Hòa Thượng Tịnh Không, Lời dạy của đức phật

Phước báo hưởng thụ các tầng trời và quang

U Minh giáo chủ Địa Tạng Vương Bồ Tát

Phạm Chúng thiên, Phạm Phụ thiên, Ðại Phạm thiên.

(Trời Phạm Chúng, trời Phạm Phụ, trời Ðại Phạm.)

Ðây là cõi Sơ Thiền. Ba cõi trời Sơ Thiền này, chúng ta gọi là ba tầng, nhưng trên thực tế chỉ là một tầng, phước báo hưởng thụ chẳng giống nhau. “Phạm Chúng” ví như nhân dân, người dân thường; “Phạm Phụ” ví như đại thần, quan cao, quan lớn, sự hưởng thụ đương nhiên cao hơn dân thường; “Ðại Phạm” ví như thiên vương, phước báo càng lớn
hơn. Cùng một tầng trời có ba hạng hưởng thụ khác nhau. Tuy cõi Sơ Thiền ở Sắc Giới có hưởng thụ, chư vị phải biết họ chẳng có ý niệm, tâm địa thanh tịnh. “Phạm” là tiếng cổ Ấn Ðộ, dịch nghĩa là thanh tịnh. Sơ Thiền tâm địa đã thanh tịnh rồi, lên cao hơn thì chẳng cần nói nữa, càng lên cao càng thanh tịnh

Nhị Thiền gọi là “Quang thiên”. Thiểu Quang thiên, Vô Lượng Quang thiên, Quang Âm thiên.

(Trời Thiểu Quang, trời Vô Lượng Quang, trời Quang Âm.)

Cổ đức nói: Đại khái, Sơ Thiền vẫn còn tổ chức giống xã hội nhân gian, có nhân dân, có quan liêu, có quốc vương; Nhị Thiền trở lên chẳng còn nữa, thế giới bình đẳng, chân chánh cộng hòa, chẳng có quốc vương, đại thần gì hết, mọi người đều bình đẳng. Tuy bình đẳng nhưng phước báo vẫn còn sai khác, sai khác do đâu mà có? Công phu tu hành mỗi cá nhân chẳng giống nhau. Thí dụ chúng ta học trong trường, cùng một lớp thì mọi người đều giống nhau, lúc thi cử thì có hạng nhất, hạng nhì, vẫn còn xếp hạng, vậy thì có chỗ chẳng bằng nhau, trong chỗ đồng có chỗ không đồng. Lúc chưa thành Phật thì hiện tượng này vẫn tồn tại. Cùng là Ðẳng Giác Bồ Tát, Ðẳng Giác Bồ Tát cùng nhau thi cử cũng có hạng nhất, hạng nhì, hạng ba. Chỉ đến quả địa Như Lai thì mới hoàn toàn bình đẳng, một chút sai khác cũng chẳng có, những đạo lý và sự việc này chẳng khó hiểu. “Trời Thiểu Quang” có ánh sáng nhưng ít hơn so với cõi khác; “Trời Vô Lượng Quang” thì ánh sáng nhiều hơn. Ánh sáng này từ đâu đến? Nói cho chư vị biết tâm thanh tịnh sẽ phóng quang, tâm địa thanh tịnh sẽ phóng ánh sáng.

Thật ra hết thảy vạn vật đều phóng quang. Hôm trước sư Ngộ Toàn đem hình cho tôi xem, Sư nói ở ngoài đời có một dụng cụ có thể chụp “quang” của người. Sư đi chụp rồi lấy tấm hình cho tôi xem; tôi nói muôn vàn đừng bị gạt, đừng bị người ta gạt. Ðích thật con người có quang, vật cũng có quang, ngay cả cỏ cây cũng có quang, đây là sự thật.

Quang của mỗi người có màu sắc khác nhau, lớn nhỏ khác nhau, một số người luyện Khí Công có thể nhìn thấy, người có công phu định lực thì chẳng cần nói nữa. Nhìn thấy quang trên thân người của bạn, người luyện khí công gọi đó là khí, họ gọi bằng danh từ “khí”, người tu thiền định gọi đó là “quang”. Từ màu sắc và cường độ lớn nhỏ của quang có
thể biết tâm hạnh của người này là thiện hay ác. Tâm địa thiện lương từ bi, tâm thiện, hạnh thiện phóng ra quang màu vàng kim, đây là thù thắng nhất, tốt nhất. Kế đó là màu vàng, màu kém hơn một chút. Tại sao quỷ thần nhìn thấy người tu hành thì tôn kính? Họ nhìn thấy quang, năng lực này của họ là [nhờ quả] báo [mà có] được, quỷ thần có quả báo được Ngũ Thông. Họ nhìn thấy người tâm địa hiền lương, từ bi, hạnh thiện, chẳng phải là người tu hành, nhưng quang của những người này cũng tốt, quỷ thần nhìn thấy đều tôn kính, chẳng dám làm tổn hại.

(Trich luợc: ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN KINH GIẢNG KÝ – QUYỂN THƯỢNG – Chủ giảng: Hòa thượng Tịnh Không. (Giới Thiệu Đề Kinh – Biệt Đề – Tập 5- Tiếp theo…. trang 95 – 96 )

Được gắn thẻ , , , , ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *