Chuyện nhân quả - vãng sanh

Thề thốt nhưng không làm hậu quả như thế nào?

Tượng Phật Ca Diếp tại chùa Ananda (A Nan Đà), Myanma
“Trăng lên đỉnh núi trăng tà
Mình yêu nhau thật hay là yêu chơi”.
Câu chuyện dưới đây là do cán bộ thuộc một đơn vị đóng chốt phòng thủ lâm thời trên đỉnh núi cao ở vùng biên giới Lai Châu kể lại:
“Thời đó, để giữ bí mật cả đơn vị phải ở tại trận địa trên đỉnh núi cao trực chiến, chỉ có các anh tiếp phẩm mới thỉnh thoảng được xuống núi và trong đó có anh y sĩ được vào nhà một người dân ở gần bờ suối nhờ đem nước uống cho bộ đội.
Đây là một gia đình dân tộc thiểu số, họ có hai người con gái tuổi chừng mười chín đôi mươi, xinh đẹp, nói được tiếng kinh (nhưng lơ lớ).
Mọi quan hệ của bộ đội với đồng bào dân tộc lúc bấy giờ phải nhờ đến hai chị em cô gái này phiên dịch. Dần dà, anh y sĩ đem lòng yêu cô em gái và tỏ tình với cô.
Cô em gái dân tộc hỏi:
– Mày đã có vợ ở nhà chưa?
Anh y sĩ nói dối:
– Anh chưa có vợ!
Thế là cô gái gật đầu đồng ý, họ hẹn nhau vào rừng nói chuyện vì sợ ở nhà mọi người nghe được là không xong… Hai người quấn quýt hẹn hò, cô gái nói:
– Mày yêu tao phải lấy tao làm vợ, không được yêu chơi.
Anh y sĩ lại gật đầu…
Người con gái nắm chặt hai cổ tay anh, miệng nói thì thầm tiếng dân tộc rồi cô bỏ vào túi áo ngực trái anh một chiếc lá nhỏ, cô bảo:
– Để không quên nhau.
Cô gái lại hỏi anh:
– Nếu chửa đẻ thì phải vào rừng làm lều, đẻ xong mới được đem con về nhà, khi ấy mày phải vào rừng giúp tao.
Anh y sĩ lại gật đầu, ôm cô gái vào lòng, còn cô thì lại lẩm nhẩm tiếng dân tộc.
Anh y sĩ thì không hiểu cô nói gì, chỉ nghĩ rằng cô gái nói yêu mình bằng tiếng dân tộc.
Cô vẫn nắm chặt hai cổ tay anh y sĩ và bảo:
– Thề đi!
Anh y sĩ hỏi:
– Thề thế nào?
– Thề không được bỏ tao!
Cô gái lại nói thêm:
– Khi tao đẻ con phải cố về giúp tao, cùng tao đưa con về nhà.
Anh y sĩ đồng ý…
Dần dần những tháng sau này tình hình biên giới dịu hơn, đơn vị được lệnh dời “Chốt” hành quân đi nơi khác.
Anh y sĩ rẽ qua căn nhà sàn bên suối chia tay cô gái dân tộc, lúc này cô gái bụng đã chửa to, hẹn ngày hẹn tháng để anh y sĩ sớm thu xếp về giúp đỡ hai mẹ con.
Cô gái dân tộc nhỏ bé trong bộ quần áo màu chàm rơm rớm nước mắt, bịn rịn không rời… Còn anh y sĩ lặng lẽ bước chậm từng bước ra đi rồi khuất vào rừng cây xanh sẫm.
Gần đến ngày sinh nở, bố mẹ cô gái làm một cái lều cho con gái, đưa con đến và dạy cách tự đỡ, tự cắt rốn cho con… Cô gái ngày đêm mong anh y sĩ về.
Lần đầu sinh con, cô vừa đau vừa sợ, kêu la một mình hết hơi rồi lịm đi vì băng huyết. Thế là cả hai mẹ con cùng mất…
Còn anh y sĩ thì sau khi hết công tác, anh trở về quê hương với vợ con. Anh vẫn đinh ninh rằng “Người con gái dân tộc ấy đã sinh ra một bông hoa rừng…”.
Đôi lúc anh chợt nhớ đến lời nói dối và lời thề với cô trong rừng vắng, anh lại rùng mình sợ hãi nhưng vẫn dấu kín… Cho đến một ngày, anh bị đau đầu dữ dội, gia đình sợ hãi đưa anh đi cấp cứu, vào đến bệnh viện thì anh “cấm khẩu” luôn, lưỡi thụt vào, hai hàm răng cắn chặt, chân tay cứng đơ, các ngón tay chân không cử động co duỗi được…
Lúc này đơn vị anh, gia đình, bạn thân đến thăm, nhìn khuôn mặt anh như muốn nói rất nhiều, trình bày rất nhiều nhưng không thể nào nói được, hai hàng nước mắt anh chỉ ứa ra liên tục…”.
Quang Tử
(Trích “Nhân Quả Tập Truyện” – Tác giả: Thiếu Tướng Tiến Sĩ Nguyễn Chu Phác).
Được gắn thẻ ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *