Đạo Phật

Tâm là Diệu Pháp – thân là Liên Hoa

Tâm là Diệu Pháp - thân là Liên Hoa
Phật dạy trong kinh Pháp Hoa rằng chỉ cần thọ trì một câu, một kệ, một niệm tùy hỷ cũng tăng tiến đạo Bồ đề; nghĩa là cũng phát triển được sự hiểu biết và đạo đức của chúng ta. Chỉ hiểu và ứng dụng được tinh ba của Pháp Hoa trong một niệm tâm, một câu, hay một bài kệ mà còn được công đức, huống chi là cả bộ kinh. Trước khi nói Pháp Hoa, Đức Phật nói kinh Vô Lượng Nghĩa, rồi nhập Vô lượng nghĩa xứ Tam muội. Kinh chỉ ghi đơn giản như vậy. Nhưng theo sớ giải của Thế Thân Bồ tát thì Vô Lượng Nghĩa chính là Pháp Hoa, hay Vô Lượng Nghĩa là một tên khác của Pháp Hoa. Vì vậy, kinh Pháp Hoa không phải chỉ có trong 28 phẩm mà chúng ta thường đọc tụng. Triển khai yếu nghĩa này, Trí Giả đại sư kiến giải rằng kinh Pháp Hoa ở trong bốn chữ Diệu Pháp Liên Hoa. Kinh Pháp Hoa không phải là ngữ ngôn, văn tự nữa. Tâm là Diệu Pháp, thân là Liên Hoa; đó mới thực sự là kinh Pháp Hoa.
Tâm là Diệu Pháp gợi cho chúng ta nhớ rằng người tu Pháp Hoa phải có tâm trong sáng, vô nhiễm. Hành giả Pháp Hoa hiện hữu trên cuộc đời, không bị hoàn cảnh chi phối, không bị vui buồn vinh nhục lay động. Ý này rất quan trọng. Tụng Pháp Hoa suốt ngày, suốt đời, nhưng tâm hồn luôn luôn chao đảo vì ngoại duyên là tu Pháp Hoa theo hình thức, chưa đi vào cốt lõi. Theo Pháp Hoa, cốt lõi là tâm như viên ngọc sáng hàm chứa vô tận tạng, nói đơn giản thì đó là kho báu vô tận. Thật vậy, tài sản quý giá nhất đối với người tu theo Phật là tâm trong sáng có công năng chứa được công đức vô lượng. Chỉ cần khai tâm này, hay khai tri kiến thì chúng ta sử dụng kho báu ấy trong suốt cuộc đời này cho đến muôn đời sau cũng không hết. Phải ứng dụng được sự linh hoạt vô cùng tận của tâm, mới gặt hái được kết quả siêu tuyệt, vượt ngoài khả năng hiểu biết bình thường theo thế gian mà kinh gọi là bất khả tư nghì.
Hành giả Pháp Hoa có tâm là viên ngọc sáng, thân là hoa sen không nhiễm bùn, tức không bị thế tục hóa. Đời sống của người xuất gia dễ thực hiện ý này, hình thức bên ngoài của chúng ta khác với thế tục và không làm việc của thế tục, không sống theo thế tục, mà sống thanh cao, giải thoát. Tụng hay không tụng Pháp Hoa, nhưng có tâm hồn giải thoát, trí tuệ sáng suốt và tấm lòng từ ái, thì đó chính là hành giả Pháp Hoa. Căn cứ trên ba tiêu chuẩn này, trước nhất người tu phải xây dựng đạo đức thực sự cho chính mình. Mọi người đánh giá chúng ta đạo đức thì mới trở thành nhà truyền giáo xứng đáng thay Phật giáo hóa độ sanh trên cuộc đời này.
– HT.Thích Trí Quảng –
Được gắn thẻ , ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *