Hòa Thượng Tịnh Không, Lời dạy của đức phật

Khởi sự từ Căn Bản Trí

Chuyện đời thánh ni Sona
Cổ đức dạy kẻ sơ học phải khởi sự từ Căn Bản Trí. Căn Bản Trí là vô tri, cầu đạt tâm thanh tịnh, chứ không chấp thuận quý vị có kiến giải, có tư tưởng. Lìa hết thảy ngôn ngữ, văn tự, ở mãi trong cảnh giới Định. Người học Phật hiện thời dồn công sức vào nơi “có hiểu biết, có tư tưởng, có kiến giải”, sai lầm quá đỗi! Dẫu học Phật giỏi đến mấy, cũng chỉ có thể gọi là nhà nghiên cứu Phật học lớn, chứ chẳng thể đoạn phiền não, đắc thanh tịnh tâm, liễu sanh tử, thoát tam giới, siêu phàm nhập thánh. Tu học Tịnh Tông khá đặc biệt, ai nấy đều có thể học, môn này không dạy người học trụ tâm nơi Định mà trụ nơi danh hiệu A Di Đà Phật. Trong tâm, trừ A Di Đà Phật ra, chẳng có một chút gì khác. Đấy gọi là “có Tịnh Độ”, hễ có Tịnh Độ, ắt sẽ sanh về Tịnh Độ.
Trong lúc học Phật thì vẫn có những chuyện thế gian cần phải làm, mà lại càng phải sốt sắng làm. Phật pháp nằm trong thế gian, chẳng hoại tướng thế gian. Kinh Hoa Nghiêm nói “sự lý vô ngại, sự sự vô ngại”. Lý là tâm tánh, vĩnh viễn thanh tịnh. Sự là muôn hình tượng, làm chuyện thế gian đến mức viên mãn. Hoằng pháp trong hiện thời ắt phải dùng phương pháp cởi mở. Trước mắt, bất luận nam, nữ, già, trẻ, ai nấy đều cầu danh vọng, lợi dưỡng. Nếu quý vị nói học Phật phải buông bỏ tiếng tăm, lợi dưỡng, sẽ chẳng có ai học. Phải kềm cặp chúng sanh, dùng phương pháp chánh xác để cầu tiếng tăm, lợi dưỡng vừa lòng thỏa ý họ. Điều này hoàn toàn chẳng trái nghịch Phật pháp. Phật pháp vốn dạy con người lìa khổ được vui mà! Hiểu rõ rệt đạo lý sau đây: “Trong cửa Phật, có cầu ắt ứng. Cầu phú quý, đắc phú quý. Cầu công danh, đắc công danh”. Gia đình mỹ mãn, xã hội an định, thiên hạ thái bình, điều gì cũng cầu được. Đọc kỹ và làm theo những chỉ dạy trong ba kinh Tịnh Độ thì sẽ đạt được những mục đích ấy.
“Ly nhất thiết tướng, tức nhất thiết pháp. Ly cố, vô tướng. Tức cố, vô bất tướng. Bất đắc dĩ, cưỡng danh Thật Tướng” (Lìa hết thảy tướng chính là hết thảy pháp. Do “lìa”, nên vô tướng. Do “chính là”, nên chẳng phải không có tướng. Bất đắc dĩ, cưỡng gọi là Thật Tướng). Thật Tướng cũng là một danh từ giả danh. Tách lìa tướng danh tự liền thấy được chân tướng của nhân sinh và vũ trụ. Khi chẳng khởi một niệm sẽ thấy được chân tướng, phải dùng nhất tâm thì mới được. Còn dùng ý niệm sẽ là nhị tâm, rồi lại có phân biệt, liền trở thành tam tâm! “Vô tướng” là không có phân biệt, vọng tưởng, chấp trước, chẳng có tướng hư vọng, chẳng có ý niệm. Chữ “tức” ý nói sống ngay trong thế gian này, chẳng tách rời thế gian, chẳng tách lìa, chỉ có thể thụ dụng nó. Hết thảy muôn sự muôn pháp đều tồn tại, là có tướng, nhưng chẳng chấp trước vào những tướng ấy, chúng sẽ chẳng khởi tác dụng phụ, nhưng cũng chẳng thể buông bỏ nó. Hễ buông bỏ thì lại là chấp vào Không.
(Phật Thuyết A Di Đà Kinh Yếu Giải Giảng Ký Phần 1- Pháp sư Tịnh Không giảng thuật)
Được gắn thẻ ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *