Thiền sư Thích Thanh Từ, Thiền Tông

Giá trị của sự tu tập

HT. Thiền sư Thích Thanh Từ
Trong kinh Hoa Nghiêm có một đoạn rất hay. Khi Thiện Tài đồng tử hỏi vị thiện tri thức nếu chỉ nghe, hiểu đạo thôi có đủ chưa? Thiện tri thức giải thích ví như có người đi trên bãi sa mạc vào lúc trưa hè, lại không đem theo nước. Bấy giờ khát nước cháy cổ, người kia muốn tìm chút nước uống cho đỡ khát, nhưng không biết tìm ở đâu? Bỗng đằng xa có một người đi lại, anh này liền hỏi: “Thưa anh, chỗ nào có giếng, có bóng mát xin chỉ dùm, tôi khát quá”. Người kia bảo: “Anh tới ngã ba, rẽ bên phải, đi một đỗi nữa sẽ có bóng mát, bên cạnh gốc cây ấy có một giếng nước”. Anh chàng khát nước cháy cổ nghe nói thế mừng quá, nhưng chưa đi tới đó thì hết khát nước không? Như vậy nghe nói, hiểu rõ còn phải đi tới nơi, vốc nước lên uống, chừng đó mới hết khát.
Cũng thế, nếu chúng ta chỉ học là Văn, rồi hiểu là Tư mà thiếu Tu thì không đi tới đâu, vì khổ của phiền não vẫn chưa hết. Cho nên có nhiều vị Giảng sư giảng thao thao bất tuyệt, mà lâu lâu đùng một cái ra đời. Hỏi tại sao thầy giảng hay quá mà ra đời? Là vì thiếu tu, cũng như khát nước nhưng chưa uống được thì vẫn cháy cổ như thường.
Tu giống như nghe chỗ bóng mát, có giếng nước, mình đang đi tới đó. Trong lúc đang đi cũng vẫn khô cổ như thường? Chừng nào đi tới đích, thưởng thức được vị mát của nước rồi mới hết cháy cổ. Hiểu như vậy mới biết đạo lý chân thật không cho phép chúng ta nói suông mà phải thực hành, có hành mới thấy giá trị của sự tu.
Hồi xưa Phật còn tại thế, nhiều thầy Tỳ-kheo khi đắc đạo rồi rất vui mừng, vì thấy cuộc sống hết sức cao cả. Người tu đáng để cho thiên nhân cúng dường mới gọi là Ứng cúng. Bởi có tu mới thấy đạo pháp quá cao siêu, không phải tầm thường lẩn quẩn trong vòng sanh tử luân hồi. Còn chúng ta bây giờ tu hơi yếu. Hồi mới phát tâm thì mạnh, ở chùa lâu sanh lờn, kế đó yếu dần rồi thối tâm luôn.
Cho nên học là phương tiện đầu. Thầy giúp cho chúng ta hiểu, nhưng hiểu sâu là phải do công phu suy tư của mình. Kế đến tu được cũng là công phu của mình, chớ thầy không làm hai việc sau được. Đạt chân lý là mình, rồi thực hành đến nơi đến chốn cũng do mình. Hai việc sau đòi hỏi mỗi người phải cố gắng, chớ thầy không làm thế được.
Như vậy tinh thần tu học của Thiền viện là tạo điều kiện cho Tăng Ni nghe, suy gẫm, còn tu là phần của quí vị. Ở đây tôi thường hay nhắc chúng ta không chỉ tu trong giờ tọa thiền, tụng kinh mà giờ nào cũng phải tu hết. Hoặc ta ngồi chỗ riêng vắng, suy gẫm lại lời Phật dạy, đó gọi là chánh tư duy. Hoặc khi ngồi chơi chỗ thanh vắng, nhìn thấy những luồng vọng tưởng dấy khởi, mình biết rõ không thèm chạy theo nó, đó là tu. Hoặc do suy gẫm, thấy được lẽ thật nơi mình, nhìn tất cả trò ảo hóa mình cười thôi, không có gì quan trọng hết, đó là tu.
Quí vị nhớ nhiều người ngồi tán dóc thì khó tu lắm. Ban đầu cũng nói chuyện tu hành hoặc chuyện học kinh. Nhưng nói một hồi lảng qua chuyện khác lúc nào không hay. Thế là chuyện bên Tây bên Tàu, chuyện tiếu lâm, chuyện vui cười rùm lên. Hết nhóm này vui cười, tới nhóm khác vui cười, rồi cả liêu ồn náo, không có chút yên tĩnh. Phật tử tới chùa nghe trong liêu quí thầy ồn náo, họ vui không? Họ đánh giá ra sao? Quí thầy đang tu hay quí thầy đang giỡn?
Phật tử tới chùa thấy quí thầy rảnh rang, mỗi vị ra ngồi dưới cội cây, gương mặt thanh thản cười mỉm. Thấy quí thầy sống hết sức thanh tịnh, tự tại, người ta mới quí kính. Chớ còn ngồi dụm ba dụm bảy cãi nhau hoặc nói chuyện tàu lau rồi cười, thì ai mà quí kính được! Không phải mình tu làm tướng cho Phật tử thương cúng dường, nhưng mình phải thật sự sống trong chánh tư duy, suy gẫm về chân lý. Như vậy mới đúng ý nghĩa người tu, vừa có lợi cho mình vừa có lợi cho tất cả mọi người. Đó là điều tôi muốn nhắc tất cả Tăng Ni nhớ, ứng dụng tu có kết quả tốt đẹp cho bản thân và tập thể.
Trích “NGƯỜI LEO NÚI”
HT. Thiền Sư Thích Thanh Từ
Được gắn thẻ ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *