Hòa Thượng Tịnh Không, Lời dạy của đức phật

Nếu không thực sự làm bạn sẽ không nhận được lợi ích nào từ Phật pháp

Nếu không thực sự làm bạn sẽ không nhận được lợi ích nào từ Phật pháp
“Người trên toàn thể thế giới, bất cứ ai, những chuyện gặp gỡ trong một đời, bất luận cát, hung, họa, phước, nghèo, giàu, sang, hèn, cho đến những chuyện lặt vặt trong cuộc sống thường ngày, đều có cái nhân từ trước !” Nói cách khác, tuyệt đối chẳng có một chuyện nào phát sanh ngẫu nhiên, chẳng có chuyện nào không có tiền nhân ( cái nhân từ trước ) mà bỗng dưng phát sanh, chẳng có !
Quý vị hiểu nhân quả, ta đối xử với kẻ khác bằng lòng tốt, người ta đáp tạ bằng ác ý. Nếu quý vị hiểu nhân quả ba đời, sẽ cười mà thôi ! Trong quá khứ, ta xử tệ với kẻ ấy, nay chạm mặt nhau, sẽ là oan oan tương báo ! Dẫu ta đối xử với kẻ ấy tốt đẹp cỡ nào, nỗi oán hận của người ấy cứ vọt trào, chúng ta đã hiểu, chớ nên so đo, sẽ hóa giải !Chẳng có tâm oán hận kẻ đó, chẳng có tâm báo thù, sẽ hóa trừ. Vì thế, chuyện lớn biến thành chuyện nhỏ, chuyện nhỏ hóa thành chẳng có !Nếu quý vị cứ ghi trong lòng : “Gã này chẳng thể chơi được ! Ta đối xử tốt với hắn dường ấy, mà hắn đáp trả như thế đó, đồ ác nhân !” Thôi rồi, món nợ ấy vẫn còn. Oan oan tương báo, đời đời kiếp kiếp chẳng hết, chẳng xong, đôi bên đều đau khổ ! Kẻ chẳng liễu giải nhân quả ba đời, thường là như vậy, oan oan tương báo chẳng biết khi nào mới có thể kết thúc ! Hễ giác ngộ thì mới có thể kết thúc ! Chẳng giác ngộ, sẽ vĩnh viễn tiếp tục báo thù, là chuyện rất khổ não. Đã giác ngộ, đã hiểu rõ, dẫu quý vị đối đãi tôi tệ ác cỡ nào, tôi cũng chẳng để bụng, biết đấy là nhân quả trong đời trước, sẽ ngay lập tức hóa giải. Hễ hóa giải, tâm sẽ thanh tịnh, chẳng ghim trong lòng. Ta đối với kẻ này chẳng tốt, người này vẫn đối xử với ta khá lắm. Chỉ có thể tìm được câu trả lời từ nhân quả ba đời. Thật đấy ! Chẳng giả tí nào !
Thuở trước, tôi ở Mỹ. Nước Mỹ có một nhà tiên tri, vẫn chẳng kể như quá xa, ông ta đã qua đời trong Đệ Nhị Thế Chiến. Chúng tôi có xem sách của ông ta, xem bản dịch bằng tiếng Hán. Trong ấy, có một câu rất quan trọng; ông ta nói :“Người trên toàn thể thế giới, bất cứ ai, những chuyện gặp gỡ trong một đời, bất luận cát, hung, họa, phước, nghèo, giàu, sang, hèn, cho đến những chuyện lặt vặt trong cuộc sống thường ngày, đều có cái nhân từ trước ! ” Nói cách khác, tuyệt đối chẳng có một chuyện nào phát sanh ngẫu nhiên, chẳng có chuyện nào không có tiền nhân ( cái nhân từ trước ) mà bỗng dưng phát sanh, chẳng có ! Nói cách khác, điều này phù hợp với câu nói của cổ nhân: “Nhất ẩm, nhất trác, mạc phi tiền định” ( Một hớp uống, một miếng ăn, không gì chẳng định sẵn ). “Một hớp uống, một miếng ăn” là chuyện nhỏ. Uống một ngụm nước, ăn một miếng cơm, chuyện nhỏ nhặt mà đều có tiền nhân ! Do vậy, quý vị mới biết giáo dục nhân quả quan trọng lắm !
Tôi nói giáo dục xét theo hình thức thì có bốn loại : Gia đình, nhà trường, xã hội và tôn giáo. Nói đến nội dung giáo dục, tôi cũng nói bốn loại, tức là luân lý, đạo đức, nhân quả, tôn giáo, tức là nói về chân tướng, tức chân tướng của muôn Pháp trong vũ trụ. Nội dung của bốn loại giáo dục khác nhau, đối với bốn khoa mục ấy, thiên trọng khoa mục nào, mỗi thứ khác nhau, cạn hay sâu sai khác ! Cạn, sâu, rộng hẹp có sai khác, đấy là nền giáo dục tốt đẹp. Nhân quả rất trọng yếu ! Biết có nhân quả, sẽ chẳng đối lập với người khác. Dẫu bị thua thiệt, dẫu bị lừa gạt, dẫu bị kẻ khác lăng nhục, hãm hại, vẫn là tâm bình khí hòa. Biết là gì ? Biết là có tiền nhân !
Trong Kinh, Đức Phật đã giảng rất hay, nhưng rất nhiều kẻ sơ sót. Nói ra thì ai nấy đều biết, hễ gặp chuyện bèn ngay lập tức hồ đồ, chẳng biết vận dụng như thế nào !Đức Phật bảo chúng ta: “Dục tri tiền thế nhân, kim sanh thọ giả thị” ( Muốn biết cái nhân trong đời trước, những gì hứng chịu trong đời này chính là nó đấy ). Các vị hãy suy ngẫm câu ấy, những gì ta hứng chịu trong suốt một đời này, bất luận là vật chất hay tinh thần, những gì phải gánh chịu là do đời trước đã tạo nhân ! “Dục tri lai thế quả, kim sanh tác giả thị” ( Muốn biết cái quả cho đời sau, những gì tạo tác trong đời này chính là nó đấy ). Quý vị muốn biết đời sau ta có quả báo gì chăng ? Đời này, quý vị khởi tâm động niệm, ngôn ngữ, tạo tác chính là cái nhân cho cái quả trong đời sau. Nếu quý vị tham cứu thấu triệt hai câu ấy, dẫu giáo dục nhân quả chẳng viên mãn thì cũng chẳng sai khác cho mấy ! Lời nhận định của ông Khải Tây (Edgar Cayce) tương ứng với điều này, tương ứng với câu “nhất ẩm, nhất trác, mạc phi tiền định” của cổ nhân. Quý vị xem kỹ ba câu ấy, sẽ hiểu rõ !
Thuở trẻ, tôi được Chương Gia đại sư giảng cho tôi nghe. Liễu Phàm Tứ Huấn đã ban cho tôi một khải thị rất lớn. Vì thế, sau khi tôi học Phật ( từ hai mươi sáu tuổi trở đi ), tôi nghiêm túc sửa ác hướng lành, khởi tâm động niệm chẳng còn nghĩ vì chính mình, thường nghĩ thay cho người khác. Thuận theo tuổi tác mà phạm vi nghĩ tưởng ngày càng rộng. Đến lúc đã tám mươi tuổi, kể từ bảy, tám mươi tuổi, ý niệm chuyển thành khắp Pháp giới hư không giới. Nếu nói theo giáo dục nhân quả, quả báo trong đời sau của tôi sẽ tốt đẹp. Tuổi già chẳng có ác niệm, chẳng có ác ngôn, chẳng có ác hạnh. Kẻ khác hủy báng tôi cũng thế, lăng nhục cũng thế, hãm hại cũng thế, tôi đều hoan hỷ tiếp nhận. Không chỉ là chẳng có sân khuể, chẳng báo thù, mà tôi còn có tâm cảm ơn. Cớ sao cảm ơn? Ở trong cảnh giới ấy, giống như được thầy khảo thí, xem thử Nhẫn Nhục Ba La Mật, xem thử công phu Lục Độ của tôi đã đạt đến cảnh giới nào. Hễ kiểm tra bèn tìm ra ngay !
Trong tâm của tôi, những người đối xử với tôi ác liệt như thế toàn là thiện tri thức, đều giúp tôi nâng cao cảnh giới, cớ sao tôi chẳng cảm ơn ? Vì thế, tôi đã nói, chúng ta là người học Phật, đặc biệt tu cái tâm thanh tịnh, tu Tịnh Độ. Nhất định là chúng ta đối với người, đối với sự, đối với vật, chẳng có ý niệm đối lập, điều này rất trọng yếu. Chẳng có ý niệm đối lập mới là bình đẳng. Chẳng có ý niệm khống chế, sẽ chẳng mê hoặc. Chẳng có ý niệm chiếm hữu, sẽ chẳng có tâm tham. Tham, sân, si phải đoạn bằng cách như vậy ! Từ trong nội tâm của chính mình, chẳng đối lập với hết thảy người, sự, vật, chẳng đối lập với Pháp thế gian và xuất thế gian, sẽ chẳng có sân khuể. Không chiếm hữu, sẽ chẳng có keo tham. Không khống chế, sẽ chẳng có mê hoặc. Đoạn tham, sân, si từ chỗ này.
Trích : Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh, Tịnh Hạnh Phẩm Thứ 11 – Tập 1519
Chủ Giảng : HT Thượng Tịnh Hạ Không.
Được gắn thẻ , ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *