Hòa Thượng Tịnh Không, Lời dạy của đức phật

Nên khắc Kinh trên đá để lưu giữ lâu dài hay in ấn số lượng nhiều, chuyển tặng khắp nơi?

Nên khắc Kinh trên đá để lưu giữ lâu dài hay in ấn số lượng nhiều, chuyển tặng khắp nơi?
Trong thời đại ngày nay, chánh pháp suy yếu đến tận cùng. Truyền thống văn hóa là thứ có thể cứu quốc gia dân tộc, có thể cứu thế giới, có thể cứu chánh pháp, vì nó là nền tảng của chánh pháp. Nếu như truyền thống văn hóa bị hủy diệt, Phật pháp chắc chắn sẽ diệt vong, vì sao vậy? Vì nền tảng của nó không còn. Bởi thế truyền thống văn hóa rất quan trọng, có cơ duyên sao có thể không làm được? Mọi lúc mọi nơi có duyên đều phải làm.
Ngày nay quan trọng nhất là truyền thừa chánh pháp, truyền thừa có hai vấn đề. Thứ nhất là tư liệu, chính là kinh sách, làm sao để bảo tồn nó.
Lần này tôi đến Nhật Bản giảng kinh, trong nước có vị đồng tu đến nghe kinh, nói với tôi ông ta muốn phát tâm khắc kinh trên đá, khắc Đại Tạng Kinh lên đá, cất giữ ở các danh sơn, hy vọng Đại Tạng Kinh không bị tổn thất. Tôi nói với ông ta, nếu xảy ra một trận động đất không phải là mất hết ư? Vì ông chỉ có một bộ kinh, nếu ở đó phát sinh động đất là coi như xong. Ông ta nói vậy phải làm sao? Tôi nói thời xưa, con người ngày xưa nhân tâm nhân hậu, nên ít động đất, động đất là gì? Động đất là do ngạo mạn chiêu cảm. Người bây giờ ngạo mạn nhiều, người ngày xưa thường khiêm tốn, ít ngạo mạn, nên động đất cũng rất ít. Dùng phương pháp này cũng được, như Thạch Kinh ở Phòng Sơn Bắc Kinh, tôi có đến tham quan. Người bây giờ nhiều ngạo mạn, nên động đất cũng nhiều, không an toàn. Phương pháp an toàn nhất là in ấn số lượng lớn, chúng ta in Đại Tạng Kinh ra một vạn bộ, 10 vạn bộ, phân ra khắp nơi trên toàn thế giới, như vậy thiên tai không thể hủy diệt tất cả, nhất định còn nhiều nơi giữ lại được, đây là phương pháp hay nhất, phải in Đại Tạng Kinh ra thật nhiều. Hiện nay kỹ thuật in ấn phát triển, in vừa đẹp lại vừa rẻ, nên nhất định phải nghĩ đến điều này.
Tôi khuyến khích ông ta nên dùng phương pháp này để bảo tồn được khắp nơi, nơi nào tiếp nhận thì đưa đến đó, đưa đến khắp nơi, đây là việc tốt. Đặc biệt, những giáo huấn của thánh hiền có quỷ thần thủ hộ. Trong nhà Phật thường nói: Nơi nào có kinh điển ở đó có Phật, sẽ có thần hộ pháp ủng hộ.
Chắc ông ta thay đổi chủ ý nên nói với tôi: Ông ta có tiền, cũng không nhiều lắm, khoảng hơn một ức, có thể đem in Đại Tạng Kinh. Tôi nói tốt lắm – thật sự phát tâm làm việc tốt lớn lao này, như vậy là tư liệu được bảo tồn. Nhưng nếu như không có người học, tu, hoằng dương, tài liệu này không khởi tác dụng. Vậy thì phải động viên lớp trẻ, bồi dưỡng lớp trẻ, quan tâm đến lớp trẻ và thành tựu cho lớp trẻ, đây là công đức lớn, việc tốt lớn, việc này chúng ta cần phải làm. Thật sự phát tâm từ việc nghiên cứu tu học và hoằng dương kinh giáo, hạng người này là quốc bảo. Chúng ta phải hộ trì những người này, phải giúp những người này, phải thành tựu những người này. Như vậy chánh pháp mới có thể cửu trú, chánh pháp mới có thể phát triển rộng rãi, mới có thể lợi ích chúng sanh, đây là việc quan trọng hàng đầu.
– HT. Tịnh Không, Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa (VLT 11), tập 493.
Được gắn thẻ , ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *