Lời dạy của đức phật, Thiền sư Thích Thanh Từ

Yết-đế, yết-đế, ba-la yết-đế …

Un đúc con cái về sự lý nhân quả báo ứng khi mới vừa hiểu biết, bắt đầu học nói
Vì sao trí tuệ Bát Nhã lại có diệu dụng như là đại thần chú, đại minh chú, vô thượng chú, vô đẳng đẳng chú?
Vì ngày xưa ở Ấn Độ, những chú này thường được dùng để trừ hết các khổ của chúng sanh.
Cũng như vậy, trí tuệ Bát Nhã có đủ công dụng như những thần chú ấy, chân thật không dối, đó là diệu dụng của Bát Nhã.
Cố thuyết Bát Nhã ba-la-mật-đa chú tức thuyết chú viết:
Yết-đế, yết-đế, ba-la yết-đế, ba-la-tăng yết-đế, bồ-đề tát-bà-ha.
” Vì vậy nói chú Bát Nhã ba-la-mật-đa, liền nói chú rằng: Yết-đế, yết-đế, ba-la yết-đế, ba-la-tăng yết-đế, bồ-đề tát-bà-ha.”
Vì sao đã nói trí tuệ Bát Nhã là đại thần chú, là đại minh chú… có diệu dụng trừ tất cả khổ, chân thật không dối, lại còn nói thêm câu chú yết-đế, yết-đế… chi cho thừa?
Cách kết thúc bài Bát Nhã Tâm Kinh này là một nghi vấn cho chúng ta.
Có những nhà khảo cứu giải rằng: Trong thời trung kỳ Phật giáo (thời kỳ Bát Nhã), Mật tông đã chen vào trong giáo tức là trong kinh điển cho nên rốt sau bài Bát Nhã Tâm Kinh có một câu chú để kết thúc.
Nhưng với cái nhìn của Thiền sư thì không phải như vậy. Thiền sư thấy câu chú ở phần kết thúc là đúng nghĩa Tâm Kinh. Vì sao?
Chúng tôi xin trích dẫn câu nói của Thiền sư Duy Tín:
“Trước khi gặp thiện tri thức, tôi thấy núi sông là núi sông. Sau khi gặp thiện tri thức chỉ dạy, tôi thấy núi sông không phải là núi sông. Sau ba mươi năm, tôi thấy núi sông là núi sông.”
Chúng tôi sẽ lần lượt giải thích để quí vị nhận rõ:
1. Trước khi gặp thiện tri thức, thấy núi sông là núi sông: Khi chưa học Bát Nhã, chúng ta thấy núi sông là núi sông, vì chúng ta thấy tất cả pháp thế gian đều là thật.
Núi thật là núi, sông thật là sông. Pháp nào cũng thật, pháp nào cũng cố định cả.
2. Khi gặp thiện tri thức chỉ dạy, thấy núi sông không phải là núi sông: Khi học Bát Nhã rồi, chúng ta thấy tất cả pháp tùy duyên, tất cả pháp không cố định, cho nên núi không phải là núi, sông không phải là sông.
Ví dụ như vì một nguyên do nào, quả đất chúng ta đang ở bỗng rung rinh sụp đổ, núi cao có thể biến thành biển cả, sông ngòi lại hóa thành đồi nông v.v…
Vì vậy các pháp đều tùy duyên, không cố định, nên núi sông không phải là núi sông, tức là thấy đúng trí tuệ Bát Nhã.
3. Sau ba mươi năm, thấy núi sông là núi sông:
Ba mươi năm hành thâm Bát Nhã rồi, mới thấy núi sông là núi sông. Nhận thấy núi sông là núi sông ở đây, có giống với nhận thấy núi sông là núi sông thuở trước, khi chưa gặp thiện hữu tri thức không? Chắc hẳn là không!
Khi xưa thấy núi sông là thật, đến khi dùng trí tuệ Bát Nhã quán chiếu, biết núi sông là tướng tùy duyên không cố định.
Khi biết các pháp hư dối, tùy duyên nên tâm không còn chấp một pháp nào, tức không còn dính mắc vào một pháp nào cả, gọi là tâm vô quái ngại, được cứu kính Niết Bàn, đó là đến chỗ như như.
Tâm như như rồi, thấy núi là núi, sông là sông, không khởi phân biệt, không còn dính mắc.
Thấy núi là núi, sông là sông là cái thấy của Thiền sư, là sống được với bản tâm thanh tịnh của mình tức là tâm kinh vậy.
Kết thúc bằng tâm kinh, tức là kinh này nói thẳng vào tâm, là chỗ không có ý niệm, không khởi phân biệt: núi là núi, sông là sông.
Chúng tôi xin dẫn thêm bài kệ của Thiền sư Trì Bát đời Lý, dòng Tỳ-ni-đa-lưu-chi. Khi sắp tịch Ngài nói kệ:
“Hữu tử tức hữu sanh
Hữu sanh tức hữu tử
Tử vi thế sở bi
Sanh vi thế sở hỉ.
Bi hỉ lưỡng vô cùng
Hốt nhiên thành bỉ thử
Ư chư sanh tử bất quan hoài
Án tố rô tố rô tất rị.”
Dịch:
“Có tử tức có sanh
Có sanh tức có tử
Tử là người đời buồn
Sanh là người đời vui.
Buồn vui hai không cùng
Bỗng nhiên thành bỉ thử
Đối với sanh tử không bận lòng
Án tố rô tố rô tất rị.”
Có tử tức có sanh, có sanh tức có tử. Tử là người đời buồn, sanh là người đời vui. Vì vậy để kỷ niệm ngày sanh, người ta gọi là ăn mừng sinh nhật, còn nhớ tưởng đến ngày mất, người ta buồn sợ nên gọi là ngày kỵ cơm.
Vui buồn, hai cái không cùng tột, bỗng nhiên thành ra có kia, có đây, trong vòng đối đãi.
Đối với sanh tử không bận lòng, tức không còn thấy hai bên, nghĩa là không còn cố chấp hai bên nữa. Không còn cố chấp thật sanh, không còn cố chấp thật tử, thì như thế nào?
Án tố rô tố rô tất rị! Ý nghĩa câu thần chú này là gì? Tức là khi người ta không còn chấp hai bên thì tâm hết dính mắc.
Tâm hết dính mắc tức đến chỗ như như.
Đọc câu chú ấy lên mà không dấy niệm phân biệt, đó là như như.
Như vậy, khi kết thúc bằng mấy câu thần chú là để nói dùng trí tuệ Bát Nhã đến chỗ cứu kính rồi, thì Tâm thể như như, đó tức là Tâm kinh.
Hòa Thượng , Thiền Sư Thích Thanh Từ.
Trích trong : Bát Nhã Tâm Kinh Giảng giải.
Được gắn thẻ , , , , , ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *