Thiền sư Thích Thanh Từ, Thiền Tông

Trí viên giác chiếu soi vô minh

Trí viên giác chiếu soi vô minh
Đức Phật dạy niệm Phật để dẹp hết các lăng xăng lộn xộn trong đầu, niệm tới vô niệm thì thấy Phật Di-đà. Còn người tu Thiền dẹp tâm hư dối vọng tưởng đảo điên, lặng hết những thứ ấy thì được định, chứng A-la-hán vào Niết-bàn. Đức Phật do thấy được gốc mê lầm, nên Ngài dạy chúng ta tu để thoát khỏi cội gốc đó. Nhưng chúng ta lại không thấy chủ đích đó, cứ ước mơ khác đi. Niệm Phật để Phật rước về Cực lạc cho sung sướng. Còn muốn sung sướng là còn bản ngã, sướng cho bản ngã hưởng. Như vậy là chưa thấy mục đích của Phật dạy.
Tu thiền cũng thế, trọng tâm của Thiền tông là phản quan tức nhìn lại tâm mình. Biết rõ tâm vọng tưởng phân biệt không thật thì nó tự mất, nó mất tức an định. Niệm Phật trì chú cũng để đi tới chỗ nhất tâm, nhất tâm để được an định. Còn tu thiền chỉ thẳng không mượn phương tiện, dùng trí phản quan thấy rõ thân không thật, tâm không thật thì tự nó dừng lặng.
Sở dĩ chúng ta ngồi thiền hay niệm Phật thấy tâm lăng xăng, là vì từ lâu đã huân tập nhiều quá. Bây giờ yên lặng nó dấy khởi lên, chúng ta biết rõ không thật, từ từ sẽ tiêu tan. Cho nên chúng tôi hướng dẫn Phật tử tu, phải nhìn lại các niệm khởi của mình. Nó dấy lên biết là vọng tưởng không thật, quở riết nó lụn bại, tiêu mòn. Tu như thế là không muợn một pháp nào mà chỉ dùng trí để dẹp, cho nên trong nhà Thiền thường nói “Tông ta không ngữ cú, không một pháp cho người”. Như đức Phật dùng trí Viên giác chiếu soi vô minh, từ từ nó tan thì trí Viên giác hiện tiền.
Tu mà muốn đời sau sung sướng là còn nằm trong luân hồi, tức còn vô minh. Muốn phá luân hồi phải dùng trí tuệ chiếu phá vô minh. Chừng đó không nói giải thoát cũng là giải thoát. Ngược lại cứ chiều theo bản ngã, thì đời đời kiếp kiếp luân hồi hết nơi này đến nơi khác. Có nhiều vị nghĩ rằng, mình luân hồi nhưng được sanh chỗ sung sướng cũng tốt. Giả sử điều đó đúng, người ấy được giàu sang sung sướng, nhưng có một điều rất bình đẳng là khi bệnh khi già khi chết, ai cũng như ai. Sự sung sướng đó chỉ tạm thời, khi tắt thở mọi người đều khổ như nhau.
Chỉ người nào thoát được bốn cái khổ lớn sanh lão bệnh tử mới thật là người hạnh phúc. Biết được chỗ này chúng ta sẽ có cái nhìn khác với thế gian. Thí dụ như cánh tay ta có mụt nhọt đau nhức, lúc đó mình nói mụt nhọt ở cánh tay đau hay mình đau? Thường người ta nói mình đau, rồi rên rỉ đủ thứ. Sự thật chỉ vì mụt nhọt đụng những dây thần kinh nên chỗ đó đau thôi chớ mình đâu có đau. Nhưng người đời hay đồng hóa tất cả là mình hết. Sự thật không phải vậy.
Có một vị Thiền sư bị bệnh, thầy Tri sự đến thăm:
– Bạch Hòa thượng, Hòa thượng bệnh có cái không bệnh chăng?
Thiền sư đáp:
– Có.
– Cái không bệnh nó thế nào?
Ngài nói:
– Ôi da! Ôi da!
Quí vị có thấy cái đó chưa? Cái biết đau nó không đau. Chỗ đau chỉ ở nơi thân phần nhỏ của thân, chớ ta không đau. Nhưng lâu nay mình đồng hóa, đau một chỗ là đau tất cả nên rên rỉ thống khổ.
Khi nhận ra được điều đó rồi, lúc nào đau mình nhìn xem nó đau tới đâu, nhìn một hồi tự nhiên quên đau luôn. Đó là điểm đặc biệt. Do trí giác biết được chỗ đau thì cái biết đó đâu có đau. Hiểu vậy rồi trong cuộc sống này chúng ta đã có một phần tự tại, còn không vừa động tới liền rên la đau quá. Đó là chỗ rất thiết yếu.
Trích “NGUỒN GỐC TU HÀNH CỦA PHẬT”
H.T Thiền Sư Thích Thanh Từ
Được gắn thẻ , ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *