Ăn chay, Hòa Thượng Tịnh Không, Lời dạy của đức phật

Ăn chay vô cùng quan trọng. Ăn uống trong nhà Phật, tại sao lựa chọn ăn chay vậy?

HT Tịnh Không Người tu hành
Phật Bồ Tát dạy chúng ta đạo dưỡng sinh, đặc biệt chú trọng tâm từ bi. Người thế gian dưỡng sinh chỉ biết sinh lý, ăn uống phải vệ sinh, “vệ” là bảo vệ, bảo vệ sinh lý, mong cho sinh lý khỏe mạnh, nhưng nhân tố chân thật của sinh lý khỏe mạnh họ chưa tìm ra. Cho nên, dù lựa chọn thức ăn khỏe mạnh nhất, họ vẫn cứ bị bệnh, họ vẫn cứ bị già, chết. Nguyên nhân gì vậy? Đối với khỏe mạnh, trường thọ, việc giữ gìn sinh lý khỏe mạnh không phải là nhân đứng đầu, nó là nhân thứ hai, đây là trị ngọn, không phải trị gốc. Từ đó cho thấy, người coi trọng vệ sinh là trị ngọn, không trị gốc. Gốc là gì vậy? Gốc là tâm! Trong kinh Phật thường nói: “Y báo chuyển tùy theo chánh báo”, thân thể này của chúng ta là y báo, tâm là chánh báo. Tâm lý khỏe mạnh thì sinh lý chúng ta phần lớn là khỏe mạnh;phương diện ăn uống hơi chú ý một chút, thế là sống vô cùng khỏe. Tâm lý không khỏe mạnh, sinh lý điều dưỡng thế nào đi nữa vẫn chẳng giúp ích gì được. Loại điển hình này chúng ta thấy quá nhiều rồi.
Thời cổ đại, những đế vương, văn võ đại thần, đối với bảo vệ về mặt sinh lý đều là tìm một số chuyên gia, những người lỗi lạc đến chăm lo cho họ, nhưng họ vẫn đoản mạng như thường. Quí vị hãy thử kiểm tra xem, đế vương các đời được mấy người sống đến 70 tuổi? Không có mấy người, đại đa số là 40 tuổi – 50 tuổi thì mạng sống đã kết thúc. Năm – sáu mươi tuổi là trường thọ rồi. Người 70 tuổi trở lên thật hiếm có, người xưa gọi là tuổi xưa nay hiếm. Nguyên nhân gì vậy? Đã lơ là vệ sinh tâm lý, họ chỉ biết vệ sinh sinh lý, họ không biết vệ sinh tâm lý. Cho nên, tâm từ bi là quan trọng hơn cả. Chúng ta dưỡng thân thể, còn phải biết dưỡng tính tình.
Ăn uống trong nhà Phật, tại sao lựa chọn ăn chay vậy? Phật Thích Ca Mâu Ni năm xưa còn tại thế khuyến khích chúng ta ăn chay, nhưng bản thân Ngài không có thực hành ăn chay, đó là do môi trường sống không cho phép. Đức Phật là người vô cùng từ bi, người từ bi không muốn phiền phức người khác. Đức Phật mỗi ngày ra ngoài đi trì bát, khi trì bát, người ta ăn cái gì thì cúng dường cái ấy, vậy là thuận tiện. Nếu như Phật muốn đề xướng ăn chay, vậy mỗi một nhà đều phải chuẩn bị một chút thức ăn chay để ứng phó người trì bát, vậy thì phiền phức biết bao. Ngài không muốn thêm phiền phức cho người, đây là tùy duyên. Chư Phật Bồ Tát tùy duyên không sao cả, bởi vì tâm họ từ bi, họ không có phân biệt, không có chấp trước, tâm của họ thanh tịnh, không bị ô nhiễm. Chúng ta là phàm phu, tâm của chúng ta không thanh tịnh, tâm chúng ta sẽ bị ô nhiễm, cho nên không thể không có lựa chọn.
Phật giáo Trung Quốc áp dụng ăn chay bắt đầu từ Lương Vũ Đế. Lương Vũ Đế đọc kinh Lăng Già, trong kinh Phật khuyến khích Bồ Tát không nên ăn thịt chúng sanh. Sau khi ông đọc xong, ông vô cùng cảm động. Bản thân ông áp dụng ăn chay và khuyến khích người xuất gia cũng áp dụng ăn chay. Vận động ăn chay là được triển khai như vậy. Phật giáo đồ trên toàn thế giới đều không có ăn chay, ăn chay chỉ có ở Trung Quốc.
Phật giáo đồ xuất gia trên toàn thế giới, trên đỉnh đầu không có đốt liều, đốt liều chỉ có ở Trung Quốc. Đốt liều trên đỉnh đầu ý nghĩa là gì vậy? Trong kinh Phật nói: “Thắp sáng bản thân, soi sáng người khác”, là chúng ta phát nguyện xả mình vì người. Hiểu được ý này là được rồi, không phải bảo bạn đem thân thể đốt cháy thật sự. Thân thể đốt cháy rồi, bạn lấy gì để giúp đỡ người khác? Chư Phật Bồ Tát chính là phục vụ chúng sanh, vì chúng sanh phục vụ, vì nhân dân phục vụ. Bạn không có một thân thể khỏe mạnh, bạn lấy gì phục vụ? Nhà Phật nói đốt thân, đốt ngón tay, đốt cánh tay, đều là lấy ý nghĩa xả mình vì người. Nếu bạn hiểu sai ý nghĩa, thật sự đem thân thể đốt mất, ngón tay đốt mất, cánh tay đốt mất, bạn biến thành tàn phế, việc gì cũng không làm được. Bồ Tát Quan Thế Âm hai tay còn không đủ, phải ngàn tay, ngàn mắt. Chúng ta có hai tay còn muốn đem nó đốt đi, vậy thì thành cái gì? Ý nghĩa hiểu sai rồi! Tổ sư đại đức dạy chúng ta đốt liều trên đỉnh đầu, để bạn từng giây từng phút ghi nhớ, ta đã từng phát nguyện xả mình vì người. Thế nhưng có rất nhiều người trên đầu đã đốt rất nhiều liều. Tôi đã từng nhìn thấy, có một vị xuất gia, trên đỉnh đầu đã đốt khoảng chừng ba – bốn chục vết liều, đốt nhiều như vậy. Đây là tự tư tự lợi, cống cao ngã mạn! Ông ta đốt nhiều, người khác đốt ít, “tôi nhiều hơn anh”, cống cao ngã mạn,hoàn toàn không hiểu ý nghĩa của đốt liều! Cho nên, trên người đốt hay không đốt chẳng có quan hệ gì, trong tâm phải nhớ kỹ lời giáo huấn của Phật, thật sự phát tâm vô điều kiện, vô tư vì tất cả chúng sanh phục vụ.
Ăn chay vô cùng quan trọng. Ăn chay là dưỡng sinh, dưỡng tâm, dưỡng tánh. Tánh, dùng cách nói hiện nay là tinh thần, tức là trong ăn chay cũng có cái không tốt cho tính tình, Phật đều đem nó lựa ra. Mọi người biết, nhà Phật nói rau ngũ huân, “huân” có bộ thảo đầu, huân không phải thịt, cho nên rất nhiều người nói ăn huân là ăn thịt, đây là sai rồi! Huân không phải thịt, huân là rau. Thịt, nhà Phật gọi là “huân tanh”. Huân là năm loại rau, mọi người đều biết, đó là tỏi, kiệu (chúng ta gọi là kiều đầu), rau hẹ, hành, hưng cự (chúng ta gọi là hành tây), những thứ này ảnh hưởng sinh lý. Người không có công phu, người không có định công, nếu ăn sẽ gây ra hiệu quả không tốt, cho nên nhà Phật tránh nó. Năm loại này gọi là huân thái. Trong kinh Lăng Nghiêm, Phật nói rõ ràng, ăn sống rất dễ động can hỏa, nóng nảy bứt rứt. Cho nên Phật mới khuyên người sơ học, bạn muốn bảo vệ tâm trạng lương thiện của mình phải để ý, việc ăn uống sẽ ảnh hưởng tâm trạng. ăn chay gìn giữ tâm từ bi, không ăn thịt chúng sanh, cho nên ăn chay là vệ sinh, vệ tánh, vệ tâm. Đây là sự lựa chọn tốt nhất, là đạo dưỡng sinh tốt nhất, nó dưỡng sinh, dưỡng tánh, dưỡng tâm. Đây là đại học vấn. Từ chỗ này sinh khởi tâm yêu thương, bảo vệ tất cả chúng sanh, hoan hỷ, vô điều kiện chăm lo tất cả chúng sanh, giúp đỡ tất cả chúng sanh. Tâm Bồ Đề là sinh ra từ đây.
Phật thường hay khuyên chúng ta phát tâm Bồ Đề, nhưng tâm Bồ Đề chúng ta không biết phát từ đâu? Tâm Bồ Đề phải phát ra từ trong tâm yêu thương, và tâm thương yêu này không kèm thêm bất kỳ điều kiện nào. Tâm thương yêu có điều kiện thì không phải tâm Bồ Đề. Tâm thương yêu vô điều kiện mới là tâm Bồ Đề. Tâm thương yêu vô điều kiện rất khó phát. Khó ở chỗ nào vậy? Khó ở chỗ chúng ta không hiểu rõ chân tướng vũ trụ nhân sinh. Nếu như bạn hiểu rõ rồi thì tâm Bồ Đề tự nhiên liền phát được. Chân tướng vũ trụ nhân sinh là gì? Hư không pháp giới tất cả chúng sanh là chính mình, đây mới là chân tướng. Cách nói này của tôi mọi người dễ hiểu, cách nói trong kinh của Phật mọi người nghe xong rất khó thể hội ý nghĩa.
Cách nói trong kinh Phật là thế nào vậy? “Mười phương ba đời chư Phật cùng chung một pháp thân”. Cách nói này khi nghe rất khó hiểu, nên tôi đổi lại một chút, “hư không pháp giới tất cả chúng sanh là chính mình”. Các bạn thử nghĩ xem, đến khi nào bạn có thể thể hội được, đến khi nào bạn thừa nhận, bạn khẳng định rồi thì tâm yêu thương của bạn tự nhiên liền phát ra. Tâm yêu thương đó là tâm từ bi bình đẳng, đó là tâm Bồ Đề chân thật. Tốt rồi, hôm nay thời gian đã hết, chúng ta chỉ giảng đến đây.

A Di Đà Phật!

(Trích: Thái Thượng Cảm Ứng Thiên giảng giải, tập 18)
Được gắn thẻ ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *