Hòa Thượng Tịnh Không, Lời dạy của đức phật

Thức ăn càng đơn giản càng hay, càng khỏe mạnh

Hướng dẫn ngắn gọn trong việc thực hành pháp
Năm xưa, tôi ở Mỹ, đi khắp nơi giảng kinh, thường ở trong nhà các đồng học. Nhà cửa rất to, người lại rất ít, hai vợ chồng cùng một, hai đứa con, chẳng có người làm. [Tiền công trả cho] người làm đắt quá, chẳng thuê nổi người làm. Ngày Chủ Nhật kiếm người làm tạm thời, tại Mỹ bèn kiếm người làm tạm thời, trả tiền công theo giờ, mỗi giờ phải tốn bao nhiêu tiền, để họ đến làm giúp cho quý vị mấy giờ, đáng thương lắm!
Vì vậy, thuở ấy, tôi giảng kinh ở đó, tôi hỏi họ: “Rốt cuộc là quý vị làm chủ cái nhà, hay cái nhà làm chủ quý vị?”
Bao nhiêu người đã biến thành nô lệ của nhà cửa, mỗi ngày phải chăm sóc, dọn dẹp nó, thời gian đều bị lãng phí hết vào đó. Người Trung Quốc chẳng phải vậy, người Trung Quốc không làm chuyện ngu ngốc ấy. Cổ nhân Trung Quốc thích sống ở đâu? Ở trong lều tranh! Lều tranh đơn giản, Đông ấm, Hạ mát. Thuở nhỏ, tôi rời khỏi quê nhà khi gần mười tuổi; nói cách khác, trước khi lên mười, tôi sống trong lều tranh. Lều tranh do chính mình dựng, chẳng cần phải tìm kiếm thứ gì, mấy người trong làng quê là đã cất được. Tường đất, dùng hai tấm vách dựng, lèn đầy đất vào giữa. Tường đất rất dầy, Đông ấm, Hạ mát. Phía trên lợp cỏ tranh, rất đơn giản, rất thoải mái, nhà nhỏ thôi! Trong nhà có thêm người thì dựng thêm một gian bên cạnh, bớt rất nhiều việc! Khoa học kỹ thuật đem lại nhiều phiền phức, rườm rà, khổ sở cho con người, thân tâm bất an! Quý vị thấy sống trong lều tranh thoải mái lắm, ngủ rất ấm cúng. Nhà lớn, ngủ chẳng thoải mái, mỗi ngày phải bận tâm, vọng niệm rất nhiều, tâm chẳng định được!
Thức ăn càng đơn giản càng hay, càng khỏe mạnh. Mỗi ngày ăn lắm món như thế, ăn đến nỗi khắp thân toàn bệnh, nhất là đồ ăn hiện thời rất đáng sợ! Tôi thấy một đồng học Tịnh Tông ở vùng Đông Bắc là cư sĩ Lưu Tố Vân đã kể với chúng tôi: Bà ta mời bạn ăn cơm, bạn thân, mời về nhà ăn cơm, chỉ có một món ăn. Người bạn ấy nói: “Một món này có đủ ăn hay không?” [Bà ta đáp]: “Chẳng đủ thì xào thêm một chút nữa!” “Vẫn là món này hả?” Đúng vậy! Một món thôi! Bà ta nói rất rõ ràng, hôm đó, bà ta đãi khách, một món là gì? Giá xào đậu hũ sợi, đúng một món, thật sự bớt việc!
Tôi ở Úc Châu, có một hôm, hiệu trưởng trường đại học mời tôi dùng cơm. [Đó là] hiệu trưởng trường Cách Lý Phỉ Tư (Griffith), rất khó có là ông ta mời tôi đến nhà dùng cơm. Hai vợ chồng [đích thân] xuống bếp [làm cơm], chúng tôi là hai người khách, hai vị chủ nhân, bao nhiêu món ăn? Hai món! Quý vị nói xem: Đơn giản! Ăn rất thoải mái. Ông hiệu trưởng đích thân nấu một món, vợ ông ta nấu một món, thành hai món. Đó là sống qua ngày. Trong cuộc sống phải đại tự tại thì mới tốt, mới thoải mái. Do vậy, chẳng có trụ xứ.
“Vô hữu trẫm tích”, nay chúng ta gọi “trẫm tích” (朕跡) là điềm dự báo. Cảm ứng không có điềm dự báo. Vì sao không có trụ xứ? Khắp pháp giới hư không giới chính là trụ xứ của Ngài, Ngài chẳng trụ một chỗ nào, mà là trụ khắp pháp giới hư không giới. Nơi nào có cảm, bèn ứng nơi đó. Quý vị thấy Ngài tự tại lắm!
XIN THƯỜNG NIỆM A DI ĐÀ PHẬT _()_
TỊNH ĐỘ ĐẠI KINH GIẢI DIỄN NGHĨA – Tập 115
CHỦ GIẢNG: HÒA THƯỢNG TỊNH KHÔNG
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo duyệt: Huệ Trang và Đức Phong
Được gắn thẻ , ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *