TT Thích Chân Quang, Văn hóa xã hội

Đạo đức là vấn đề sống còn của nhân loại

TT Thích Chân Quang
Nếu chúng ta muốn giữ cho thế giới này được tồn tại, ta giữ cho nhân loại này được sống còn. Và nếu ta biết là khoa học kĩ thuật đến ngày nay vẫn chưa tìm thấy được một sự sống nào khác ngoài trái đất này thì chúng ta phải tích cực truyền dạy đạo đức hơn trong cuộc đời này.
Thông thường người ta hay nghĩ: Còn cơm ăn; còn không khí; còn tình yêu; còn hi vọng thì còn sống. Tuy nhiên, thật sự còn “Đạo đức” thì nhân loại mới còn tồn tại. Ngược lại, nếu đạo đức biến mất, nhân loại sẽ diệt vong. Kết luận này tuy đơn giản nhưng không hề sai. Hiện nay, loài người dù chưa ngưng đánh giết nhau nhưng vẫn chưa tận thế, vì còn nhiều người đạo đức. Tức đánh nhau thì đánh, nhưng vẫn còn chỗ để ta yêu thương, vẫn còn ai đó để ta quý mến, và cuộc sống này vẫn tiếp diễn. Còn nếu thật sự con người hết sạch đạo đức, ngày tận thế sẽ lập tức đến.
Nhưng ĐẠO ĐỨC CỦA CON NGƯỜI TỪ ĐÂU MÀ CÓ? Đây là điều rất lạ, bởi trong gène của loài người không quy định đạo đức. Ví dụ loài chó có gène quy định về sự trung thành. Khi sinh ra, dù không được ai dạy, nhưng đến lúc nào đó khi hiểu được ai là chủ của mình, chúng sẽ một mực trung thành với họ.
Còn với chúng ta, người được dạy dỗ thì trung thành, người không được chỉ bảo khuyên răn thường là kẻ lừa lọc phản bội. Dù rất thông minh con người vẫn không mang một gène di truyền dành cho đạo đức. Đây là một thử thách lớn cho nhân loại. Theo đó, trong cuộc sống này từ những việc rất bé cho đến việc rất lớn, chỉ cần thiếu đạo đức một chút thì đau khổ lập tức xuất hiện, và những người chung quanh ta cũng bị ảnh hưởng ngay. Đó là lý do những người có trí tuệ họ yêu quý đạo đức là vậy.
Có 4 lý do khiến chúng ta tự nguyện làm điều thiện:
Thứ nhất, vì TIN NHÂN QUẢ. Biết rằng mỗi việc làm sai đều sẽ kéo theo một quả báo đau khổ dành cho mai sau. Cho nên, người hiểu Nhân quả thường chọn nhân lành mà gieo, chọn điều thiện mà làm để gặt quả lành trở lại.
Thứ hai là sự XÚC ĐỘNG TRƯỚC MỘT TẤM GƯƠNG TỐT. Điều này thể hiện khuynh hướng của sự bắt chước. Tuy nhiên, cái bắt chước của con người có trí tuệ, có cảm xúc, có nhận thức khác với sự bắt chước không suy nghĩ của loài vật. Ví dụ khi chứng kiến ai đó liều chết, xả thân lao vào đám cháy cứu người, dù không dám làm như họ, nhưng ta rất cảm động. Sự cảm động này chính là một ý niệm về đạo đức sẽ theo ta suốt đời. Sau này ta cũng sẽ thường tự nguyện làm những điều tốt đẹp.
Thứ ba, vì ta YÊU ĐIỀU THIỆN MỘT CÁCH VÔ ĐIỀU KIỆN. Ta không làm điều thiện vì mưu cầu quả báo lành, cũng chưa có duyên được gặp một tấm gương nào đặc biệt làm ta xúc động. Nhưng tự nhiên ta yêu điều thiện một cách vô hình và vô điều kiện. Đây là điều rất cao thượng mà chỉ những người có trí tuệ, có thiện căn mới đạt được.
Lý do thứ tư là TIN VÀO SỰ THƯỞNG PHẠT CỦA THẦN THÁNH. Hầu hết các tôn giáo đều có niềm tin này. Người tín đồ lệ thuộc tâm hồn mình vào một vị Thần Thánh tưởng tượng ở trên cao, tuy nhiên nhờ đó mà họ không dám làm điều ác, nên ta cũng xem như là họ có đạo đức.
Và nhờ bốn lý do trên mà trên thế giới, đạo đức cứ trôi chảy từ tâm hồn này sang tâm hồn kia, lan tỏa từ vùng này qua vùng kia. Rồi nhờ dòng chảy vô hình này mà thế giới còn tồn tại. Cũng vì thế, người có công lao truyền dạy đạo đức thật là những người đáng quý trên cuộc đời. Tuy nhiên, ai là người truyền dạy đạo đức.
Thực sự, mỗi người chúng ta đều đã từng truyền dạy đạo đức cho ai đó rồi, nhưng ta thường KHÔNG Ý THỨC RÕ, KHÔNG CỐ GẮNG NHIỀU. Từ đây, khi hiểu rằng mỗi một giây phút thiếu vắng đạo đức là một giây phút bất an xảy đến với cuộc đời; hiểu rằng đạo đức còn thì thế giới này còn tồn tại; hiểu rằng đến hôm nay những kính thiên văn viễn vọng vẫn chưa soi thấy có sự sống nào khác ngoài hành tinh này thì chúng ta phải làm sao cho đạo đức được truyền bá, được tuôn chảy. Và ta phải làm một người truyền dạy đạo đức hết sức tích cực.
Nên nhớ, thiếu đạo đức thì tất cả đều đổ vỡ. Chỉ khi nào có đạo đức thì người ta dù chạy theo nhau về kinh tế, kĩ thuật, quân sự, nhưng cuộc chạy đua đó mới không dắt loài người đi đến diệt vong. Vì vậy, một thế giới đạo đức là một thế giới hạnh phúc. Đó là chân lý. Mà muốn thế giới này hạnh phúc, ta buộc phải đem đạo đức đến trước. Nhưng muốn ban tặng đạo đức cho mọi người thì chính ta trên tay mình, trong tim mình đã phải tràn đầy đạo đức trước.
Được gắn thẻ ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *