HT Thích Thông Phương, Thiền Tông

Tâm xuân – Trích “Tâm xuân” – HT Thích Thông Phương

Tâm xuân
Khi nói đến mùa xuân là nói đến sự tươi đẹp, an lành. Thế nhân thường mượn mùa xuân để nói đến cuộc sống tươi vui đầy sức sống vươn lên, nên tuổi trẻ được gọi là tuổi thanh xuân, tuổi đầy sức sống. Ngược lại, dù là ngày Tết mà khóc lóc, buồn bã thì cũng không có ngày xuân.
Mà muốn được sống vui như mùa xuân thì phải làm sao?
Phải có Tâm Mùa Xuân. Tức là lúc nào lòng cũng phải mới mẻ, phải tươi vui, không cũ kỹ, khô cằn như mùa thu lá rụng hay mùa đông giá lạnh.
Để có cuộc sống vui như mùa xuân thì phải có tâm mùa xuân là dễ hiểu rồi, nhưng làm sao để có được Tâm Mùa Xuân, đó mới là điều quan trọng. Muốn vậy, chúng ta phải học theo hạnh của ngài Di Lặc.
Theo kinh sách ghi thì hiện nay ngài Di Lặc là Bồ-tát Nhất sanh bổ xứ ở cung trời Đâu Suất. Tại thế gian, hình ảnh hóa thân của Ngài đang được người Trung Hoa thờ phụng qua hình dáng của Hòa thượng Bố Đại bụng phệ, mặt tròn, mỉm cười toe tét.
Vậy cái bụng lớn, miệng cười này có nghĩa gì?
Có câu đối thế này: “Đại đổ năng dung, dung thế gian nan dung chi sự. Hàm nhan vi tiếu, tiếu thế gian nan tiếu chi nhân” (Cái bụng lớn có thể dung chứa những việc mà người đời không dung chứa được. Miệng nở nụ cười mỉm với những điều mà người đời khó có thể cười được. (HT. TS)
Qua tôn tượng, chúng ta thấy Ngài cười một cách thoải mái, cười sạch trong lòng, không phải cười gượng, cười ẩn ý, cười mỉa mai, cười ra nước mắt, đủ thứ cười như chúng ta. Cộng thêm năm đứa bé đeo lên mình, đứa móc tai, đứa móc mũi, đứa móc miệng… mà Ngài vẫn cười. Đó là tượng trưng cho sáu trần. Đúng ra là phải sáu đứa, nhưng thường chỉ thấy năm đứa. Còn đứa tượng trưng cho pháp trần là đối ý căn ẩn bên trong nên không thể thấy mà chỉ thầm hiểu. Nhìn tượng thờ, chúng ta thật sự thấy Ngài là con người hạnh phúc, con người của mùa xuân, ai nhìn vào cũng thấy hoan hỉ, cũng muốn cười theo.
Đặt câu hỏi: Tại sao Ngài cười được như vậy? Trong khi sáu đứa giặc này luôn quấy rầy mà Ngài vẫn cười vui thoải mái. Do tâm Ngài hỷ xả. Ngài tu hạnh hỷ xả.
Hỷ xả là sao? Hỷ là vui. Xả là bỏ. Là vui mà bỏ.
Chuyện kể có lần Ngài tắm dưới ao, áo quần để trên bờ. Đám trẻ đùa nghịch lấy quần áo giấu nơi khác. Ngài lên bờ để thân trần trụi thoải mái chạy đuổi theo bầy trẻ lấy lại quần áo, lòng không chút gợn sóng. Vậy mới là vui, là tâm mùa xuân.
Bởi vì Ngài có tâm hỷ xả. Hỷ xả là tâm luôn hoan hỷ và buông bỏ. Buông bỏ mà vui vẻ. Chúng ta nhiều khi cũng buông, song gắng gượng bắt buộc để buông. Như ai nói nặng xóc óc thì buồn muốn nói lại cho hả giận, nhưng nhớ tỉnh nên dằn xuống cố buông. Vậy sự buông này có hỷ xả không? Đó là cố gắng dằn xuống chứ không phải là hỷ xả. Còn Ngài buông mà vui. Hoàn toàn không chấp giữ, chất chứa gì hết.
Con người sở dĩ đau khổ triền miên là vì tâm chấp giữ quá nặng. Cứ nắm hoài. Nắm rồi chứa. Khi nghe một câu nói không vừa ý thì ghi khắc trong lòng, mà ghi sâu chừng nào thì mệt chừng ấy. Còn giận ai thì giận suốt đời không quên. Như vậy làm sao mà vui được. Lâu lâu ra đường gặp mặt người đó cười được không? Nếu trong lòng giận chừng mười người như vậy thì sao? Ở kia gặp người này không ưa, xuống miền tây gặp người kia không hợp, thì trong lòng chắc là ít có mùa xuân.
Chúng ta nhớ rằng chẳng lẽ mình sống trên đời để giận để hờn nhau hay sao? Đó là điểm để chúng ta kiểm lại, đánh thức mình. Có khi mười năm, hai mươi năm về trước, người đó đối xử tệ xấu với mình, bây giờ đã thay đổi không phải như xưa, nhưng chúng ta cứ nhớ chuyện người ta đã xử tệ ngày trước, rồi theo đó mà đối xử buồn vui với họ.
Cho nên điều thứ sáu trong kinh Bát Đại Nhân Giác có câu:
Quán thân đồng chẳng so đo,
Cũng không nhớ đến ác xưa người làm.
Người dù tạo ác gây hờn,
Cũng không ghét bỏ chỉ thương mê lầm.
Phật dạy quán thân mình và người bình đẳng như nhau, không so đo tính toán, cũng không nhớ đến điều ác xưa người đã tạo. Chuyện xưa qua rồi không nhớ nữa.
Dù người đó có tạo ác gây hờn với mình nhưng đã biết đạo thì cũng không ghét bỏ, vì nếu họ không mê thì đâu ai làm vậy, chỉ cảm thương họ gây tạo quả xấu, vậy thôi!. Nhờ đó, chúng ta được cởi mở, được nhẹ nhàng. Vậy bí quyết để an vui là gì? Là hỷ xả, “hỷ xả thì được an vui, còn chấp giữ thì đau khổ”.
Trong nhà thiền có câu chuyện. Một thanh niên nọ tánh tình hung bạo, ưa nổi nóng gây gổ nên thường bị mọi người ghét bỏ. Một hôm, tình cờ đi lang thang đến ngôi chùa gặp Thiền sư Nhất Hưu đang thuyết pháp. Anh thấy lạ nên vào nghe.
Khi nghe xong thời pháp anh cảm ngộ. Đến gặp ngài Nhất Hưu phát nguyện từ đây sẽ không cãi lộn đánh nhau để khỏi bị người ghét bỏ.
Anh nói:
– Dù ai đó nhổ nước miếng vào mặt đi nữa con cũng nhịn nhục chùi đi. Nghe rồi.
Thiền sư Nhất Hưu bảo:
– Đâu cần như vậy! Cứ để nước miếng tự khô không cần phải chùi.
Anh ta thưa:
– Đâu được Thầy, làm sao mà có thể chịu nổi.
Thiền sư bảo :
– Thì đâu có gì mà chịu nổi hay không chịu nổi, anh cứ xem như muỗi mòng đậu lên mặt, không đáng, cũng không nhục nhã, cứ cười nhẹ mà nhận.
Anh thưa thêm:
– Nếu trường hợp gặp đối phương đánh mình thì sao?
Thiền sư bảo:
– Thì cũng thế thôi! Cũng chỉ là cái đấm vậy thôi.
Anh nghe xong, chịu hết nổi, lấy tay đánh vào đầu Thiền sư Nhất Hưu một cái nói:
-Hiện tại, Hòa thượng thế nào?
Thiền sư bảo:
– Cái đầu của ta cứng như đá nên không cảm giác, trái lại tay của anh đau lắm phải không? Đến đây, anh hết nói luôn.
Tâm của Thiền sư buông xả rỗng rang không chất chứa nên không thấy nhục, không phản ứng gì hết; còn chúng ta nếu bị đánh là nhục, có sân liền. Người nọ tưởng đánh như vậy khiến Ngài bực bội, ai dè Ngài thanh thản an nhiên như không có gì nên mùa xuân luôn ở trong Ngài.
Như câu chuyện Phật bị Bà-la-môn mắng chửi. Phật đi trước ông đi sau mắng chửi hoài. Ngài cứ im lặng đi không nói gì hết. Cuối cùng, ông Bà-la-môn chạy tới hỏi:
– Này Cồ Đàm, bộ điếc sao mà tôi chửi ông không nói gì hết?
Phật thong thả nói:
– Ta không điếc.
– Nếu không điếc vậy sao nảy giờ tôi nói mà ông im lặng?
Phật nói:
– Như ông có món quà muốn biếu cho người, người không nhận thì món quà đó thuộc về ai?
Ông nói:
– Của tôi đem tặng mà không nhận thì đem về nhà chứ có gì đâu. Phật nói: cũng vậy, ông chửi mắng Ta, Ta không nhận thì ông đem về nhà ông đi!
Chúng ta thấy tâm Phật an ổn không? Bị mắng chửi mà không nói, không giận, của họ thì họ tự mang về nhà, tự mang quả báo ác do khẩu nghiệp tạo. Còn chúng ta thì sao? Nhận. Mới có khổ.
Thế nên, chúng ta phải khéo học buông xả, học hạnh khước từ tất cả. Học được như vậy là tâm luôn có mùa xuân. Ngược lại, nhiều khi người ta chưa đem quà tới cửa là chúng ta đã vội chạy ra nhận rồi. Quí vị thấy có không? Tức là họ chưa chửi ngay mặt mình, chỉ chửi xa xa hay là nói với người nào đó là mình đã ra mặt nhận rồi than khổ, chịu khổ. Chúng ta cần phải học hạnh từ chối tất cả. Của anh vẫn là của anh, tôi không nhận.
Trong nhà thiền cũng có chuyện vừa vui mà vừa ý vị là có hai huynh đệ đi trên con đường lầy lội, gặp một cô gái đang mặc đồ mới và đẹp muốn đi qua, nhưng ngại bùn dính dơ đồ.
Ông sư huynh thấy vậy bảo:
– Đến đây ta đưa qua cho. Rồi bế cô bé bỏ qua bên kia đường, xong tự nhiên đi tiếp. Trên đường về, người sư đệ bực bội ra mặt, cuối cùng chịu hết nổi, lên tiếng trách sư huynh:
– Chúng ta là người tu hành, sao huynh làm gì kỳ vậy?
Sư huynh cười ha hả.
Đáp:
– Tôi đã bỏ cô gái ấy ngay lúc đó, còn ông bồng cô gái ấy tới chùa nữa à! Hèn chi mà ông không được vui.
Người sư huynh làm rồi là xong. Còn thầy kia lại ôm trong lòng nên không vui. Khi vô tâm làm, việc qua rồi thôi không vướng mắc gì hết. Còn ở đây có tâm bám giữ ôm cất, chưa phải mình làm mà đã ôm cất nên thành chướng ngại. Tuy nhiên, chúng ta học thiền là phải đạt ý quên lời, chớ không phải nghe đâu chấp đó.
Như câu chuyện này phải học thế nào? Học tinh thần buông bỏ chứ không phải học luôn cả câu chuyện, đó mới chính là khéo học. Cho nên, ra đường ra chợ gặp ai đó chửi mắng xúc chạm đến mình, nghe qua rồi buông là xong, về nhà tinh thần an ổn. Nếu ôm theo về nhà, rồi đem cả lên giường ngủ thì sao? Là nguy hiểm.
Chúng ta nếu hiểu, tập ứng dụng như vậy, lỡ bị người xúc phạm cũng cho phép buồn một chút, vì chưa phải là bực thánh nên cũng còn buồn vui. Song, buồn đó rồi đặt xuống liền thì sẽ không mất tâm mùa xuân, mới được vui vẻ.
Trích “TÂM XUÂN”
Hoà Thượng Thích Thông Phương
Được gắn thẻ , , ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *