TT Thích Chân Quang, Văn hóa xã hội

Ghét nhầm bậc đáng kính khiến những điều thiện trong tâm bị đánh vỡ

Sự tuyệt đối của Đức Phật - Thiền Tôn Phật Quang
Nếu ta ghét ai đó mà người đó xấu thật thì hậu quả không nặng nề lắm, ta chỉ là người không cao thượng, không bao dung vì còn cái ghét trong lòng. Đạo lý dạy ta không ghét ai, kể cả người xấu, nhưng nếu ta còn thương ghét và ghét nhằm người đáng ghét thì tâm hồn ta không bị đổ vỡ lắm.
Còn nếu ta ghét nhầm một vị khả kính thì thật là bất hạnh, vì kể từ đó tâm hồn ta sẽ tuột dốc, ta sẽ không kiềm chế được cái sai của mình nữa. Những ý nghĩ sai lầm cứ thay nhau trỗi dậy, thúc đẩy ta đi vào lầm lỗi. Qua một đời thì cái tội của mình là không gì đong đếm được.
Nhưng làm sao biết ai đáng kính, ai đáng ghét? Ta không biết chính xác được, vì đã ghét ai rồi thì ta luôn khẳng định người đó là xấu, không ngờ cái suy nghĩ ấy cũng chỉ là sự chủ quan của mình mà thôi.
Vì vậy chúng ta đừng ghét ai trên đời cả. Điều này không khó lắm. Chỉ cần ba năm nỗ lực kiểm soát tâm, loại bỏ cái ghét trong lòng mình đi. Sống trên đời, ta sẽ phải gặp gỡ, tiếp xúc với những người rất khó ưa, rất cà chớn, rất thủ đoạn… Nhưng hãy nguyện lòng không ghét ai cả. Khi ngồi một mình, hãy hướng tâm về con người mình cho là khó ưa đó để xem có chút khó chịu nào khởi lên hay không? Nếu có, hãy sám hối với Phật và trải lòng thương họ ngay.
Con nguyện yêu thương khắp chúng sinh
Trải lòng thanh tịnh đón bình minh
Chẳng còn thù ghét một ai cả
Người thương người nơi cõi thái bình…
—-
Trích “Những điều thú vị từ truyện tích Pháp cú 02” – SP – Trang 176-178.
Được gắn thẻ , ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *