Chuyện nhân quả - vãng sanh

Tần phu nhân

Nam Mô Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Phật
Tần cư sĩ là một phụ nữ rất xinh đẹp, từ nhỏ đã có khiếu mỹ thuật, tuổi còn trẻ đã là thầy dạy cắt uốn tóc nổi danh khắp thành phố. Bà là người lanh lẹ vén khéo, đảm đang.
Sau khi cách mạng giải phóng, bà tự mở một tiệm làm tóc tại nhà, đến nay phát triển thành một thẩm mỹ viện bề thế, quy mô.
Tần cư sĩ rất có hiếu với mẹ. Lúc mẫu thân lâm chung, bà quỳ trước giường suốt 8 giờ, không ngừng niệm Phật, làm cả nhà mười mấy người xúm nhau quỳ xuống niệm Phật theo. Đột nhiên mọi người không hẹn mà đồng thanh la lên: “ôi chao! Tôi nhìn thấy Bồ Tát Quan Thế Âm rồi!” Ngay lúc ấy, trong phòng bệnh nhân tràn ngập hương thơm kỳ diệu, khiến người thanh mát cả tạng phủ. Mọi người đồng thấy Quan Thế Âm Bồ Tát giáng lâm phía trên (bên phải giường bệnh), chỉ riêng Tần cư sĩ nhìn thấy mẹ mỉm cười, hướng không trung mà đi, hơn nữa còn nghe phật nhạc vang vang.
Lúc này toàn gia cực kỳ hưng phấn, đồng quay lại nhìn mặt mẫu thân, thấy gương mặt bà đang cười mỉm, đã an lành vãng sinh. Từ đó cả nhà đều tin Phật giáo.
Chính vị Tần cư sĩ thuần thành thiện lương này, đã nhiều lần nhờ tôi giúp bà liên hệ xuất gia. Qua trò chuyện tôi mới biết,sở dĩ bà muốn xuất gia là do không có tình cảm với chồng, giữa họ thường gây cãi, ông xã có lúc còn ra tay đánh bà.
Những lần như thế tôi đều khuyên bà không nên trốn lánh hiện thực để xuất gia. Huống chi bà còn có đứa con gái chưa thành niên, đang cần mẹ chăm sóc, nuôi dạy.
Cách đây không lâu, một buổi tối bà đột nhiên gọi điện tới khóc sướt mướt, kể là do gây gỗ cùng chồng, bà đã đến nhà em trai cư ngụ ba ngày rồi, hiện giờ chỉ muốn gặp tôi ngay, nếu không bà chẳng thiết sống nữa.
Vừa gặp mặt, Tần cư sĩ òa khóc, kể lể: “Tôi hiện ngụ trong tòa nhà ba phòng, mới mua hồi nửa năm trước với giá 40 vạn tiền này hoàn toàn do tôi kiếm được. Tôi cùng chồng sống chung, khi đi coi nhà thấy ưng ý, nhưng do bận việc bề bộn nên tôi giao ông xã giữ tiền và lo thủ tục mua nhà. Không bao lâu đã có được chìa khóa nhà mới.
Tôi cho rằng nửa đời chịu khổ chịu cực của mình đã được đền bù bằng ngôi nhà ưng ý. Nhưng ai có ngờ, ba ngày trước vào một đêm khuya, chồng tôi về nhà bảo:
– Sáng mai hoặc chậm nhất là ngày mốt, em lo chuẩn bị đủ 20 vạn tiền mặt đế giao nộp… nếu không thì phải ra khỏi nhà.
Tôi sững người, bèn hỏi:
– Chẳng phải tôi đã đưa đủ 40 vạn cho anh mua nhà sao? Còn đòi 20 vạn nào nữa?
Ông lớn tiếng quát:
– Tôi chỉ mới đưa người ta 20 vạn, còn 20 vạn tôi đem mua cổ phiếu kiếm lời, nào ngờ bị mất hết. Để gỡ gạc, tôi đã thế chấp ngôi nhà mới này lấy hai mươi vạn, ai dè cũng thua sạch. Bây giờ người ta đòi tiền, không có tiền trả họ thì mình phải ra khỏi nhà…
Tôi cảm giác như sấm nổ bên tai, vội trách ông xã chơi cổ phiếu sao không bàn trước với tôi. Nào dè ổng không những chẳng biết lỗi, còn đánh tôi (vừa nói bà vừa chìa cho tôi xem thương tích trên cánh tay).
Bà sụt sịt nói:
-Tôi thật khó mà sống qua hôm nay. Tôi cũng nghĩ là trước đây mình thiếu nợ ổng, nên đã ráng nhịn nhục cho êm chuyện gần 20 năm nay. Trong nhà mọi việc ăn, mặc, ở… tất cả đều do một tay tôi đi làm kiếm tiền, cung ứng. Lẽ nào vẫn chưa trả đủ nợ cho ổng? Bây giờ nếu như phải đền tiền thì thẩm mỹ viện của tồi cũng phải đóng cửa. Tôi thực nghĩ không thông! Tôi rất muốn nhờ tôn huynh xin Hòa thượng Diệu Pháp giảng (qua điện thoại) cho tôi nghe, để hiểu rõ về nhân quả. Như vậy thì tôi mới cam lòng. Dù có chết, tôi cũng phải chết cho minh bạch! Hu hu!
Dừng một chút cho tâm tư bình tĩnh, sau đó Tần cư sĩ thuật lại cho tôi hiểu rõ đầu đuôi cuộc hôn nhân của bà…
-“Em trai tôi từ lúc giải phóng thì bị điều về quê. Sau đó người nhà nghĩ cách đem nó về thành. Do vậy mà mẹ dẫn tôi đến nhà cục trưởng để cầu giúp. Bà vợ lão cục trưởng vừa nhìn thấy tôi thì tỏ vẻ rất nhiệt tình, hỏi dông dài một hồi, bà liển thuyết phục chồng nên mau thu xếp việc này giúp chúng tôi.
Sau đó một mình mẹ tôi tới nhà cục trưởng, em trai tôi không bao lâu được chuyển về thành.
Lúc này mẹ tôi mới sắp xếp cho tôi và con trai cục trưởng gặp nhau, tất nhiên tôi không ưa cuộc hôn nhân được mẹ sắp đặt (giống như đổi chác) này nhưng do em trai tôi đã được họ giúp đểu về thành phố, nên tồi bắt buộc phải chấp nhận gặp mặt.
Gặp nhau rồi, hai bên đều không có cảm giác và không nói năng gì. Nhưng thấy ông ta có học thức (đã tốt nghiệp đại học và đang là cán bộ cơ quan), nên cũng không đến nổi phản cảm.
Do mẹ tôi nhiều lần thuyết phục bảo ban cuối cùng tôi cũng ưng thuận cuộc hôn nhân do đôi bên an bài, em trai tôi nhờ vậy mà xin được một công việc mãn ý.
Nào ai biết, ngay đêm tân hôn, khi tân lang trút y phục ra tôi cực kỳ kinh hãi khi thấy toàn thân ông ta nổi đầy lốm đốm, lục cục hòn hòn, nhìn giống như phong cùi hay vảy nên vậy. Định thần nhìn kỹ, tôi chỉ muốn nôn thốc nôn tháo ra thôi. Gã nam nhân là chồng tôi đây: trừ mặt, cổ và tay ra, khắp mình da bị bệnh, nổi mụt sần sùi và bong lên như vảy cá. Tôi đứng như hóa đá, lòng đầy kinh hoảng, mắt tuôn lệ đầm đìa.
Nghĩ mà xem, từ nay về sau tôi làm thế nào để đối mặt với cuộc sống như vậy? Tôi dám chắc là các cô gái khác mà thấy tân lang kinh khủng như thế này thì chỉ có nước xô cửa bỏ chạy. Nhưng do tôi không có can đảm đối diện với gương mặt đầy nước mắt của mẹ, lại nghĩ đến tiền đồ của em trai và những lời dèm chê của dư luận, xã hội… nên đành cúi đầu chấp nhận số mệnh.
Lúc này tôi mới vỡ lẽ và hiểu ra, vì sao mà gia đình “ngài” cục trưởng lại sốt sắng nhiệt tình vồn vã giúp đỡ chúng tôi dữ vậy – Vì con trai mình, họ đã hủy hoại cuộc đời tôi!
Sau đó tôi khuyên chồng nên đi trị bệnh, ông nói: “Hồi trước có trị qua rồi nhưng không kết quả, nên chẳng muốn đi nữa vì không thích bị người cười chê, rất mất mặt!” Tôi bèn mua nhiều thuốc cho ông, nhưng thảy đều không có kết quả tốt. Tôi lại khuyên ông đi bệnh viện, thế là ông đánh, chửi tôi. Càng khổ hơn nữa là, tôi vô phương đồng sàng cùng ông, ông vừa tới gần là tôi đã chán ghét muốn nôn. Có thể điều này làm tổn thương lòng tự trọng, tự tôn của ông, nên ông đối với tôi càng vũ phu thô bạo.
Lòng tôi đầy vết thương, cưới nhau chưa được bao nhiêu ngày, chúng tôi phân phòng ngủ riêng. Sau đó tôi mang thai, sinh một con gái.
Nhưng điều khiến người ta khó hiểu là một người đã thọ qua nền giáo dục đại học lại sinh trong gia đình cán bộ cao cấp, vậy mà ngay cả chút tập quán vệ sinh tối thiểu anh ta cũng không có. Chén bát ăn bỏ sót đầy, quần áo thì bạ đâu vứt đấy, cởi vớ(tất) chỗ nào thì quăng chỗ đó, mười mấy năm nay chưa từng thay đổi. Nếu như không thúc giục, thì ngay cả tắm rửa ông cũng chẳng màng. Đối với những tật xấu này, tôi chỉ cần biểu hiện chút bất mãn thì sẽ lập tức lãnh ngay một trận đòn nhừ tử.
Bên ngoài nhìn vào, ai cũng cho chúng tôi là trai tài gái sắc, là gia đình nhỏ êm ấm, nào có biết tôi đây “bề ngoài cười nụ, bề trong khóc thầm”…
Có lần tôi đi Thanh Đảo làm việc, ngụ tại một khách sạn ven biển. Tối đó tôi nằm thoải mái trong phòng, lắng nghe tiếng sóng biển ầm ầm vọng vào, trong hoàn cảnh lãng mạn như vậy, tôi bất giác nghĩ đến số phận của mình, không kìm được, lệ rơi đầm đìa, tuôn ướt gối. Lăn lộn mãi vẫn khó thể chợp mắt, tôi trách trời xanh đối xử quá bất công, đem tôi gả cho một nam nhân vũ phu, tồi tệ, đáng chán, kinh khủng… như vậy. Lẽ nào đây là định số mà con người thường nói?
Bỗng dưng tôi nhớ tới truyền thuyết Bồ Tát Quan Thế Âm ở Nam Hải, nghe kể rằng: Ngài rất đại từ đại bi, hay cứu khổ cứu nạn. Lẽ nào Ngài lại không cứu giúp cho tôi? Vì sao số tôi khổ thế này? Ngoài song cửa, tiếng sóng biển ầm ào gầm vang, như thể muốn ủi an, ban cho tôi hi vọng…
Tôi ngồi bật dậy, mặc áo khoác, bước ra khỏi khách sạn, đi đến bờ biển. Trong đêm khuya, mình tôi dạo gót chầm chậm trên bãi cát cô tịch không một bóng người. Tôi ngước nhìn bầu trời lấp lánh ngàn sao, lòng muốn khóc nhưng lệ không chảy nổi. Đột nhiên tôi mơ hồ trông thấy đức Quan Thế Âm cưỡi trên lưng một con cá đứng nơi ven biển (chỗ tiếp giáp với chân trời)… giây phút này, bao oan khuất, tủi nhục, oán hận và hi vọng… trong tôi đồng loạt trào dâng như suối, tôi quỳ xuống trên cát, vọng hướng về phía Quan Thế Âm Bồ Tát và bật lên tiếng khóc thật to. Lòng tha thiết mong Ngài cứu vớt, đem tôi ra khỏi chốn trần ai khổ ải này!
Sau đó thì tôi được quen biết tôn huynh, và quy y Phật môn. Có lẽ là trời cao đã nghe tiếng van cầu của tôi nên đáp ứng. Thế nhưng, dù tôi tụng kinh bái Phật nhiều đến mấy, vẫn chưa khiến hôn nhân thê thảm của mình chuyển tốt. Rốt cuộc là kiếp trước tôi thiếu chồng bao nhiêu nợ? Mà làm thế nào cũng trả không xong?
Tôi nghe nói gia đình giám đốc Kim cũng gặp vấn đề rối rắm khó giải, đã nhờ Hòa thượng Diệu Pháp giúp cho rồi. Vậy tôn huynh có thể hỏi giúp giùm tôi chăng? Nếu không, tôi thực chằng thiết sống nữa!”…
Nghe Tần cư sĩ khóc kể chuyện mình mà đau lòng. Nhìn bà tinh thần tuyệt vọng, tôi khó mà tin “ách vận sao có thể giáng xuống đầu một phụ nữ thiện lương, hiếu thuận, đảm đang, chu toàn trách nhiệm” như vậy, càng tìm không ra lời để an ủi bà. Tôi không thể từ chối, lại một lần nữa đành phải gấp rút gọi điện cho sư phụ cầu trợ giúp.
Tôi ấn nút loa vang đề mọi người có thể nghe rõ lời sư phụ khai thị. Tiếng sư phụ hiền hòa vang lên:
– “Vào khoảng 100 năm về trước, có người đàn ông dắt theo đứa con gái nhỏ đến một tiểu trấn nọ, mở một quán ăn để sinh nhai. Mẹ bé gái này bị bệnh, đã qua đời; chủ quán sợ mình lấy vợ lại sẽ khổ con thơ nên quyết ở vậy.
Hôm nọ ông đi ra ngoài, trên đường về gặp thằng bé khoảng 5-6 tuổi bị người bỏ rơi. Lão chủ bèn tính toán: “Số cơm thừa canh cặn mà khách ăn thừa có thể nuôi sống thằng bé này. Nếu bây giờ ông cứu mạng nó, thì khi lớn lên nó có thể làm công cho ông (mà ông khỏi phải trả tiền thuê người). Thực là “nhất cử lưỡng tiện”.
Thế là ông quyết định thu nhận thằng bé và làm một cái chuồng gia súc bằng gỗ, mái lợp tranh (gần nhà mình) cho thằng bé ở. Hằng ngày nó giúp ông rửa bát, quét dọn, ăn đồ thừa mà sống qua ngày.
Trong mắt lão chủ và con gái, đứa bé này bất quá chỉ là một con vật biết nói, cho dù nó có nhức đầu cảm sốt, bị muỗi cắn trùng rỉa… chi chi thì cũng mặc! Họ để nó tự sinh tự diệt. Nhưng tính ra thằng bé này mạng lớn, nó cứ thế mà lớn lên.
Thế nhưng, do từ nhỏ đến lớn không ai xem nó là người, ngoài việc sai khiến nó tối tăm mặt mũi ra, chẳng ai thèm chuyện trò với nó. Hễ gặp chuyện gì không vừa ý thì cha con chủ nhân lại trút giận lên mình nó, nếu không đánh thì cũng chửi mắng, cho dù nó rất kiệm tiếng ít lời, ngờ nghệch ngốc nghếch… Song vẫn bị đối xử rất tồi tệ.
Khi con gái đến tuổi lấy chồng, lão chủ cũng muốn chọn người ở rể, nhưng ngẫm nghĩ ông lại sợ “mình chết rồi gia sản sẽ bị thằng rể chiếm mất’. Vì vậy, dù có rất nhiều người cầu thân, nhưng ông cứ trù trừ, lần lựa chẳng muốn gả con cho. Cuối cùng, ông bỗng nảy ra ý hay, ngoái dòm lại thằng mồ côi ông nuôi bấy lâu: “Nếu như mà gả con cho thằng tớ này, thực tế nó chỉ là tên nô lệ thuần phục con gái mình, vậy thì khỏi phải lo gia sản lọt vào tay kẻ ngoại nhân’’. Thế là lão chủ thông minh liền an bài cho con gái một cuộc hôn nhân “vạn vô sai thất’’.
Con gái mặc dù tuân lệnh cha, nhưng tất nhiên chẳng chịu chung phòng cùng chồng (là tên nô dịch ngu đần dơ bẩn), nên cô đã sống cả đời trong tư tình phóng túng vụng trộm. Còn thằng bé thì suốt kiếp sống cảnh lao dịch, oan khuất, tủi nhục…
Đứa con gái trong câu chuyện là Tần nữ sĩ ngày nay, còn tên nô dịch mồ côi, chính là chồng bà hiện thời.
Tập quán sống thiếu vệ sinh, không tốt – là do tháng ngày sống trong chuồng thú đời trước dưỡng thành – Da trên mình sần sùi ghẻ chóc (một phần là do ác báo tiền khiên của bản thân và một phần cũng do cảnh sống trường kỳ ở dơ, luôn bị muỗi mòng châm chích tạo thành). Tục ngữ nói: “oan có đầu, nợ có chủ; chẳng phải chẳng báo mà là chưa đến lúc …
Nhân duyên tệ lậu từ tiền kiếp đã chiêu cảm quả báo hôn nhân thống khổ cho Tần cư sĩ trong đời này. Kiếp trước đứa bé đã vắt kiệt sức, làm nô dịch cho chủ nhân cả đời mà không được trả công một đồng nào, thì đời này nó đến đòi nợ. Tần cư sĩ bị đánh bị mắng, chính là trả báo ngày xưa bà từng đánh mắng nó. Đến như cuộc sống phu thê đời này, cũng là phiên bản của đời trước.
“Muốn biết nhân đời trước, nhìn thọ báo đời này”. Tần cư sĩ đời trước làm ác, đa phần là do từ nhỏ chịu ảnh hưởng phụ thân.
Đời nay bà hiếu kính mẫu thân, tâm đại thiện hiền lương, ưa nghe Phật pháp, lại biết qui y Phật, ăn chay niệm Phật, chỉ Phật pháp mới có thể giúp bà giải quyết, chấm dứt nợ cũ.
Cho nên, xin Tần cư sĩ khi đã hiểu rõ nhân duyên đời trước rồi, không nên sinh tâm oán hờn chán ghét đối với người chồng hiện tại nữa. Mà phải biết nắm ngay cơ hội gặp gỡ trong đời này, thành khẩn sám hối tội nghiệp đời trước. Sống phải thường thấy lỗi mình, ít bàn về lỗi người, nhất định sẽ gặp hung hóa cát, biến nạn thành an. Bà phải tụng nhiều “Kinh Địa Tạng” và “Kinh Phổ Môn” hồi hướng cho “tên nô dịch” kiếp trước, thì nhất định chồng Tần cư sĩ sẽ thay đổi”.
Tôi tiếp điện thoại xong, ngoái nhìn Tần cư sĩ đang ngồi yên lặng, “mưa” trên mặt đã dứt hạt, hiện đang “trời quang mây tạnh”.
Hơn nửa năm trôi qua, Tần cư sĩ đã gọi điện đến hai lần. Một lần hỏi về các sách kinh Phật giáo, lần khác thì kể bà hiện đang bận công việc bề bộn, khi nào có thời gian rảnh sẽ đến thăm tôi. Nghe giọng nói của bà chứng tỏ tâm tư đang vui vẻ.
Tôi thở ra nhẹ nhõm. Thầm cầu mong phu thê nhà bà sớm giải xong túc oán, gia đình hòa thuận, cùng vượt qua cửa ải khó khăn.
NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT
NAM MÔ ĐẠI TỪ ĐẠI BI QUÁN THẾ ÂM BỒ TÁT
NAM MÔ ĐẠI THẾ CHÍ BỒ TÁT
NAM MÔ ĐẠI NGUYỆN ĐỊA TẠNG VƯƠNG BỒ TÁT
NAM MÔ THANH TỊNH ĐẠI HẢI CHÚNG BỒ TÁT MA HA TÁT 🙏🙏🙏🙏🙏🙏
TRÍCH ” BÁO ỨNG HIỆN ĐỜI – TẬP 3- CƯ SĨ QUẢ KHANH-HẠNH ĐOAN – DỊCH”
Được gắn thẻ ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *