Hòa Thượng Tịnh Không, Lời dạy của đức phật

Lời khai thị thù thắng của Pháp Sư Tịnh Không

Tất cả chúng sanh đều là Phật A Di Đà - HT Tịnh Không
1. Chúng ta sống trong thế gian này, có phương hướng chính xác, có mục tiêu đúng đắn. Bất luận là thuận cảnh hay nghịch cảnh, thiện duyên hay ác duyên đều biến thành tăng thượng duyên tốt cho mình. Giúp chúng ta nâng cao cảnh giới, quý vị nghĩ xem vui biết bao, điều này không phải người thế tục bình thường có thể lý giải được.
Tìm cầu thế tục không ra khỏi luân hồi lục đạo (trời, người, a tu la, ngạ quỷ, súc sanh, địa ngục), tìm cầu thế tục nhất định tạo nghiệp nhiều. Ác nghiệp nhiều, thiện nghiệp ít, sau khi chết thì rất phiền phức. Con người tuyệt đối không thể nói chết là hết. Như vậy những học vấn này chúng ta không cần học nữa. Ngày nay chúng ta đều biết, chết rồi không phải hết. Lời này là thật không phải giả, cho nên không thể chết.
Chúng ta là người tu Tịnh Độ (Pháp Môn Niệm Phật), người tu Tịnh Độ không chết. Người tu Tịnh Độ ở thế giới Cực Lạc vô lượng thọ, chúng ta hiện tại đã là vô lượng thọ. Vãng sanh thế giới tây phương Cực Lạc, không phải sau khi chết mới đi. Câu này chư vị nhất định phải biết. Khi quý vị vãng sanh, quý vị thấy Phật đến tiếp dẫn, sống mà ra đi. Quý vị đi theo Phật, thân thể này không cần, bỏ đi. Quý vị chưa chết, đang sống mà vãng sanh. Khi chết rồi thì phiền phức rất lớn, không dễ được vãng sanh, cho nên Phật pháp này gọi là Phật pháp thành tựu trong một đời. Thành tựu gì? Một đời thành Phật. Ngày nay chúng ta là một đời vãng sanh, sanh đến thế giới Cực Lạc là một đời thành Phật, không phải là đời thứ hai, không có đời thứ hai.
Điều này khác với luân hồi. Luân hồi đích thực không biết luân hồi bao nhiêu lần, không ngừng lặp lại. Vãng sanh không như vậy, vãng sanh là thành tựu rất rõ ràng. Chúng ta hiểu rõ ràng minh bạch đạo lý này, nên xả thì phải xả, nên giữ thì phải giữ.
Hiếu dưỡng phụ mẫu, phát tâm Bồ Đề là thật sự hiếu dưỡng cha mẹ. Bồ Đề tâm là chân tâm (tâm thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi), trí huệ tâm, giác ngộ tâm. Trong Phật pháp thường nói Giác mà không mê, Chánh mà không tà, Tịnh mà không nhiễm, tâm này là tâm đại Bồ Đề.
Chúng ta có trí huệ để lựa chọn, lựa chọn phương hướng là thế giới tây phương Cực Lạc, lựa chọn mục tiêu là thân cận Phật A Di Đà. Tôi đến thế giới Cực Lạc làm gì? Là nương Phật A Di Đà làm Thầy, theo ngài học tập. Có tâm nguyện như vậy nhất định được ngài gia trì. Ngài sẽ toàn tâm toàn ý quan tâm, dạy dỗ. Trong đời này nhất định được thành tựu, đây mới là thật sự hiếu dưỡng cha mẹ. Quý vị chỉ cần đến thế giới Cực Lạc, sẽ có năng lực biết được cha mẹ trong nhiều đời nhiều kiếp của mình đang ở đâu, không phải chỉ cha mẹ trong đời này, cha mẹ trong quá khứ chúng ta đều biết hết. Quý vị có trí huệ, có thần thông, có thiên nhãn nên thấy hết biết hết. Họ hiện đang thọ quả báo gì, họ cần điều gì chúng ta đều biết. Quý vị có năng lực chăm sóc họ, có năng lực giúp đỡ họ và có năng lực để độ họ.
2. Trong kinh, đức Phật dạy chúng ta: Một người khi lâm chung, các con phải thực sự thương quí họ, giúp đỡ họ, các con làm cho họ nhẹ nhàng rời bỏ thế giới này, đừng động chạm đến họ. Vì nỗi đau khổ khi linh hồn xa lìa thể xác, được kinh điển ví như một con rùa sống bị lột mai, khi một con rùa đang sống mà ta cố gắng lột cái mai nó ra, linh hồn lìa khỏi thể xác cũng đau đớn như thế, rất khó khăn. Vì thế chúng ta phải niệm Phật để giúp đỡ họ, phải trợ niệm, đừng đụng đến thân thể họ, trong tám giờ (tám tiếng), ngay cả giường nằm của họ cũng không nên đụng đến, vì sợ họ bực bội, khi đã bực bội, sân hận, họ dễ đọa lạc. Vì thế, chúng ta chỉ đứng cạnh niệm Phật giúp họ.
3. Nếu gặp cảnh giới trong tâm không vui liền sanh giận dữ. Như vậy là xong, quý vị không đạt được công phu nào cả. Gió mới động đã bị thổi ngã, như vậy làm sao có thành tựu?
Thuận cảnh thiện duyên không có tham luyến, tất cả là đến khảo nghiệm công phu. Thuận cảnh thiện duyên chúng ta hoan hỷ, hoan hỷ là một trong thất tình, là phiền não. Thuận cảnh thiện duyên không tham luyến, nghịch cảnh ác duyên không oán hận. Ở trong cảnh giới này, không bị ngoại cảnh quấy nhiễu. Vĩnh viễn là bình tĩnh, đây là tâm bình đẳng (tâm như như bất động). Trong kinh Phật thường nói tâm bình thường, tâm bình thường là chân tâm, chân thành.
4. Đức Phật dạy: “chế tâm nhất xứ, vô sự bất biện”. Nếu chúng ta có thể giữ tâm lại một chỗ thì ta có thể cắt đứt phiền não, không chỉ cắt đứt kiến tư phiền não, trần sa phiền não, mà vô minh phiền não cũng cắt đứt được. Thiền định dựa trên nguyên lí nào? Đưa tâm về một chỗ, giữ nó lại một chỗ. Việc này nói thì dễ nhưng rất khó khi thực hiện.
Ngày nay chúng ta niệm Phật nhưng không thể nhiếp tâm, phương pháp niệm Phật trong cuốn Viên Thông Chương, Bồ Tát Đại Thế Chí đã nói rất rõ: “đô nhiếp lục căn, tịnh niệm tương tục (nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm liên tục)”.
Ngày nay chúng ta niệm Phật vẫn còn rất nhiều tạp niệm, nhiều vọng tưởng (vọng niệm), đấy là do tâm tán loạn, niềm tin của ta chưa vững chắc, nên sức niệm của ta chưa đủ lực. Nếu nhiếp tâm được, tức là tâm không chạy theo ngoại cảnh, chỉ tập trung vào một câu danh hiệu A Di Đà Phật, ngoài câu A Di Đà Phật không còn nhớ nghĩ gì khác. Được thế thì sức mạnh của nó rất lớn, sức mạnh này có thể diệt phiền não ngay bây giờ, thậm chí cắt đứt mọi tập khí (phiền não vi tế).

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *