Đạo Phật, TT Thích Chân Quang

Lần đầu tiên bài Kinh Tứ Niệm Xứ được viết lại thuần việt

Phước báo của việc trồng cây
Thuở xưa, Đức Phật đã thuyết giảng cho các vị Tỳ kheo tại đô thị Kammàssadhamma, xứ Kuru, nay là thủ đô Delhi của Ấn Độ: “Này các Tỷ-kheo, đây là con đường độc nhất đưa đến thanh tịnh cho chúng sanh, vượt khỏi sầu não, diệt trừ khổ ưu, thành tựu chánh trí, chứng ngộ Niết bàn. Ðó là Tứ niệm xứ” (Trung Bộ Kinh số 10)
Tứ Niệm Xứ gồm bốn phép quán: quán Thân, quán Thọ, quán Tâm, quán Pháp. Đây là bốn cánh quán giúp tiêu diệt thành trì vọng tưởng, giúp ta nhiếp tâm, thành tựu thiền định, đi đến mục tiêu vô ngã.
Tuy nhiên không phải ai đọc vào bài kinh gốc cũng hiểu hết ý kinh và biết cách thực hành cho chuẩn xác. Thấu hiểu tầm quan trọng của việc thực hành thiền Tứ Niệm Xứ, Thượng tọa Thích Chân Quang đã dày công viết lại bài kinh theo thể thơ thất ngôn tứ tuyệt, nội dung được Việt hóa hoàn toàn. Ai đọc rồi cũng có thể hiểu được và hành theo.
Chẳng hạn, thế nào là quán Thân trên thân, quán Thọ trên thọ, quán Tâm trên tâm, quán Pháp trên pháp? Từng câu từng lời trong bài Kinh sẽ dắt người đọc tìm được câu trả lời, vừa khéo léo tinh tế, vừa gần gũi dễ hiểu. Ví dụ về quán thân thì thân như thế nào ta biết như thế đó, biết đúng sự thật về thân, không thêm không bớt:
“Hiểu rõ rằng thân rất mong manh
Nóng lạnh tai ương chực chờ quanh
Già bệnh cuối cùng không tránh khỏi
Xương tàn vùi đất kiếp tử sinh”
Hoặc quán thọ: Người biết quán thọ là biết tâm mình đang có những cảm thọ nào nhưng không xao động chạy theo.
“Những lúc khổ đau đến tột cùng
Tưởng như đã cạn sức vẫy vùng
Can đảm niềm đau mà ôm lấy
Chẳng cần tránh né chỗ mông lung
Những lúc niềm vui đến ngập tràn
Nhìn xem cảm giác đó rõ ràng
Như xem người khách từ đâu đến
Như nhìn sương khói lúc chiều tan…”
Hoặc quán tâm: Tâm thế nào ta biết rõ như thế đó, không can thiệp. Người quán tâm chỉ nhẹ nhàng biết tâm đang tĩnh hay đang động, đang thiện hay bất thiện, sáng suốt hay ngu si mà thôi.
“Hiểu rõ về TÂM có ba điều
Một là đạo đức được bao nhiêu
Hai là động loạn hay thanh tịnh
Trí tuệ – ngu si cái nào nhiều
Chưa chứng cao siêu thánh vị nào
Chắc rằng bất thiện vẫn sôi trào
Ích kỷ, tham lam, và ác độc
Còn trong sâu kín biết làm sao. ”
Và quán pháp: Chân lý như thế nào, sự thật như thế nào thì biết như thế đó, đây gọi là quán pháp trên pháp.
“Niệm PHÁP nghĩa là hiểu bản thân
Dựa trên tội phúc đã bao lần
Tính ra tội hẳn nhiều hơn phúc
Nên lòng luôn sám hối ăn năn
Niệm Pháp nghĩa là biết Vô minh
Chấp ngã trầm luân kiếp tử sinh
Tứ Diệu Đế là vầng ánh sáng
Mục tiêu Vô ngã đón bình minh.”
Nói chung, với 4 phép quán, bài kinh dẫn dắt mọi người đi từ dễ đến khó. Nhờ những câu từ được ghi lại một cách khúc chiết, rõ nghĩa mà ta nắm được phương pháp tu tập cốt yếu, không chỉ trong lúc ngồi thiền mà cả trong đời sống thường ngày. Cái khéo léo của Thượng tọa là vừa tóm tắt ý kinh, vừa giải thích có chiều sâu, vừa lý giải cả hệ thống thiền tông trong đó, cuối cùng kiên định mục tiêu vô ngã của Phật.
“Chẳng hẹn thời gian sẽ bao lâu
Tìm được chính mình ở tầng sâu
Biết bao kỳ diệu chờ trong đó
Ta sẽ ngỡ như đắc đạo mầu
Ngoại đạo cũng từng tìm thấy rồi
Tự xưng chân tánh mãi không thôi
Chỉ có Như Lai siêu chánh giác
Vượt qua bản ngã rất tuyệt vời. ”
Bài kinh còn làm sáng tỏ những hiểu lầm ngộ nhận đã kéo dài hàng trăm năm trong đạo Phật khiến cho bao nhiêu người phải dừng bước giữa đường, không còn hướng về Vô ngã.
“Nếu chỉ dừng ngang chỗ “chính mình”
Sẽ không thể hết sạch vô minh
Nhưng bỏ “chính mình” thì lạc hướng
Mục tiêu Vô ngã cũng không thành
Đây là Trung đạo khéo đi qua
An trú chính mình không rời xa
Nhưng biết “chính mình” còn bản ngã
Mục tiêu vô ngã vẫn thiết tha. ”
Một người khi tu tâm được thanh tịnh, ta rất dễ tưởng lầm mình đã đắc đạo cao siêu. Thật ra ta còn phải vượt qua được 5 thượng phần kiết sử, cố gắng đi cho hết con đường thì mới đạt được vô ngã. Có vậy ta mới thấy giá trị của sự tu hành.
“Cả lúc tâm thiền rất lắng yên
Vẫn hiểu là chưa hết não phiền
Nên không vội vã xưng thần thánh
Còn phước mà đi đến vô biên
Nguyện cho pháp giới khắp chúng sinh
Ai cũng tìm ra được chính mình
Để rồi an trú qua nhiều kiếp
Cuối cùng tan vỡ, hết vô minh. ”
Có thể nói, đây là lần đầu tiên có bản kinh TỨ NIỆM XỨ được viết lại thuần Việt mà những tinh hoa, cốt lõi của tu hành đã được khéo léo lồng ghép vào đây. Trong bài kinh, có những giai đoạn dù nhiều người trong chúng ta chưa thực hành đến nhưng vẫn là kim chỉ nam để chúng ta không lạc hướng. Và nếu ta nắm được bản đồ này thì ta sẽ vững lòng bước đi mà không sợ mình bị chủ quan kiêu mạn. Điều quan trọng nhất, chúng ta phải học thông hiểu rành nội dung của bài Kinh, và phải xem đây là một công thức tối cần không thể thiếu đối với việc hành thiền Phật giáo.
Bài kinh còn làm sáng tỏ những hiểu lầm ngộ nhận đã kéo dài hàng trăm năm trong đạo Phật khiến cho bao nhiêu người phải dừng bước giữa đường, không còn hướng về Vô ngã. Thế nên thật may mắn cho những ai hữu duyên được đọc tụng và lĩnh hội ý nghĩa bài kinh TỨ NIỆM XỨ trong bản dịch này, bám sát vào đó để tu hành. Nhờ vị Đạo sư, con đường tu của ta trở nên thênh thang, bằng phẳng, cái đích phía trước cũng gần lại.
Ngoài vô số lời Phật dạy thì Thiền chính là yếu tố quan trọng làm cho thế giới yêu quý đạo Phật. Cho nên, khi đã là đệ tử Phật thì ta phải ngồi Thiền. Đây là giá trị chính của đạo Phật, nhưng mục tiêu của Thiền là nhắm đến vô ngã.
Ngay ngày rằm tháng giêng năm Tân Sửu, tại Thiền Tôn Phật Quang, Đại chúng và khoảng 7.000 Phật tử đã đồng thanh tụng lần đầu bài kinh TỨ NIỆM XỨ. Ai cũng cảm nhận việc tụng kinh giờ trở nên hay hơn, có vần, có nhịp, có sự ngắt nghỉ nhịp nhàng. Các ý Phật dạy cũng dễ nhớ, dễ thuộc, dễ đi vào lòng người.
Thời kinh thật quá oai linh, trang nghiêm, xúc động như vẫn còn in sâu trong lòng mỗi người đọc tụng. Có lẽ cũng nhờ thần lực mười phương chư Phật, chư Bồ Tát gia hộ và cảm ứng tâm linh của cả một hội chúng hơn 7.000 người, mà mọi người càng tụng càng tăng thêm sự chú tâm, thẩm thấu nghĩa lý của kinh và bị thôi thúc phải tinh tấn trong việc tu học thiền định.
Có bấy nhiêu lần tụng kinh là bấy nhiêu lần mọi người đã khóc, nghẹn ngào vì lời kinh quá hay, ví như cả con đường Thiền cao siêu của đạo Phật được mở ra trước mắt… từ những vấn đề trừu tượng biến thành một khái niệm cụ thể dễ nắm bắt, biết cách ứng dụng tu hành, thực thi giáo pháp trong đời sống. Ta không đặt thời gian tu bao lâu mà chỉ cần đi đúng đường, tức đi bước nào vững bước đó, còn không chỉ cần tu sai một ly là đi một dặm.
Xin cầu nguyện cho bài kinh Tứ Niệm Xứ này được lan truyền phổ biến khắp nơi, để chùa nào cũng có tụng có tu, để chúng sinh được vô số lợi lạc trong cuộc sống và trong sự tu tập giác ngộ giải thoát.
Được gắn thẻ ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *