Hòa Thượng Tịnh Không, Lời dạy của đức phật

Xem Phật giáo là mê tín là do chúng ta đã làm sai

Xem Phật giáo là mê tín là do chúng ta đã làm sai

Phật giáo là nền giáo dục gì? Dùng lời hiện nay mà nói là giáo dục xã hội đa nguyên văn hóa. Ai quản việc đó? Hoàng đế tự mình quản. Mục đích giáo dục của Phật giáo nằm ở đâu? Chúng ta cứ lấy thế gian pháp để mà nói, mục đích rõ ràng nhất là bậc đế vương mong cầu quốc thái dân an, hy vọng xã hội an định, đất nước thái bình, nhân dân được hạnh phúc. Phải dùng cái gì? Phải dùng giáo dục của Phật giáo. Họ không biết ngôi đạo tràng Phật giáo chính là trường học, mặc dù tên gọi không phải là “trường học”, gọi là “tự”, “viện”, “am”, “đường”, bốn cái danh xưng. Tự, viện, am, đường đều là giáo dục Phật giáo, đều là thúc đẩy giáo dục xã hội đa nguyên văn hóa, vua đích thân đến lãnh đạo. Vua đã xem trọng giáo dục Phật Đà hơn so với của nhà Nho. Nhà Nho thì phái một bộ trưởng để lo liệu là xong, còn giáo dục này thì đích thân vua ra lãnh đạo. Các vị thử nghĩ xem, từ xa xưa, những vị vua này họ có trí tuệ, họ có tầm nhìn, có phước báo, có thể thúc đẩy nền giáo dục này, cho nên đất nước trị an lâu dài. Họ có thể truyền mấy mươi đời, họ có thể tại vị mấy trăm năm là có đạo lý của nó. Ngày nay sự giáo dục thù thắng viên mãn như vậy lại bị xã hội đại chúng coi là tôn giáo mê tín, đây là sự bất hạnh của cả nhân loại. Chúng ta có thể trách người ta được không? Không thể được. Hiểu lầm của họ là chính xác, là chính đáng. Vì sao vậy? Không có ai giảng giải. Sai lầm thật sự là ở chỗ nào? Sai lầm là ở người xuất gia chúng ta, người xuất gia chúng ta không có làm tốt sự nghiệp hoằng pháp lợi sanh, cũng chính là nói không có đem giáo dục của Phật Đà làm cho tốt, không có đem giáo dục Phật Đà phát dương quang đại. Ngoài xã hội họ xem Phật giáo là mê tín là do chúng ta đã làm sai, đã hoàn toàn xem nhẹ nền giáo dục của Phật giáo, thậm chí là chính mình cũng không thể lý giải được. Ai mê tín vậy? Chính mình dẫn đầu mê tín. Lỗi lầm của chúng ta rất nặng, cho nên nhà Phật có một câu ngạn ngữ nói rằng: “Trước cửa địa ngục tăng đạo nhiều”. Vì vậy tôi không có chủ động khuyên người ta xuất gia. Vì sao vậy? Khuyên người ta xuất gia không chừng là đẩy người ta tới địa ngục rồi. Đây là cái tâm gì chứ? Bạn muốn đưa một người nào đó xuống địa ngục thì bạn khuyên họ xuất gia. Sau khi xuất gia thì có hai con đường, một cái là thiên đường, một cái là địa ngục. Bạn chân thật hiểu được Phật pháp, tín giải hành chứng, như lý như pháp mà tu học, giáo hóa chúng sanh thì bạn sanh thiên. Còn nếu bạn không làm được, cho dù cả đời không có lỗi lầm gì, bạn ở trong tự viện làm một trụ trì, trụ trì thì cũng như là bạn làm hiệu trưởng ở trong trường học vậy, bạn không có phạm sai lầm gì, bạn không có làm một việc gì xấu, bạn là người tốt, không sai, bạn là người tốt một trăm phần trăm, nhưng bạn đã làm một hiệu trưởng mà bạn không làm thành trường học, trong trường học của bạn không có giáo viên, cũng không có học sinh, thì con người bạn có tốt đi nữa cũng bị cách chức xét xử, bạn cũng phải ngồi tù. Không phải là đạo lý như vậy hay sao? Thế xuất thế gian pháp đồng một đạo lý. Cho nên, chúng ta ngày nay lựa chọn nghề nghiệp này, mặc lên cái y phục này, nếu không thể đem giáo dục Phật giáo làm cho tốt, tương lai sẽ đọa địa ngục. Tôi đã đem những lời này nói rõ ràng rồi, bạn không nên trách người khác, bạn đáng bị như vậy.

Đồng tu tại gia phải làm một người hộ pháp cho tốt, giúp đỡ những pháp sư xuất gia hoằng pháp lợi sanh, cung cấp cho họ đạo tràng để giảng Kinh. Tương lai đồng học của chúng ta ngày một nhiều hơn, không có nơi để mà đi tập giảng thì phải làm sao đây? Mọi người các vị phải giúp đỡ. Cách giúp như thế nào? Thỉnh họ đến nhà của mình để giảng, một tuần đến giảng một lần, giảng cho chúng ta nghe trọn một bộ Kinh hoàn chỉnh từ đầu đến cuối. Còn thính chúng thì chúng ta mời vài người bạn hữu, hàng xóm, không câu nệ nhiều hay ít, năm người ba người không phải ít, mười người, tám người cũng chẳng phải nhiều, chỉ cần các vị cả nhà đều hoan hỷ, mời pháp sư đến nhà để giảng Kinh. Đây là việc cát tường nhất, Phật quang Tam Bảo đã chiếu vào trong ngôi nhà bạn.

Chúng tôi ngày trước ở Đài Trung, thời gian Lý lão sư bồi huấn cho chúng tôi, chúng tôi đi đến đâu để luyện tập giảng Kinh vậy? Đều là đến nhà của các đồng tu; thính chúng khoảng chừng 11, 12 người, có lúc thì chỉ 7, 8 người, mỗi một tuần lễ giảng một lần, nhiều năm không ngừng nghỉ mới có thể luyện được thành. Gia đình này của bạn có phước, bạn mời pháp sư đến giảng Kinh là vô lượng vô biên công đức, nền tảng của pháp sư là nhờ bạn đã bồi dưỡng nên. Những lời này lúc trước, khi tôi giảng Kinh tại Cư Sĩ Lâm, rất nhiều năm về trước tôi đều nói qua, dường như là khóa thứ nhất của lớp bồi huấn, tôi đã nói qua rất nhiều lần. Là phước báo thật sự, là phước báo hạng nhất ở thế gian, không phải tốn tiền. Mời pháp sư đến nhà của ta giảng Kinh là phước báo chân thật so với việc bạn làm một cái pháp hội Thủy Lục, làm một cái đàn tràng Thủy Lục. Nghe nói muốn làm một pháp hội Thủy Lục, ở đây thì tôi không biết, ở Đài Loan thì phải tốn mấy triệu tiền Đài Loan. Công đức mời pháp sư giảng Kinh lớn hơn nhiều so với việc đó. Việc đó là giả, công đức mời pháp sư đi đến nhà mình giảng Kinh mới là chân thật. Do đây mà biết, nếu như nói trong ngôi nhà bạn không được sạch sẽ cho lắm, trong nhà có người bệnh, thường hay có quá nhiều việc không thuận lợi, thì mời pháp sư đến nhà bạn giảng Kinh vài lần là thiên hạ thái bình, việc gì cũng không còn nữa. Quả thật như vậy. Cho nên đạo tràng Cư Sĩ Lâm này, những năm gần đây tại vì sao được hưng vượng như vậy? Đâu có gì khác ngoài việc ngày ngày giảng Kinh. Niệm Phật đường ngày ngày có người đang niệm Phật, giảng đường thì ngày ngày có người đang giảng Kinh, chư Phật hộ niệm, Long Thiên Thiện Thần bảo hộ thì đạo tràng có thể nào không hưng vượng? Nghe nói hiện tại trong nước cũng có một số đạo tràng rất hưng vượng, các vị đi nghiên cứu nguyên nhân hưng vượng của họ thử xem, cũng là thường thường mời pháp sư giảng Kinh, cũng là Niệm Phật đường ngày đêm niệm Phật không gián đoạn.

– HT. Tịnh Không, Kinh Vô Lượng Thọ 10, tập 249, Vọng Tây cư sĩ dịch.

Được gắn thẻ , , ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *