Tịnh Độ

Ba loại người sẽ được sanh về Tịnh Độ

Đức Phật Tịnh Độ

Quán Vô Lượng Thọ Kinh đặc biệt nhắc tới ba loại người sẽ được sanh về Tịnh Độ:

1. Loại thứ nhất là từ tâm, chẳng giết, đầy đủ giới hạnh, tức là hai điều thứ nhất và thứ hai trong Tịnh Nghiệp Tam Phước.

2. Loại thứ hai là đọc tụng kinh điển Phương Đẳng Đại Thừa, tức là điều thứ ba “phát Bồ Đề tâm, đọc tụng Đại Thừa” trong Tịnh Nghiệp Tam Phước.

3. Loại thứ ba là tu hành lục niệm, hồi hướng, phát nguyện, cầu sanh Tịnh Độ. Tâm thanh tịnh cảm ứng bổn nguyện của Phật. Hiểu rõ ràng chân tướng sự thật này thì phải nên phát tâm sốt sắng niệm Phật, Chánh Trợ song tu. Chánh Tu là tín nguyện trì danh, Trợ Tu là mười đại nguyện vương, ngũ hối, lục niệm. Sống trong xã hội hiện thời, dùng tâm tư thái độ này để xử thế, đãi người, tiếp vật, đấy chính là Chánh Hạnh của Phật giáo đồ.

“Duy Trì Danh nhất pháp, thâu cơ tối quảng, hạ thủ tối dị. Cố Thích Ca từ tôn, vô vấn tự thuyết, đặc hướng Đại Trí Xá Lợi Phất niêm xuất, khả vị: Phương tiện trung đệ nhất phương tiện, liễu nghĩa trung vô thượng liễu nghĩa, viên đốn trung tối cực viên đốn” (Chỉ có pháp Trì Danh thâu nhiếp căn cơ rộng nhất, thực hiện dễ dàng nhất, nên Thích Ca Từ Tôn, chẳng ai hỏi mà tự nói, đặc biệt hướng đến Đại Trí Xá Lợi Phất nêu bày. Pháp Trì Danh đáng gọi là phương tiện bậc nhất trong các phương tiện, là vô thượng liễu nghĩa trong các liễu nghĩa, là viên đốn tối cực trong các pháp viên đốn). Ý nghĩa được nêu trong đoạn văn này của Ngẫu Ích đại sư chính là cương lãnh, nguyên tắc của rất nhiều kinh luận Tịnh Tông. Nếu chú tâm quán sát thì những điều này bao gồm vô lượng pháp môn; trong vô lượng pháp môn, pháp môn Niệm Phật là thù thắng nhất. Đại sư nói ra những câu này rất khó có. Nếu Ngài chẳng phải thật sự là bậc trong quá khứ đã từng nghiên cứu thấu triệt hết thảy pháp môn, sẽ chẳng nói ra những câu này, cũng chẳng có gan thốt ra.

Do vậy, chúng tôi nghĩ rằng: Vì sao chư Phật, Bồ Tát, tổ sư, đại đức đều khuyên chúng ta trì danh niệm Phật? Chữ Cơ (機) trong câu “thâu cơ tối quảng” (收機最廣) chính là Căn Cơ. Căn cơ có ba loại thượng căn, trung căn, hạ căn khác nhau. Chẳng hạn như Lục Tổ đại sư của Thiền Tông nói rất minh bạch, Ngài tiếp dẫn kẻ thượng thượng căn; ngài Thần Tú tiếp dẫn người có căn tánh Đại Thừa. Trong Giáo Hạ như Hoa Nghiêm Hiền Thủ Tông thì đối tượng của họ là bốn mươi mốt địa vị Pháp Thân đại sĩ. Trong hết thảy kinh luận, mỗi một pháp môn nhằm chuyên độ một loại đối tượng nào đó. Chỉ riêng pháp môn Tịnh Độ là đối với tất cả những người có căn tánh bất đồng đều có thể tiếp nhận, trên đến Đẳng Giác Bồ Tát, dưới đến chúng sanh trong địa ngục, đều bình đẳng độ thoát. Thật là chẳng thể nghĩ bàn. Chỉ niệm một câu Nam-mô A Di Đà Phật liền có thể đắc độ. Thực hiện hết sức dễ dàng, có ai chẳng thể niệm? Vấn đề ở chỗ có chịu niệm hay là không, bằng lòng niệm hay là không? Thành tựu của pháp môn này lại viên mãn khôn sánh. Chẳng riêng gì người bình thường chẳng tin, ngay cả những bậc Bồ Tát, La Hán trong Tông Môn, Giáo Hạ cũng chẳng thể tin tưởng. Do vậy, chư Phật Như Lai gọi pháp này là “pháp khó tin”.

Lúc ấy, đức Phật quán sát thiện căn, phước đức của chúng sanh đã chín muồi, bèn không ai hỏi mà tự nói. Nói tới “thiện căn” thì chính là đức Phật nói ra pháp môn này, người nghe liền tin được, hiểu được. Nói tới “phước đức” thì chính là “có thể nguyện, có thể hành”. Pháp môn này không ai biết, đương nhiên chẳng có ai có thể hỏi được! Còn với đối tượng để tuyên nói, Phật bèn đặc biệt chọn ngài Xá Lợi Phất, vì Ngài là bậc trí huệ đệ nhất, không có trí huệ sẽ tuyệt đối chẳng thể tin tưởng pháp này. Cơ duyên thành Phật chín muồi, ắt phải có kinh điển để thành Phật. Kinh A Di Đà là căn bản để chúng sanh trong chín pháp giới viên mãn thành Phật ngay trong một đời. Nói như vậy thì chúng ta cũng có phần. Trong tất cả các phương pháp tu hành, pháp môn Niệm Phật thuận tiện bậc nhất. Đi, đứng, nằm, ngồi đều có thể tu hành. Nếu có ai không thích ta niệm, ta bèn niệm thầm. Chẳng câu nệ hình thức, chỗ nào cũng đều có thể niệm được!

(PHẬT THUYẾT A DI ĐÀ KINH YẾU GIẢI GIẢNG KÝ – PHẦN 2 – Pháp sư Tịnh Không giảng thuật )

Được gắn thẻ , , , ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *