Ấn Quang Đại Sư, Lời dạy của đức phật

Ta thà ăn chay mà chết, chứ chẳng ăn thịt để được sống!

Phóng sanh là lấy việc đề xướng kiêng giết, bảo vệ sanh mạng làm gốc
Bà Dương Thái Phu Nhân mẹ của ông Từ ở huyện Thạch Đãi, tỉnh An Huy, chính là mẹ đẻ của cư sĩ Từ Quốc Trị, tánh tình hiếu thuận, hiền từ, mềm mỏng, hiền lành, minh mẫn, quả quyết, thờ cha mẹ, phụng dưỡng bố mẹ chồng, giúp chồng dạy con, chăm sóc nhà cửa, mỗi việc đều đáng làm gương mẫu cho bạn khuê các, làm bậc thầy mẫu mực cho hàng nữ lưu, chẳng thẹn sánh với những hàng liệt nữ, mẫu nghi, hiền nhân, minh trí thời cổ. Từ nhỏ đã tin Phật, đến già càng sốt sắng, có ba người con là Quốc Hoa, Quốc Quân và Quốc Trị, đều theo đuổi quan trường hay thương nghiệp. Quốc Trị sống ở Thiên Tân muốn được hầu hạ dưới gối dài lâu, nên vào năm Dân Quốc thứ 10 (1921) đón mẹ về Thiên Tân phụng dưỡng. Bà bèn ăn chay trường, thọ giới Ưu Bà Di, từ đấy niệm Phật càng thêm tinh tấn. Bà thấy được chút điềm lành, nhưng tôi sợ có người ngu chẳng cầu nhất tâm chỉ chuyên mong mỏi tướng lành trở thành bệnh nên không ghi lại. Mùa Thu năm ngoái, tỉnh An Huy vừa bị nạn lụt lẫn hạn hán, tỉnh trưởng đánh điện điều Quốc Trị về lo việc cứu tế, bởi tám năm ở tại kinh đô ông đã có thành tích trong chuyện này. Quốc Trị chẳng nỡ cách xa mẹ, phu nhân đem đại nghĩa quở trách, bắt ông phải đi cho nhanh để cứu giúp dân chúng đang bị tai họa. Quốc Trị ở đất Hoàn hơn năm, phu nhân bị bệnh, chẳng cho viết thư báo tin, sợ ông từ phương xa trở về sẽ lỡ làng việc cứu tế. Bà lại còn dặn dò Quốc Hoa, Quốc Quân quyên mộ, dốc hết tiền dành dụm ra để giúp đỡ, được Đại Tổng Thống đề tặng biển ngạch, tặng cho huy chương Từ Huệ. Năm Dân Quốc 11 (1922) việc cứu trợ xong xuôi, chính quyền đất Hoàn815 lưu giữ Quốc Trị, nên ông lại đón mẹ về phụng dưỡng tại Hoàn Thản. Năm ấy cụ đã bảy mươi bốn tuổi, tinh thần suy yếu, trong thân thích có người khuyên nên thôi ăn chay, phu nhân nói: “Ta thà ăn chay mà chết, chứ chẳng ăn thịt để được sống!”
Đến mùa Xuân năm nay, bệnh ngày càng nặng, thần trí vẫn sáng suốt, niệm Phật không bỏ sót, bảo Quốc Trị rằng: “Thế sự gian khổ mẹ đã nếm đủ cả rồi nên chẳng luyến tiếc, trong tâm chỉ có mỗi một chuyện niệm Phật mà thôi!” Lại nói: “Mỗi một lần phát sốt, đau khổ dị thường, hễ tưởng đến Tây Phương Cực Lạc thế giới chợt cảm thấy mát mẻ liền!” Ngày hai mươi mốt tháng Hai, thỉnh Tăng chúng đến nhà niệm Phật để giúp vãng sanh, lại sai đem những quần áo, đồ đạc của chính mình bán hết để cúng dường Tam Bảo, hỏi Quốc Trị: “Ngày nào đi thì tốt nhất?” Quốc Trị đáp: “Ngày mốt là ngày ăn chay, ấy là ngày tốt nhất”. Mấy tiếng sau, cụ nói: “Mẹ đã thấy Thích Ca Mâu Ni Phật và Phật, Bồ Tát đã thờ ở Thiên Tân, nhưng có mình đức Phật Tiếp Dẫn sao không thấy?” Quốc Trị đáp: “Đến lúc sẽ thấy”. Ngày hôm sau, cụ lại niệm Phật theo chư Tăng, đến rạng sáng ngày hai mươi ba, vị sư niệm Phật là thầy Hải Phước nói: “Phu nhân thần chí, khí tượng như thường, chắc trong một hai ngày chưa đi đâu!” Đến giờ Tỵ, Quốc Trị thỉnh hình Phật Tiếp Dẫn thờ trước giường nói: “A Di Đà Phật đến rồi!” Phu nhân nghe vậy vui mừng lớn lao, ngồi dậy chiêm ngưỡng, lớn tiếng niệm “nam-mô A Di Đà Phật” mấy câu, rồi ngồi kết ấn, mỉm cười qua đời. Quốc Trị và chư Tăng cùng quyến thuộc vẫn lớn tiếng niệm Phật ba tiếng đồng hồ nữa rồi mới cử ai (cất tiếng khóc) và tắm rửa, thay áo. Mùi thơm ngào ngạt, có người bạn đến phúng điếu ở ngoài cửa đã ngửi thấy, khen là hy hữu. Ba ngày sau mới liệm, diện mạo so với lúc sống càng tươi tắn hơn, đảnh đầu vẫn còn hơi ấm, tứ chi mềm mại, đem xâu chuỗi đặt vào tay bèn gập ngón tay nắm lấy. Cao đẹp thay!
Như phu nhân có thể gọi là người túc căn sâu dầy, đời này tu hành tinh thuần, lại được người con như Quốc Trị phụ trợ nhiều cách cho nên Tịnh nghiệp chín muồi, toại nguyện vãng sanh. Những người trong đời không niệm Phật thì chẳng cần bàn đến, chứ như người chí tâm niệm Phật lúc sắp mất, con cái khóc lóc, tắm rửa, thay y phục v.v… khiến cho người sắp mất đâm ra bi thương, hoặc sanh sân hận, đến nỗi bị mất chánh niệm, vĩnh viễn luân hồi trong tam đồ lục đạo chẳng thể thoát ra. Những kẻ ấy cho đó là tận hiếu, chẳng biết đã mắc tội gây trở ngại cho cha mẹ, so với tội giết cha mẹ lại càng nặng hơn! Cả thế gian không biết như vậy, thật là bi thương! Quốc Trị bắt chước mẹ nhân từ thờ Phật, nên ăn chay trường, học Phật, nhiều lần đi cứu trợ thảy đều cạn kiệt tâm lực. Mùa Hạ năm nay ông lên núi, kể lại hành trạng của phu nhân, xin tôi soạn bài ký để làm gương cho con cháu đời sau. Tôi viện cớ thô lậu, bận bịu để thoái thác, nhưng về sau ông lại viết thư khẩn cầu. Do vậy, tôi bèn thuật đại lược cuộc đời và kể khá tường tận những sự thực cuối đời để người làm mẹ, người làm con trong đời đều bắt chước theo.
(Trích: Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tăng Quảng Chánh Biên, Bài ký về chuyện vãng sanh của Dương Thái Phu Nhân mẹ ông Từ – 27)
Được gắn thẻ ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *