Hòa Thượng Tịnh Không, Lời dạy của đức phật

Năm việc thường sanh đê tiện, làm nô tỳ cho người

Địa Tạng Bồ tát Bổn nguyện
Trong đoạn này pháp sư Thanh Liên trích dẫn kinh Biện Ý, đây là lời Phật dạy: “Năm việc thường sanh đê tiện, làm nô tỳ cho người”, làm nô tỳ thì chẳng có địa vị trong xã hội, chẳng có địa vị thì gọi là ‘tiện’. Phật nói có năm nghiệp nhân tạo thành quả báo này:
Thứ nhất “Kiêu mạn bất kính nhị thân” (Kiêu ngạo chẳng kính cha mẹ), nhị thân là cha mẹ, thái độ đối với cha mẹ kiêu mạn, chẳng tôn kính cha mẹ, chẳng hiếu thuận, đời sau kẻ ấy phải chịu quả báo này.
Thứ hai “Cang cường vô khác tâm” (Ương ngạnh chẳng cung kính), ‘khác’ là cung khác, tức là cung kính, hạng người này cũng có quả báo như vậy; cứ tưởng mình giỏi, bất cứ ở đâu cũng chẳng nhường kẻ khác. Trong kinh này đức Phật cũng thường cảm thán “Chúng sanh ở Diêm Phù Đề ương ngạnh, khó dạy”, tại sao Phật nói chúng sanh khó dạy? Tập khí quá nặng, chúng ta thường gọi là cá tánh quá mạnh, chẳng dễ tiếp nhận lời khuyên của kẻ khác.
Thứ ba “Phóng dật bất lễ tam tôn” (Phóng dật chẳng lễ Tam Bảo) tam tôn là Tam Bảo, khinh mạn Tam Bảo. Điều thứ nhất là chẳng kính cha mẹ, còn điều này là chẳng kính thầy giáo. Đại đạo trong thế gian, xuất thế gian là hiếu thân, tôn sư, chẳng hiếu thuận cha mẹ, chẳng tôn kính thầy giáo, Tam Bảo là gương mẫu hạng nhất trong sư đạo. Phật pháp là sư đạo, là mô phạm, điển hình cho thầy giáo, bạn làm sao có thể đối với họ tùy tiện, chẳng có một chút cung kính được!.
Thứ tư là “Đạo thiết dĩ vi sanh nghiệp” (Trộm cắp làm nghề nghiệp), cả đời làm việc trộm cắp để duy trì cuộc sống. Thủ đoạn trộm cắp rất nhiều, nhất định phải hiểu rõ ý nghĩa chân chánh của nó, trong Phật pháp gọi là ‘không cho mà lấy’, đó đều gọi là trộm cắp, cũng như người Trung Quốc chúng ta thường gọi là tài vật bất nghĩa. Bạn chẳng nên có được, bạn chiếm lấy nó, đoạt lấy, đây cũng là nghiệp nhân của sự hạ tiện.
Thứ năm ‘Phụ trái đào tị bất thường’ (Thiếu nợ tránh né không trả), thiếu nợ chẳng chịu trả nợ, đời này không chịu trả, đời sau gặp lại cũng phải trả, chẳng thể tránh được. Điểm này chúng ta nhất định phải biết. Thiếu nợ thì nhất định phải trả, thiếu nợ mạng phải đền mạng, nhà Phật nói nhân quả thông suốt ba đời, chẳng phải chỉ có đời này mà thôi. Đời này bạn tránh được, còn đời sau thì sao? Còn đời sau nữa, bất kỳ đời nào gặp lại cũng phải trả, thiếu mạng phải đền mạng, thiếu tiền phải trả tiền. Trừ phi đối phương giác ngộ, chỉ có học Phật mới giác ngộ; đối phương giác ngộ rồi và nói với bạn: “Những gì bạn thiếu tôi thì thôi, chẳng cần bạn trả, bạn thiếu nợ mạng cũng chẳng cần bạn trả”, dứt hết rồi, vậy mới được. Nếu không gặp người giác ngộ, họ cứ ghi nhớ trong lòng, đến đòi nợ, đòi mạng, vậy thì không có cách chi khác. Sách chép chuyện trong nhà Phật có ghi đại sư An Thế Cao triều Hán. Truyện Ký An Thế Cao trong Cao Tăng Truyện, quyển một, có chép Ngài đến Trung Quốc hai lần để đền mạng. Trong đời trước Ngài đã ngộ sát (giết lầm) hai người, đời này đến để đền mạng hai người ấy. Hai lần này đều là giết lầm, Ngài giết lầm người ta, người ta cũng giết lầm Ngài.
Đây là Bồ Tát thị hiện để nói cho chúng ta khi thành Phật, thành Bồ Tát cũng chẳng có cách gì khác, vẫn phải đền mạng, thiếu tiền cũng phải trả tiền, thiếu nợ mạng phải đền mạng. Chẳng thể nói bạn thành Phật, thành Bồ Tát thì có thể không trả, chẳng có đạo lý này, nếu vậy thì luật nhân quả sẽ bị lật đổ. Thành Phật, thành Bồ Tát cũng không tránh khỏi, huống chi là phàm phu chúng ta. Phàm phu khi trả nợ, đền mạng chẳng cam chịu, chẳng cam tâm thì phiền phức sẽ lớn, trả tới trả lui dây dưa chẳng dứt, thì sẽ rắc rối lớn lắm. Cứ luân phiên đòi nợ, trả nợ, đòi mạng, đền mạng chẳng dứt, nhiều đời nhiều kiếp đều làm việc này, khổ chẳng nói nổi. Phật, Bồ Tát tốt hơn ở chỗ nào? Họ đều rõ ràng, rành rẽ vì họ có Túc Mạng Thông, Tha Tâm Thông, Thiên Nhãn Thông, họ thấy rõ nhân duyên đời trước rõ ràng, cho nên họ trả từng món nợ, trả sạch hết, sau này không còn nữa. Họ tình nguyện, đồng ý trả, bị người ta giết cũng cam tâm tình nguyện, tuyệt chẳng có tâm trả thù, nợ nần đến đây chấm dứt. Phàm phu thì chẳng chịu trả nợ nên món nợ này chẳng chấm dứt, chẳng cam tâm, chẳng chịu, vẫn còn tâm niệm trả thù, kết oán đời đời kiếp kiếp không bao giờ dứt, đáng sợ vô cùng.
Nếu các bạn thấu hiểu những sự tướng này một cách cặn kẽ, thì sau đó bạn mới biết tại sao phải tôn kính Tam Bảo, tại sao công đức lợi ích của Tam Bảo lớn như vậy, bạn mới có thể hiểu được đôi chút. Chỉ có Tam Bảo mới có thể thật sự giải quyết vấn đề, những vấn đề vướng mắc nhiều đời nhiều kiếp khi gặp được Tam Bảo đều có thể giải quyết, đây là việc bất kỳ pháp môn nào khác trong thế gian đều chẳng làm nổi.
Chúng ta biết mình chịu bần cùng hạ tiện, ở trong địa vị này, biết đây là quả báo do ác nghiệp mình tạo đời trước. Hiểu được đạo lý này, hiểu được sự thật thì sẽ có phương pháp để cứu vãn, phương pháp cứu vãn là sám hối. ‘Giác tri túc nghiệp’ (Biết được nghiệp đời trước), đây tức là bạn hiểu rõ. Muốn ‘Giác tri túc nghiệp’ nếu không nhờ Phật pháp thì không thể được. Trong pháp thế gian cũng có, tuy có nhưng không rốt ráo. Người có học vấn, có đức hạnh trong thế gian, như một số nhà tôn giáo, họ cũng biết một vài Sự, Lý của nhân quả báo ứng, cũng biết tu pháp sám hối, nhưng tri kiến của họ chẳng viên mãn, chẳng rốt ráo, do đó cách sám hối của họ hơn phân nửa thuộc về Sự, có thể giúp đỡ chút ít chứ chẳng thể giải quyết vấn đề một cách triệt để. Muốn giải quyết vấn đề triệt để phải giúp con người thoát khỏi tam giới, như vậy mới là triệt để. Chẳng thể thoát ra khỏi lục đạo luân hồi thường là phiền phức sẽ ở đằng sau, trước mắt thì hòa hoãn đôi chút, nhưng sự việc chẳng chấm dứt, thế mới biết Phật pháp thù thắng vô cùng
Trích: Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Kinh giảng ký tập 23/51 trang 361-362
Chủ giảng: Hòa Thượng Tịnh Không
Địa điểm: Tịnh Tông Học Hội Tân Gia Ba
Thời gian: Khởi giảng ngày 28/5/1998
Chuyển ngữ: Nhóm Diệu Âm
Được gắn thẻ , , ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *