Hòa Thượng Tịnh Không, Lời dạy của đức phật

Thật thà y giáo phụng hành thì nhất định sẽ tránh xa được hết thảy nghiệp ác

Trong ba nghiệp thì khẩu nghiệp là dễ phạm nhất mà không biết được sự nặng nhẹ của tội này. Cho nên Thế Tôn trong Kinh Vô Lượng Thọ khuyên dạy chúng ta khéo giữ ba nghiệp, trong đó khẩu nghiệp được đặt lên hàng đầu. Câu thứ nhất Ngài dạy: “Khéo giữ khẩu nghiệp không nói lỗi người”. Người khác không có lỗi này mà bạn tạo ra tin đồn vô căn cứ, phá hoại họ, tội này rất nặng. Cho dù người khác có lỗi lầm, liệu bạn có khả năng biết được đó có thật là lỗi lầm không? Họ chân thật có lỗi hay không? Bồ Tát và thiện tri thức tiếp dẫn chúng sanh là dùng nhiều cách thức phương tiện, đường về nguồn không phân hai lối.
Trong Kinh Hoa Nghiêm chúng ta thấy Cam Lộ Hỏa Vương dường như có lỗi, tâm sân hận rất lớn, Ngài dùng hình phạt nghiêm khắc để xử phạt chúng sanh. Nhưng ngài là Bồ Tát, ngài dùng cách thức đó để độ loại chúng sanh đó. Chúng ta là phàm phu không thể hiểu được nên thấy đó là tội lỗi. Hay sự ngu si của Thắng Nhiệt bà-la- môn, sự tham ái của Phạt-tô-mật-đa Nữ. Chúng ta thấy trong Kinh Hoa Nghiêm các vị Bồ Tát dùng phương pháp Tham Sân Si để độ chúng sanh. Chúng ta không có trí huệ, không có pháp nhãn nên không nhìn ra dụng ý của Bồ Tát mà tùy tiện tạo tác khẩu nghiệp, tùy tiện phê bình ác ý, ly gián làm tổn thương, tạo vô lượng vô biên tội nghiệp. Cho nên trong các Kinh Phật khuyên bảo, nhắc nhở chúng ta, khi chúng ta chưa chứng đắc quả vị A-la-hán, kiến tư phiền não chưa đoạn thì nhất định không được tin vào suy nghĩ của chính mình, không được tin vào cách nhìn của chính mình, không được tin vào phán đoán của chính mình. Chân thật là đối với đúng sai, thiện ác chúng ta không có cách gì hiểu rõ được. Chúng ta nhìn thấy hình tượng bên ngoài nhưng không hiểu được dụng ý của các Ngài.
Vậy người học Phật nên dùng phương thức gì để đối nhân xử thế tiếp vật? Khi chúng ta chưa có năng lực này nhìn thấy người khác làm việc ác thì chúng ta chắp tay niệm A Di Đà Phật. Đây là cách làm đúng. Vì vậy nguyên tắc mà Phổ Hiền Bồ Tát dạy chúng ta, chúng ta cần ghi nhớ: “Lễ kính chư Phật, xưng tán Như Lai”. Nếu họ hành thiện pháp, đối với xã hội, đối với chúng sanh có ảnh hưởng tích cực thì chúng ta tích cực tán thán. Nếu họ hành ác pháp, đối với xã hội, đối với chúng sanh có ảnh hưởng tiêu cực, nhưng ta không biết dụng ý của họ thì ta không tán thán nhưng vẫn lễ kính. Đây là Phật dạy chúng ta có thái độ như vậy, chúng ta cần phải học được thái độ này.
Cho nên khi Thiện Tài Đồng Tử tham học thiện tri thức, đối với Thắng Nhiệt bà-la-môn, Cam Lộ Hỏa Vương, hành vi của những vị này dường như là tiêu cực nhưng Ngài vẫn lễ kính mà không tán thán. Ngài đã dạy chúng ta, thị hiện cho chúng ta xem rồi. Những hành vi tạo tác của họ được chư Phật Như Lai tán thán. Thủ pháp rất cao minh. Điều này chính là “đồng sự nhiếp” (cùng chung công việc để thu nhiếp giáo hóa) trong Tứ nhiếp pháp. Phàm phu chúng ta làm không được. Phương pháp các Ngài dùng dường như không đúng nhưng dụng ý rất tốt, hiệu quả rất tốt. Các Ngài có thể dạy người hồi đầu giác ngộ trong lúc chịu khổ nạn, để cho họ chịu khổ. Đây là điều mà phàm phu chúng ta không làm được. Phàm phu chúng ta không những không làm được mà nghĩ cũng không nghĩ ra được. Căn tánh của chúng sanh không giống nhau, tập khí cũng không tương đồng, vì vậy phương thức Bồ Tát tiếp dẫn chúng sanh cũng không như nhau, cách thức cũng không như nhau. Các Ngài có thể làm như vậy còn chúng ta thì không thể.
Đạo Cơ Đốc nói Chúa Giê Su bị đóng đinh trên thập tự giá, trong Phập pháp chúng ta nhìn thấy rất rõ ràng đây là sự bố thí thay cho chúng sanh khổ nạn, sự cúng dường thay cho chúng sanh khổ nạn. Người hại Chúa Giê Su, người khép tội Chúa, người hành hình Chúa, chúng ta thấy đều là người ác. Phật Bồ Tát thì xem đó là những người thiện. Chúng ta làm sao hiểu được chứ? Không ai không phải là người thiện. Giống như chúng ta đọc trong kinh điển thấy vua Ca Lợi dùng hình phạt tùng xẻo đối với Nhẫn Nhục tiên nhân. Hình phạt này so với Chúa Giê Su bị đóng đinh trên thập tự giá còn tàn khốc hơn nhiều. Chúa Giê Su bị đóng đinh trên thập tự giá vẫn không thể khổ bằng, chỉ là bốn cái đinh đóng trên thập tự giá mà thôi. Nhẫn Nhục tiên nhân bị vua Ca Lợi dùng dao cắt từng miếng từng miếng thịt cho đến chết, đó là hình phạt lăng trì nên so với hình phạt của Chúa Giê Su thì tàn khốc hơn nhiều. Nhẫn Nhục tiên nhân thành Phật rồi, Ngài phát nguyện tương lai thành Phật người đầu tiên Ngài độ là vua Ca Lợi. Ngài là ai vậy? Đó là tiền kiếp của Thích-ca Mâu-ni Phật. Vậy vua Ca Lợi là ai? Chính là vị đệ tử đắc độ đầu tiên của Đức Phật, tôn giả Kiều Trần Như. Tất cả đều là Bồ Tát thị hiện, chúng ta làm sao biết được chứ? Nếu không có sự trợ duyên của vua Ca Lợi thì Bồ Tát Tiên nhân không thể tu viên mãn được nhẫn nhục ba-la-mật. Do đó vua Ca Lợi giúp Bồ Tát tu thành tựu nhẫn nhục ba-la-mật, đây là đại công đức. Điều này phàm phu chúng ta làm sao hiểu được.
Hết thảy pháp thế xuất thế gian có vô lượng nhân duyên. Lý rất sâu xa, sự tình rất phức tạp, đây không phải là điều mà trí huệ phàm phu chúng ta có thể hiểu được. Do vậy chúng ta tín phụng giáo huấn của Phật Đà, thật thà y giáo phụng hành thì nhất định sẽ tránh xa được hết thảy nghiệp ác, tích công lũy đức, thành tựu pháp thân huệ mạng của chính mình. Những việc mà người khác làm, chúng ta không biết họ có phải là Bồ Tát tái lai hay không, có phải đến độ chúng sanh hay không? Bản thân chúng ta là phàm phu nhất định không được làm theo. Nếu chúng ta làm theo thì nhất định đọa địa ngục. Điều này phải ngàn vạn lần nhớ kỹ.
TÔN SƯ TỊNH KHÔNG CHỦ GIẢNG
TRÍCH THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN,TẬP 77
Được gắn thẻ , , , , , , ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *