Hòa Thượng Tịnh Không, Lời dạy của đức phật

Thế nào mới là thật sự “nghèo khổ”?

Một đệ tử Phật dạy người đầy tớ già cách bán nghèo
“Bần khổ” có ý nghĩa rất sâu, rất rộng. Những kẻ sơ học bình phàm chúng ta thấy nói “bần khổ”, bèn tưởng là bần trong bần phú (nghèo, giàu), đều nghĩ đến tài vật. Phật pháp có ý nghĩa sâu xa! Tài vật nghèo khổ chẳng tính là bần khổ, thật sự bần khổ là gì? Chẳng có đạo! Chẳng có đạo mới là nghèo thật sự. Cũng có thể nói, người chẳng có Giới, Định, Huệ là kẻ thật sự nghèo. Dẫu trong hiện tại, kẻ ấy có rất nhiều của cải, có địa vị rất cao, chúng ta thường nói kẻ ấy là người phú quý, phú quý là quả báo. Vì sao mà có? Trong đời quá khứ, tu tập, tích lũy phước đức; do tích phước nên kẻ ấy giàu có, do tích đức nên kẻ ấy sang quý, kẻ ấy vừa giàu, vừa sang.
Nếu suốt đời này hưởng phú quý, chẳng hề tích đức tu phước nữa, kẻ ấy thật sự là bần khổ. Vì sao? Hưởng hết phước báo ấy, sau khi hưởng hết phước báo, khổ nạn liền đưa tới, phải biết thời gian trôi qua rất nhanh, chớp mắt đã thấy ngay! Trong kinh Phật, chúng ta thường thấy các trường hợp như vậy rất nhiều. Bậc đại phú trưởng giả tu tập, tích lũy cái nhân tối thiểu từ ba đời trở lên.
Trong nhân gian, làm đế vương, nay gọi là người lãnh đạo quốc gia, phước báo to lớn, tối thiểu người ấy tích lũy công đức đã mười đời. Chẳng có mười đời [tích lũy công đức], sẽ không thể đạt đến địa vị ấy. Do vậy, đây là chuyện kẻ bình phàm chẳng thể làm được. Quý vị chẳng có phước báo ấy mà quý vị đạt được, tai họa liền xảy tới, hoặc là quý vị ngã bệnh, hoặc có thể quý vị mắc bệnh chết ngỏm.
Quý vị thấy đạt được địa vị, nhưng chẳng hưởng phước, vì chẳng có phước báo to lớn ngần ấy. Ngoài ra là những tai họa ngang trái, tức là tai nạn ngoài ý muốn. Những nghiệp nhân quả báo đều ở trước mặt chúng ta, quý vị chú tâm quan sát rành mạch, [sẽ thấy] chẳng sai mảy may!
Chúng ta hiểu đạo lý này, liễu giải chân tướng sự thật, mới biết tu tập, tích lũy công đức trọng yếu dường ấy. Đức Phật dạy chúng ta tu công đức, không khuyên chúng ta tu phước đức, vì sao? Phước đức chỉ ở trong nhân thiên, quả báo ở trong cõi trời người, chẳng thể vượt thoát tam giới. Đức Phật dạy chúng ta tu công đức, Công là gì? Công là công phu. Công phu là gì? Công phu là tam-muội, Tam Học Giới, Định, Huệ. Giới là phương pháp, do Giới đắc Định, Định là tam-muội, do Định khai Huệ, Định – Huệ có thể vượt thoát tam giới lục đạo. Định – Huệ nếu gặp Tịnh Tông, quyết định được sanh về Tịnh Độ, phước báo ấy quá lớn. Đến Tây Phương Cực Lạc thế giới, phước báo bình đẳng với chư Phật Như Lai, thế giới ấy là một thế giới bình đẳng. Phước báo thứ nhất là thọ mạng vô lượng.
Chư vị phải biết: Ở trong thế gian này, thọ mạng rất hữu hạn. Bao nhiêu người hâm mộ một trăm tuổi; thật ra, một trăm tuổi cũng chỉ là một cái khảy ngón tay mà thôi. Trên Đao Lợi Thiên là một ngày, một ngày trong Đao Lợi Thiên là một trăm năm trong nhân gian chúng ta, các đồng học học Phật chớ nên không biết điều này.
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Trích đoạn: Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa
Được gắn thẻ ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *