Hòa Thượng Tịnh Không, Lời dạy của đức phật, Medias

Chúng ta chỉ có thể học một người, không thể học nhiều

Hòa thượng khuyên chúng ta ăn chay, phóng sanh, tu vô úy thí - HT Tịnh Không

Lần này, không ít người từ bên ngoài đến tham gia kỷ niệm ba năm Hàn Quán Trưởng mất, tôi đem bản nguyên gốc này mang ra, không ít người xem thấy qua. Một quyển sách cũ từ 50 năm trước, tôi gìn giữ rất là hoàn chỉnh, không bị tổn hại. Tôi ở Đài Trung mười năm, lão cư sĩ Lý đem quyển này giao cho tôi, tôi có trách nhiệm y theo quyển này tu học, tôi cũng có sứ mạng hoằng dương quyển này. Sư Ngộ Văn, thời gian pháp hội ông ấy cũng đến hai ngày, mang đến một số tạp chí cho tôi xem và nói: “Pháp sư! Có người phê bình quyển này”. Tôi nói: “Tôi biết! Người phê bình quá nhiều, các vị có thể nghe, tôi sẽ không nghe. Nếu như tôi nghe những tin tức này thì tôi ở Đài Trung mười năm xem như học uổng phí rồi, lão sư Lý đem quyển này truyền lại cho tôi, Ngài đã nhìn sai người rồi!”. Các vị nghĩ xem có đúng không? Đừng nói người thông thường hủy báng quyển này, hiểu sai đi quyển này tôi sẽ không để ý, mà chư Phật Bồ Tát hiện tiền nói quyển này không đáng tin, còn có quyển khác tốt hơn, tôi cũng sẽ không để ý họ, tôi cũng sẽ không tiếp nhận. Vì sao vậy? Nếu tôi tiếp nhận, đó chân thật là bội sư phản đạo, vong ân phụ nghĩa. Ngay nhân cách làm người cũng không có, bạn còn nói gì đến học Phật? Thế Tôn dạy người học đạo, trong “Tịnh Nghiệp Tam Phước”, câu đầu tiên là “hiếu kính cha mẹ, phụng sự sư trưởng”, hai câu nói này thì tôi hoàn toàn trái nghịch, vậy thì phía sau không cần phải nói đến. Cho nên, tôi nói các bạn học đạo không có lão sư, đó là đương nhiên, vì bất cứ người nào, các bạn đều có thể nghe. Tôi có lão sư, cho nên ngoài lão sư ra, tôi sẽ không nghe. Các vị nói tương ưng với lão sư của tôi nói thì tôi nghe, không tương ưng thì tôi nhất định sẽ không nghe. Tu học hoằng pháp của tôi có phương hướng, có quỹ đạo, có y cứ, làm sao có thể dễ dàng bị người khác dao động, vậy còn có thể thành tựu hay sao? Thành tựu mà còn không dễ, bạn còn có năng lực gánh vác gia nghiệp của Như Lai hay sao? Hoằng pháp lợi sanh là gia nghiệp của Như Lai. Đạo lý này chúng ta phải hiểu thì gốc của chúng ta mới có thể cắm được chắc, đạo nghiệp của chúng ta mới có hy vọng thành tựu.

Giống như cái nguyện này đã nói: “Thành tựu nhất thiết trí tuệ, hoạch đắc vô biên biện tài”. Biện tài từ chỗ nào mà có? Biện tài từ trí tuệ mà có. Trước tiên phải thành tựu tất cả trí tuệ. Tất cả trí tuệ, cái duyên này là thiện tri thức. Tôi thân cận lão sư. Khi còn trẻ, tôi có ba vị lão sư. Ba vị lão sư dạy cho tôi nguyên lý nguyên tắc hoàn toàn giống nhau, đó chính là nghe một mình thầy dạy, không được nghe người khác nói. Không phải nói người khác giảng không hay, không phải là cách nói như vậy, mà là vì mỗi một người có con đường, tư tưởng của mỗi người không giống nhau, phương pháp tu học của mỗi một người cũng không hề giống nhau. Cho nên, chúng ta chỉ có thể học một người, không thể học nhiều. Phải cắm gốc ở một lý, gốc sâu bền vững, sau đó mới có thể thông suốt được tất cả. Đây là phương pháp giáo học cổ xưa của chúng ta, bám sâu, không giống như cách giáo dục của trường học ngày nay.

Tôi cùng Phương tiên sinh học triết học, Phương tiên sinh không để tôi đến trường học để nghe bài, do nguyên nhân gì vậy? Sợ tôi quen biết thầy giáo quá nhiều, quen biết bạn học quá nhiều, nghe ở đây một chút, nghe ở kia một chút, tư tưởng của tôi liền loạn, hay nói cách khác, tôi chỉ có thể có được một ít thường thức của triết học, còn tinh túy của triết học thì tôi không học được. Cho nên thầy rất là từ bi, thầy để tôi đến nhà của thầy học, mỗi chủ nhật thầy dạy cho tôi hai giờ đồng hồ. Lên lớp ở trong nhà của thầy, học trò chỉ có một mình tôi, chúng tôi là một đối một mà dạy. Từ bi đến tột đỉnh! Đây là sư thừa. Thật là không dễ dàng! Tôi không có đóng học phí, cũng không có cúng dường. Vào lúc đó, đời sống của tôi rất là khốn khó, nhưng lão sư đối với tôi tốt đến như vậy, yêu thương đến như vậy là do nguyên nhân gì? Chịu học, hiếu học, chính cái điểm chân thành này đã cảm động lão sư.

Sau khi tiếp xúc với Phật pháp, tôi rất may mắn quen biết Đại Sư Chương Gia, tôi theo học với thầy ba năm. Phương thức của Đại Sư giống y như Phương tiên sinh, cũng là mỗi một tuần dạy cho tôi hai giờ đồng hồ. Tôi thân cận Đại Sư ba năm, mãi đến khi Ngài vãng sanh. Gốc của tôi từ đây mà cắm vào. Một năm sau khi Đại Sư Chương Gia vãng sanh, tôi thân cận lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam ở Đài Trung. Ngày đầu tiên gặp mặt, thầy liền nói ra điều kiện.

Điều kiện thứ nhất, chỉ có thể theo học với thầy, ngoài thầy ra, bất cứ pháp sư, cư sĩ Đại đức nào giảng Kinh nói pháp đều không được nghe.

Điều kiện thứ hai, không luận xem sách gì, sách Phật cũng vậy, thư tịch thông thường cũng vậy, không được sự đồng ý của thầy thì không cho phép xem.

Điều kiện thứ ba, thầy biết tôi ngày trước đã thân cận Đại Sư Chương Gia, thân cận tiên sinh Phương Đông Mỹ, hai người này thầy cũng rất là bội phục, thế nhưng thầy nói: “Những gì mà ông học trước đây với các Ngài đều phải bỏ hết, tôi không thừa nhận, ông học lại từ đầu. Ba điều kiện này ông tiếp nhận thì được, ông ở lại chỗ tôi học, không tiếp nhận thì ông đến nơi khác mà học”.

Tôi tiếp nhận điều kiện của thầy. Đây gọi là sư thừa. Lão sư rất tốt. Điều kiện này có hiệu lực thời gian năm năm, sau năm năm thì sách gì cũng có thể xem, người khác giảng bất cứ thứ gì bạn đều có thể nghe, trong năm năm thì nhất định không được. Tôi dùng phương pháp này có được lợi ích rất tốt, đại khái khoảng hai đến ba tháng liền cảm thấy được tâm thanh tịnh, nhãn căn thanh tịnh, nhĩ căn thanh tịnh, ý căn thanh tịnh. Nhãn căn có rất nhiều thứ đều không được xem, nhĩ căn có rất nhiều thứ đều không được nghe, ý thì có rất nhiều thứ cũng không được nghĩ đến. Tâm thanh tịnh liền sanh trí tuệ. Sanh được một chút trí tuệ, khi nghe lão sư Lý giảng Kinh nói pháp, thể hội liền không giống nhau. Tôi nghe Kinh có được lĩnh ngộ, thể hội được so với bạn học thông thường sâu hơn, được rộng hơn, liền được chỗ tốt. Sau nửa năm thì hiệu quả càng rõ rệt. Tôi cảm tạ lão sư và nói với Ngài: “Phương pháp này tốt, có hiệu quả, lão sư Ngài hạn chế con năm năm, con tự động thêm năm năm”. Tôi tuân thủ phương pháp của lão sư Lý mười năm. Như vậy thì tâm bạn mới có chủ tể, trong sáu Ba La Mật, bạn mới có Thiền định, mới có Bát Nhã.

– HT. Tịnh Không, Kinh Vô Lượng Thọ 10, tập 157, Vọng Tây cư sĩ dịch.

Được gắn thẻ , , , ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *