ấy có giới hạn, có cùng tận; còn thành Phật là phước báo vô lượng, vô tận.
Trong kinh Niết-bàn có một đoạn như sau: Đức Thế Tôn nói với nhà vua: ”Giả sử nhà vua lệnh cho mở quốc khố lớn nhất, trong một tháng đem bố thí cho tất cả chúng sanh, công đức đạt được không bằng người xưng một câu Phật, công đức này vượt hơn công đức bố thí trên kia, không thể tính kể được”.
Thông thường, người ta hay cảm thấy: Chuyên niệm một câu Phật hiệu, đơn giản như vậy thì công đức cũng chỉ được chút ít mà thôi. So với đoạn kinh vừa đề cập, chúng ta không phải là quốc vương, mà chỉ là thứ dân hèn. Chúng ta không thể bố thí liên tục suốt một tháng, mà chỉ là bố thí một cách ngẫu nhiên; cũng chẳng phải bố thí cho tất cả chúng sanh, mà đối tượng được chúng ta bố thí rất hạn chế, nên chỉ có được chút công đức cỏn con, vậy mà bản thân liền cảm thấy rằng việc ta làm được, so với niệm Phật là siêu xuất hơn nhiều.
Ở đây, đức Phật nói: “Đem hết quốc khố, trong vòng một tháng Bố thí cho tất cả chúng sanh, công đức có được không bằng người miệng xưng niệm danh hiệu Phật, công đức của người niệm Phật hơn hẳn người bố thí ở trước, không thể tính kể”, đây là lời được thốt từ kim khẩu của đức Thế Tôn, mọi người nên tin nhận.
Kinh Tăng nhất A-hàm ghi: ”Nếu có người đem tứ sự cúng dường cho tất cả chúng sanh trong Diêm-phù-đề, và nếu có người xưng danh hiệu Phật trong khoảng thời gian như vắt sữa bò, công đức vượt hơn người bố thí ở trên không thể nghĩ bàn.”
“Diêm-phù-đề” chính là địa cầu mà chúng ta đang cư trú; “tứ sự” là quần áo, đồ ăn thức uống, giường chiếu, thuốc men, đây là những vật dụng tất yếu trong sinh hoạt thường nhật của con người. Tất cả chúng sanh đều được bạn cung cấp đủ mọi thứ vật dụng này; nhưng nếu có người xưng danh hiệu Phật, dù chỉ trong khoảng thời gian ngắn như vắt sữa bò thì công đức đạt được vượt trội hơn công đức của bạn gấp bội, không thể nghĩ bàn.
Trong Đại trí độ luận, bồ-tát Long Thọ đưa ra ví dụ: “Ví dụ như có người, ở thời kỳ này vừa lọt lòng mẹ đã liền có thể một ngày đi một nghìn dặm, suốt một nghìn năm, đem đủ thứ thất bảo cúng dường lên chư Phật; cũng không bằng người trong đời ác sau này xưng niệm một tiếng A-di-đà Phật, phước của người này hơn người cúng dường kể trên”.
“Một ngày đi một nghìn dặm, suốt một nghìn năm”: Mọi người hãy thử dùng phép tính xem, một ngày đi được một nghìn dặm, mười ngày được một vạn dặm, một trăm ngày được mười vạn dặm, một năm 365 ngày thì được bao nhiêu dặm? Ba mươi sáu vạn năm nghìn dặm! Người này đi suốt một nghìn năm thì ước chừng bằng với việc đi vòng quanh địa cầu một nghìn ức vòng. “Đem đủ thứ thất bảo cúng dường chư Phật”: Người này mỗi ngày có thể đi một nghìn dặm, suốt một nghìn năm, lộ trình mà anh ta đi qua, trên đường toàn là thất bảo. Anh ta đem những thất bảo này đến cúng dường Phật, không phải là cúng cho phàm phu, cũng không phải là cúng cho a-la-hán, bồ-tát, mà là cúng dường cho đức Phật đã viên mãn quả vị Chánh giác. Công đức này có thể nói là chẳng thể nào nghĩ bàn được, vô lượng vô biên, thế nhưng: “Không bằng người ở trong đời ác sau này, xưng niệm một câu A-di-đà Phật, phước của người này hơn người cúng dường kể trên”: Công đức của người trong một nghìn năm, mỗi ngày đi một nghìn dặm, đem những thất bảo ở trên đường, đến cúng dường lên đức Phật, không sánh kịp với công đức của người trong đời ác sau này xưng niệm một tiếng “Nam-mô A-di-đà Phật”.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *