Hòa Thượng Tịnh Không, Lời dạy của đức phật

Phương pháp trở thành bậc “đại pháp khí”

Pháp Sư Tịnh Không
Quá khứ, 200 năm trước, người Trung Hoa từ cổ đến đến nay đều xem trọng giáo dục, giáo dục bắt đầu từ lúc nào? Từ khi người mẹ mang thai, đó là thai giáo. Trong 10 tháng mang thai này, tư tưởng của người mẹ không có ác niệm, không có tà niệm, đều là chánh tri chánh kiến, ngôn ngữ của người mẹ nhu hòa, hoạt động của người mẹ đều như lý như pháp, đều giữ quy củ. Giống như 113 sự việc được nói trong Đệ Tử Quy, cha mẹ đều làm được tất cả. Đứa con vẫn chưa ra đời, chưa rời khỏi cơ thể người mẹ, thì chúng đã nhận được sự giáo dục tốt nhất. Đứa trẻ này sau khi sanh ra sẽ dễ dạy bảo, có đức hạnh, có trí tuệ thông minh, biết nghe lời, cũng chính là: thật thà, nghe lời, thật làm mà chúng ta thường nói, là nhờ lúc mang thai thì đã bắt đầu bồi dưỡng rồi.
Sau khi sanh ra, chúng mở mắt ra để nhìn, chúng dựng tai lên để nghe. Đó là chúng đã đang học tập, ai dạy chúng? Cha mẹ dạy chúng. Chúng bắt chước làm theo lời nói và cử chỉ của cha mẹ, là chúng đang học tập, học bao lâu? Một ngàn ngày, cũng chính là ba năm. Từ lúc ra đời đến ba năm, thì vị thầy chủ nhiệm đầu tiên, là do cha mẹ đảm trách. Cho nên cha mẹ là giáo viên chủ nhiệm đầu tiên của con cái, để cắm gốc rễ. Ngạn ngữ xưa có câu nói “ba tuổi thấy tám mươi”, chúng xem ba năm, ngày ngày xem, xem cả một ngàn ngày, cho nên đã trở thành thói quen của chúng rồi. Thói quen của chúng, từ vấn đề tư tưởng đến ngôn ngữ hành vi, là học tập ở cha mẹ, đều học biết rồi, nên gọi là ba tuổi thấy tám mươi. Ba tuổi, chúng đã được học những luân lý giáo dục đạo đức đó, thì rễ được cắm đã ăn rất sâu rồi.
Đến sáu, bảy tuổi đi học, thì giáo viên dạy chúng, sẽ dễ dạy. Thầy cô tiếp tục cần làm biểu pháp. Làm thầy cô không dễ, vì phải làm tấm gương cho học sinh. Tấm gương của học sinh, ban đầu là cha mẹ đã tạo nền tảng cho chúng, bây giờ để thầy cô giúp đỡ thêm cho chúng trưởng thành. Trong quá trình này, có rất nhiều sách vở, kinh điển, kinh, là việc dạy học của đại Thánh đại Hiền. Những văn tự này phải để cho các bạn nhỏ đọc tụng, nhìn vào sách vở là đọc, không nhìn sách vở là tụng, tụng chính là đọc thuộc lòng. Tại sao phải học thuộc lòng? Vì học sinh còn rất nhỏ, trí tuệ chưa mở, trí nhớ rất tốt, cho nên chỉ dạy chúng nhớ, đôn đốc chúng số lần đọc. Cổ nhân dạy chúng ta: “Đọc sách ngàn lần, tự hiểu nghĩa kia”. Đọc bộ sách này từ đầu đến cuối, học sinh có đọc đủ một ngàn lần hay không, là dùng đó làm tiêu chuẩn. Mỗi ngày, đọc mười lần, đọc hai mươi lần, đọc ba mươi lần, tiến độ của mỗi học sinh không giống nhau. Có bạn rất thông minh, đọc mấy lần thì thuộc rồi; có một số kém một chút, đọc mười mấy lần mới thuộc được; còn kém hơn nữa, phải đọc hai mươi lần mới có thể thuộc, mỗi một người không giống nhau. Cho nên chú ý là duyên không giống nhau, thông minh, trí nhớ tốt, số lần đọc nhiều, thì tăng tốc độ lên, vì tiến độ là mỗi người không giống nhau. Bộ này tôi đọc xong rồi, mới học bộ thứ hai, không được cùng lúc học hai thứ, chỉ có thể học một thứ, thuộc lòng từng bộ một. Ví dụ nói Tứ Thư gồm sách: Đại Học, Trung Dung, Luận Ngữ, Mạnh Tử, thì đọc Đại Học trước, Đại Học đọc đủ một ngàn lần, lại đọc Trung Dung, Trung Dung cũng đọc một ngàn lần, rồi đọc Luận Ngữ, Luận Ngữ cũng đọc một ngàn lần, lại đọc Mạnh Tử, Mạnh Tử cũng đọc một ngàn lần, cách dạy là như vậy.
Trẻ em đọc đến thuộc làu làu, đọc một ngàn lần có lúc chúng sẽ ngộ, chúng hiểu được ý nghĩa bên trong, thì giảng cho thầy nghe. Không phải thầy giảng cho chúng nghe, mà chúng giảng cho thầy nghe, thầy lại cùng với chúng nghiên cứu, để nâng cao trí huệ của chúng, nâng cao kiến giải của chúng. Giáo viên phải hiểu được việc dạy học, giáo viên không thể giảng cho học sinh nghe, giảng cho học sinh nghe, thì chúng hoàn toàn trở nên học theo kiểu học ghi nhớ. Quan trọng nhất là giáo viên phải giúp học sinh khai ngộ, được tiểu ngộ, trung ngộ, đại ngộ, là giúp chúng khai ngộ. Để học sinh đọc, đọc một ngàn lần có chỗ ngộ của một ngàn lần, đọc thêm một ngàn lần lại có chỗ ngộ, không giống với lúc đầu. Nếu như một ngày đọc mười lần, không khó, một năm thì 3000 bộ, mỗi năm đều nâng lên cao, thật sự có thể đến đại triệt đại ngộ; dù không đạt được đại triệt đại ngộ, thì cũng có thể đến đại ngộ. Đại triệt đại ngộ là Thánh nhân, đại ngộ là Hiền nhân, là Bồ-tát, tiểu ngộ là A-la-hán, là Bích-chi-Phật. Đây là triết lý học tập, triết lý dạy học của cổ nhân, là không giống với ngày nay. Mục tiêu học tập cuối cùng của cổ nhân là thành Thánh nhân, Hiền nhân, Quân tử; đó là giáo dục của Thánh Hiền Quân tử.
Sự giáo dục này, đã cắm rễ chắc rồi, thì đến mười bốn, mười lăm tuổi, học kinh Phật sẽ rất dễ khế nhập. Quý vị thấy Đại đức xưa nay, đa phần Tổ sư Đại đức, xuất gia khi nào? Mười mấy tuổi xuất gia, thì học tập kinh điển, các ngài đã có nền tảng văn hóa truyền thống rồi, có gốc rễ ấy nên các ngài học không khó. Phương pháp học không thay đổi, lúc nhỏ ở nhà học, là đọc sách ngàn lần, xuất gia học với sư phụ là vẫn đọc kinh ngàn lần. Sau khi đọc xong ngàn lần, thì giảng cho thầy nghe, có một số điều giảng được khá, đích thực có chỗ ngộ. Thầy cùng với các ngài nghiên cứu thảo luận, giúp các ngài nâng cao, dạy các ngài lên đài giảng, vì đại chúng mà giảng kinh thuyết Pháp dạy học. Nhờ vậy, mà đào tạo ra nhân tài từ đời này sang đời khác, không phải ngẫu nhiên. Hễ lên đài giảng kinh đều là người khai ngộ, chưa khai ngộ không được lên đài giảng, chưa có khai ngộ không được làm chú giải. Lúc xưa việc dạy học nghiêm khắc như vậy.
Ngày nay gặp vấn đề gì? Là không có gốc, vấn đề này nghiêm trọng. Trường học hiện nay, mặc dù chúng ta mở viện Hán Học, mở viện Phật học, mở Đại học Phật giáo, nhưng giáo viên của chúng ta tuyệt đại đa số đều là xuất gia giữa chừng, trung niên xuất gia mới học Phật không phải từ nhỏ. Tôi tiếp xúc Phật Pháp năm 26 tuổi, 33 tuổi xuất gia, xuất gia thì bắt đầu dạy học, gốc rễ không đủ sâu. Tôi học Phật bảy năm, thì xuất gia giảng kinh dạy học. Nhìn lại người xưa, cổ nhân là mười mấy năm, ít nhất đều từ 15 năm trở lên, tôi so với các ngài, ít hơn một nửa. Cho nên ngày nay chúng ta nghĩ đến, làm thế nào để mở trường học theo dạng dây chuyền. Thế nào là dạng dây chuyền? Là mở từ lớp Mẫu giáo, Tiểu học, Trung học, Đại học, mở tiếp nối một mạch. Đây cũng là một trường học đặc thù, có thể hướng đến để Bộ giáo dục áp dụng, chúng ta nêu đề án. Loại trường học này áp dụng hình thức khép kín, tại sao vậy? Vì xã hội là cái chậu ô nhiễm lớn, ô nhiễm nghiêm trọng. Nên những điều quý vị xem, nghe, tiếp xúc được, đều là giúp kích động những tà tư tà niệm, tà thuyết tà hạnh của quý vị vị, vấn đề này nghiêm trọng. Cho nên xã hội ngày nay động loạn, tai nạn nhiều như vậy, không phải là không có nguyên nhân. Nguyên nhân căn bản là ở giáo dục. Môi trường dạy và học của cổ nhân tốt, học sinh đi học tư thục, tư thục là hình thức khép kín. Trong một buổi học ít nhất là hai, ba tiếng đồng hồ; phần nhiều đều là ba, bốn tiếng đồng hồ, giữa giờ không nghỉ ngơi, để tập trung tinh thần của quý vị, nhất môn thâm nhập, trường thời huân tu. Ba đến năm năm dưỡng thành thói quen, đến già vẫn quen thành tự nhiên, nếu từ nhỏ thành thiên tánh như vậy, thì chúng nhận được hiệu quả này, cho nên có thể thành bậc đại pháp khí.
(Trích từ “Tịnh Độ Đại Kinh Khoa Chú 2014”, tập 311)
Được gắn thẻ ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *