Hòa Thượng Tịnh Không, Lời dạy của đức phật

Giáo dục gia đình phải bắt đầu làm từ thai giáo

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni giáo dưỡng con trai, để lại bài học sâu sắc cho hậu thế
Bệnh tình của xã hội đã phát sinh, hơn nữa lại rất nghiêm trọng, cái gốc của nó là giáo dục. Sự giáo dục này, chúng ta thường nói có bốn loại giáo dục, thứ nhất là giáo dục gia đình, người thời xưa hiểu được, giáo dục gia đình phải bắt đầu làm từ khi nào? Bắt đầu làm từ thai giáo. Khi người mẹ mang thai, thì người mẹ phải có trách nhiệm quan tâm đối với thai nhi. Bởi vì trong thời kì mang thai đó, tâm trạng “mừng, giận, buồn, vui” của người mẹ đều có ảnh hưởng đến thai nhi, cho nên trong 10 tháng này, hễ là tất cả những mặt không tốt đều phải cấm kị, đi đứng nằm ngồi đều phải giữ gìn theo lễ, giúp cho tâm của thai nhi, hành vi của thai nhi về sau có thể được chánh trực.
Sau khi em bé ra đời, người làm cha mẹ, người làm trưởng bối, ở trước mặt trẻ nhỏ, vì khi trẻ nhỏ vừa mở mắt nó sẽ biết nhìn, biết nghe, giống như câu tục ngữ: “Tiên nhập vi chủ”. Từng cử chỉ hành động, từng lời nói điệu cười của người lớn đều để lại ấn tượng trong tâm của trẻ nhỏ, mặc dù nó vẫn chưa biết nói, vẫn chưa biết đi nhưng sẽ có ảnh hưởng rất sâu, người bình thường như chúng ta khó mà tưởng tượng được. Do đó mới nói, những điều không nên để cho trẻ nhìn thấy thì đều phải tránh đi, nhất định không thể để xuất hiện trước mặt để cho trẻ nhìn thấy, nghe thấy. Phải để những điều trẻ nhỏ nghe thấy, nhìn thấy đều là mặt thiện, đều là mặt tích cực, phải dùng tâm như vậy để dạy dỗ trẻ nhỏ. Người hiện nay không hiểu được đạo lý này, khi mang thai, ăn uống đi đứng đều không biết chăm sóc cho thai nhi, cho nên gốc của giáo dục là ở chỗ này.
Ngày nay giáo dục gia đình không còn nữa, trưởng bối, thầy cô đều không dạy nữa, đây là một việc mà chúng ta cảm thấy rất đau lòng. Giáo dục đã không còn, các em chắc chắn sẽ bị ô nhiễm bởi hoàn cảnh. Môi trường xã hội hiện nay mọi người đều biết, những mặt tốt có thể nói là không còn thấy, những thứ tiếp xúc được toàn là tiêu cực, lớn lên trong một môi trường như vậy. Các bạn nói xem, các em có thể không rơi vào tà tri tà kiến, không đi vào con đường sai trái, phạm tội được không? Không thể nào! Điều này khiến chúng ta cảm thấy vô cùng lo lắng, hơn nữa cũng không có cách gì để cứu vãn.
Tôi nhớ hình như vào khoảng 5 năm về trước, các đồng học ở Mỹ có gửi cho tôi một quyển tạp chí, trong tạp chí đó có một bài báo nói về tỉ lệ phạm tội của thanh thiếu niên nước Mỹ, tôi xem xong bài báo đó thật sự nổi cả da gà, tỉ lệ phạm tội mỗi ngày của thanh thiếu niên lại cao như vậy, thế thì làm sao chịu nổi! Vì bài báo đó mà tôi đã đặc biệt đến Los Angeles và San Francisco một chuyến, đến đó một tuần lễ, đặc biệt dành thời gian để đến đó. Ở bên đó đài truyền hình có sắp xếp hai lần tọa đàm phỏng vấn.
Lần thứ nhất, có Viện trưởng Viện kiểm sát khu vực Los Angeles, Nghị viên Thành phố Pasadena, Hiệu trưởng trường Đại học Pomona của bang California, bốn người chúng tôi đã cùng nhau thảo luận về những vấn đề này. Tôi đã hỏi Viện trưởng Viện kiểm sát, tôi nói: “Bài báo cáo này có phải thật không?” Ông ấy nói với tôi đây là thật, đã chứng thực với tôi. Tôi hỏi ông ấy: “Bây giờ có cách gì để kiểm soát tỉ lệ phạm tội này không?” Ông ấy nói: “Không có! Thanh thiếu niên hiện nay đã hình thành tư tưởng phạm tội, hành vi phạm tội, tương lai sau này các em lớn lên rồi sẽ thế nào đây! Nếu sau này các em lớn lên mà phạm tội, thì người trên toàn thế giới sẽ gặp tai họa, tại sao vậy? Những vũ khí hạt nhân có sức sát thương khủng khiếp kia đều ở nước Mỹ, sau này rơi vào tay các em, e rằng ngày tận thế của thế giới đã đến gần”. Họ nghe tôi nói như vậy xong cũng không biết làm sao để trả lời, rất cảm thán, thật sự là tình hình như vậy.
Lần tọa đàm thứ hai là nói về tôn giáo, gồm có Cha xứ bên Thiên chúa giáo và Viện trưởng Viện Tu Đạo của Kitô giáo, dẫn theo các học sinh của họ đến phỏng vấn tôi. Cho nên, vấn đề này quan trọng hơn bất kì điều gì khác, khi chúng tôi nói về vấn đề tôn giáo, tôi nói: “Hiện nay sự thật này đã hình thành, giáo dục gia đình không còn nữa. Giáo dục nhà trường, nước Mỹ đã dạy cái này từ nhỏ, dạy các em cạnh tranh, từ nhỏ đã truyền bá tư tưởng cạnh tranh, cạnh tranh nâng cao lên nữa chính là đấu tranh, đấu tranh nâng cao lên nữa chính là chiến tranh, một khi chiến tranh bùng nổ trở lại thì thế giới này cùng đi đến chỗ chết”. Tôi nói: “Tư tưởng giáo dục này là con đường chết, thật sự là một con đường chết”. Tôi nói những điều này họ đều gật đầu và cho là đúng, giáo dục của nước Mỹ là dạy những điều này. Tôi nói: “Giáo dục của phương Đông thì không giống như quý vị, giáo dục của phương Đông là từ nhỏ dạy nhẫn nhường, lễ nhường, khi nghĩ đến mình thì cũng phải nghĩ đến người khác, đây là một con đường sống, là con đường sống sót. Giáo dục khoa học kĩ thuật của phương Tây đã đi đến điểm cuối cùng, điểm cuối cùng chính là ngày tận thế, bây giờ nếu như muốn cứu vãn thì quý vị không thể không đến phương Đông để tìm kiếm phương pháp giải quyết”.
BÀN VỀ HIẾU ĐẠO
Người dẫn chương trình: Uông Dụng Hòa
Khách mời phỏng vấn: Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Ngày 12 tháng 6 năm 2003
Địa điểm: Đài truyền hình Vĩ Lai

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *