Hòa Thượng Tịnh Không, Lời dạy của đức phật

Tín căn & tín lực

Pháp môn tịnh độ tam căn phổ bị
Ngũ Căn lấy Tín Căn làm tổng quát, bốn Căn còn lại đều do Tín Căn sanh ra. Ngũ Lực cũng chẳng ra ngoài lệ ấy. Ngũ Lực vẫn lấy Tín Lực làm tổng quát. Hễ Tín đã có sức mạnh thì những điều sau đó như Tấn, Niệm, Định, và Huệ thảy đều có Lực. Tín chẳng có Lực, bốn điều sau đó cũng chẳng có Lực. Có thể thấy mối quan hệ này hết sức chặt chẽ.
Do vậy có thể biết, vun bồi Tín Tâm vô cùng quan trọng, đặc biệt là trong pháp môn Tịnh Tông. Tín là điều kiện thứ nhất trong ba tư lương (ba điều kiện vãng sanh), là điều kiện cơ bản nhất. Chư vị hãy suy ngẫm, chẳng có Tín thì làm sao quý vị có thể phát Nguyện cho được? Làm sao quý vị niệm Phật cho được? Vì có Chân Tín thì mới có thể sanh khởi Nguyện, Nguyện sanh từ Tín. Đã có Nguyện thì mới bằng lòng niệm Phật. Chẳng nghĩ tới Tây Phương Cực Lạc thế giới, người ấy niệm Phật để làm chi? Sẽ chẳng niệm! Do đó có thể biết: Tín là căn bản của căn bản, đích xác là điều kiện cơ bản.
Chúng ta tu học, theo nhất định một vị thầy cũng là [vì cùng một lý do] như thế. Nếu chẳng có Tín Tâm đối với Thầy, dẫu quý vị theo Thầy lâu đến mấy, phương pháp của Thầy xảo diệu đến mấy, chỉ dạy quý vị, quý vị cũng chẳng đạt được gì cả! Vì sao? Chẳng tin tưởng Thầy. Chẳng có tín tâm, tất nhiên khinh mạn thầy! Vì thế, một người tôn kính Thầy, vì sao người ấy tôn kính? Người ấy tin tưởng. Càng có tín tâm đối với Thầy, càng cung kính Thầy, biểu hiện ra ngoài là tôn sư. Thầy thấy quý vị tôn kính dường ấy, biết quý vị rất tin tưởng Thầy, lời Thầy nói ra quý vị có thể y giáo phụng hành, nên Thầy sẽ nghiêm túc dạy. Thầy dạy dỗ, mà quý vị bề ngoài vâng nhận, trong lòng chống trái, chỉ cung kính bề ngoài, chẳng có tác dụng gì hết, giả trất! Thầy chẳng thể dạy quý vị. Vì sao? Dạy quý vị, quý vị cũng học chẳng hiểu, uổng phí tinh thần, uổng phí thời gian, Thầy chẳng làm chuyện ngốc nghếch ấy. Thật sự cung kính là y giáo phụng hành, tuyệt đối không phải là hình thức, chúng ta phải hiểu điều này. Hình thức, quá nửa là làm cho người khác xem, nhằm tạo ảnh hưởng đến đại chúng. Mọi người chẳng biết đến học vấn và đạo đức của vị Thầy ấy, cho nên ta dùng phương pháp ấy nhằm khơi gợi người khác, đó là thật sự từ bi. Cung kính Thầy khiến cho người khác nhìn vào, [sẽ tự hỏi] vì sao người ấy cung kính vị Thầy ấy như vậy, nghe ngóng “vị ấy thật sự có học vấn, đạo đức”, bèn khởi tâm kính ngưỡng, thậm chí theo vị Thầy ấy tu học, dụng ý ở chỗ này. Đó là gì? Biểu diễn. Biểu diễn trên sân khấu, một phen khổ tâm như vậy. Tuyệt đối chẳng phải là Thầy đòi hỏi học sinh lễ phép bề ngoài hoặc chỉ có hình thức, không phải vậy!
Cung kính nhất là y giáo phụng hành. Thật sự cúng dường cũng là y giáo tu hành để cúng dường, thầy đối với trò có một niềm kỳ vọng như thế mà thôi! “Tín vi đạo nguyên, công đức mẫu” (Tín là nguồn đạo, mẹ công đức). Kinh Hoa Nghiêm nói đến cội nguồn nhập đạo, hết thảy công đức đều sanh trưởng từ TÍN TÂM. Trong Ba Mươi Bảy Đạo Phẩm, trong Ngũ Căn, Ngũ Lực, Tín xếp hàng đầu. Trong ba tư lương của Tịnh Tông, Tín cũng được xếp đứng đầu. Trong mười một món thiện pháp, thiện pháp đầu tiên là Tín. Trong kinh điển Đại Thừa và Tiểu Thừa của nhà Phật, sắp theo thứ tự thuận thì đầu tiên là Tín. Chẳng tin, hết thảy sẽ chẳng thể thành tựu. Do đó, mở kinh điển ra, “như thị ngã văn” là Tín Thành Tựu, tức món đầu tiên trong sáu món thành tựu. Do đó, chúng ta phải hết sức coi trọng điều này.
Kiến lập tín tâm có hai nguồn cội: Một là thiện căn trong đời quá khứ, tự nhiên sanh lòng kính tín đối với Tam Bảo và đối với Thầy. Loại thứ hai là đối với lý luận Phật pháp sẽ dần dần hiểu rõ, tín tâm tăng trưởng.
(Trích trong Kinh A Di Đà Sớ Sao Diễn Nghĩa – Giảng giải: Hoà thượng Thích Tịnh Không)
TỰ BÀN: Niềm tin không phải tự nhiên mà có được. Đối với thế gian, niềm tin vào người khác được xây đắp trên tình thương yêu và lòng bao dung.
Đối với pháp xuất thế gian, hành giả phải tu vô lượng kiếp mới có thể xây đắp được tín tâm thực sự – đó là quả vị Sơ tín vị Bồ Tát trong Đại thừa và Sơ quả Tu-đà-hoàn trong Tiểu thừa. Thánh nhân đạt được quả vị này là những người đã đạt được lòng tin vô điều kiện với Tam Bảo: tin Phật, tin Pháp (tin vào giáo lý của Phật) và tin Tăng (tin vào vị Thầy A-xà-lê của mình)!
Phàm phu chúng ta có thể gieo trồng và vun bồi TÍN TÂM bằng NGUYỆN LỰC thoát ly sanh tử luân hồi. Dù tín tâm của chúng ta với Tam Bảo còn quá mỏng manh, chỉ một chướng ngại nhỏ thôi cũng đã khiến cho chúng ta thoái chuyển tín tâm. Nhưng nếu tâm thoát ly sanh tử luân hồi của chúng ta đủ mạnh sẽ sản sanh ra một sức mạnh gọi là TÍN LỰC.
TÍN LỰC và NGUYỆN LỰC này sẽ giúp chúng ta vượt qua mọi sóng gió trên đường Bồ Đề muôn vàn gian khó.
HOAN NGHÊNH PHỔ BIẾN & CHIA SẺ
Được gắn thẻ , ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *