Hòa Thượng Tịnh Không, Lời dạy của đức phật

Người tu hành thấy lỗi kẻ khác bèn nhìn lại chính mình chứ đừng rêu rao

HT Tịnh Không Người tu hành
Khởi tâm động niệm, ngôn ngữ, tạo tác nhất định tương ứng với giáo huấn của đức Phật, đấy mới là đệ tử Phật thật sự, là đứa học trò tốt của đức Phật. Ta thực hiện nhằm biểu diễn, biểu diễn cho kẻ khác trông thấy.
Kinh Vô Lượng Thọ nói rất hay, kinh dạy chúng ta xếp khẩu nghiệp vào hàng đầu: “Thiện hộ khẩu nghiệp, bất cơ tha quá” (Khéo bảo vệ khẩu nghiệp, chẳng gièm chê lỗi của người khác). Vì sao? Dễ phạm nhất! Chuyện dễ phạm nhất chính là nói ra lỗi lầm của kẻ khác. Quý vị xem kinh Vô Lượng Thọ, [sẽ thấy] khẩu nghiệp quá ư là nhiều; điều này là điều nặng nhất, là điều dễ phạm phải nhất. Thấy người khác phạm lầm lỗi chớ nên nói, [bởi lẽ] hiện thời có kẻ nào mà chẳng có lỗi lầm? Lỗi lầm quá nhiều! Ai nấy đều có! Nhìn lại chính mình, cũng chẳng ít! Do vậy, người thật sự tu hành trông thấy lỗi lầm của kẻ khác, bèn hồi quang phản chiếu chính mình có [những lỗi lầm ấy] hay chăng? Hễ có bèn sửa; hễ không có, bèn càng thêm gắng sức. Đó là đúng! Làm sao có thể rêu rao lỗi lầm của kẻ khác cho được?
Kể lỗi người khác, Đệ Tử Quy bảo “chính là ác”, đấy chẳng phải là chuyện tốt lành. “Đạo nhân thiện, tức thị thiện” [nghĩa là] quý vị khen ngợi người khác, kể những chuyện tốt của người ta, tốt lắm! Đó gọi là “ẩn ác, dương thiện” (隱惡揚善,che giấu điều ác, tán dương điều thiện), sẽ có thể cải thiện phong khí xã hội. Kẻ khác tạo tác chuyện bất thiện, chúng ta có thể bao dung. Kẻ khác làm điều thiện nhỏ, chúng ta tán thán. Thường xuyên ở trong hoàn cảnh ấy, lương tâm của kẻ đó sẽ dấy khởi: “Quý vị thấy tôi làm bao nhiêu chuyện xấu, mọi người đều chẳng chê trách tôi. Tôi làm chuyện tốt cỏn con bèn khen ngợi tôi”. Lương tâm bèn dấy lên, kẻ đó sẽ sửa ác, hướng lành. Đấy chính là độ một người quay đầu! Để độ người khác quay đầu; trước hết, phải độ chính mình. Từ nay về sau, chính mình chẳng còn nói lỗi lầm của kẻ khác nữa!
Trong khẩu nghiệp, không nói dối. Từ nay trở đi, chẳng còn dối gạt người khác, chẳng còn gạt gẫm kẻ khác. Chẳng khuấy động thị phi, trước mặt Giáp nói chuyện xấu của Ất, trước mặt Ất nói chuyện xấu của Giáp, khiến cho hai người ấy bất hòa. Chuyện ấy có khi là cố ý, có khi là vô tình. Cố ý thì có tội, vô tình là lầm lỗi, chuyện này chính là có lúc “người nói vô tâm, kẻ nghe hữu ý”. Do vậy, ăn nói chẳng thể không cẩn thận. Phu tử dạy học có bốn khoa, ngôn ngữ được xếp vào hàng thứ hai. Thứ nhất là đức hạnh, thứ hai là ngôn ngữ, quý vị nghĩ xem Ngài coi trọng [ngôn ngữ] dường ấy! Người biết ăn nói, trong một đời sẽ có rất nhiều thuận tiện, rất nhiều người thích giúp đỡ quý vị. Kẻ chẳng biết ăn nói, sẽ rất thua thiệt, chẳng được người khác giúp đỡ. Người ta trông thấy quý vị, tránh quý vị cho xa, chẳng dám tiếp cận quý vị. Vì sao? Quý vị thường ăn nói vô trách nhiệm, thường thốt lời tổn thương người khác!
Ngạn ngữ có câu “lai thuyết thị phi giả, tiện thị thị phi nhân” (kẻ đến nói chuyện thị phi, chính là kẻ thị phi)! Hiểu đạo lý này, chẳng dễ bị lừa gạt cho lắm! Đối với kẻ đến khuấy động, kể lể kẻ nào đó nói này nói nọ quý vị, Hàn quán trưởng trước kia của Hoa Tạng Đồ Thư Quán đích xác là rất lợi hại. Có kẻ nào khuấy động thị phi trước mặt bà ta, bà nghe xong, chỉ cười xòa. Sau khi người ấy đi rồi, bà ngay lập tức điều tra, tìm ra người ấy, hỏi người ấy có nói những lời ấy hay chăng? Có rất nhiều người nói “chẳng có, tôi chẳng nói lời ấy”. Quán Trưởng lại tìm người kể chuyện [thị phi] ấy đến đối chất; về sau, không có ai dám nói chuyện thị phi trước mặt bà ta. Vì sao? Bà ta sẽ tìm người đến đối chất, chẳng nghe lời nói từ một phía. Đấy là trí huệ, là giáo dục. Nếu quý vị bịa chuyện, sanh sự, nhất định sẽ hỏi quý vị: “Vì sao quý vị phải làm như vậy? Mục đích ở chỗ nào?” Truy hỏi động cơ, mục đích của người ấy, nếu [kẻ ấy] nói không được, sẽ là hồ đồ.
Nói thêu dệt, hoa ngôn xảo ngữ, phạm vi ấy quá to! Kể cả cái gọi là “văn nghệ biểu diễn” trong hiện thời, nay chúng ta nói đến TV, điện ảnh, hý kịch (drama), nhạc rap, nội dung là gì? Vài chục năm nay, tôi chẳng tiếp xúc, ngay cả TV tôi cũng không xem, báo chí cũng không xem, vài chục năm rồi! Đại khái là bốn, năm chục năm trước thì [những thứ ấy] còn khá một chút, hiện thời có thể là chẳng có cách nào xem được! Vì tôi thấy từ trường tại tiệm sách và thư viện trong hiện thời chẳng bằng quá khứ. Thuở trẻ, tôi vào tiệm sách hoặc vào thư viện, từ trường hết sức tốt đẹp. Sau khi vào đó, tâm hết sức yên ổn, bình thản, tâm rất dễ định. Hiện thời thì chẳng được. Hiện thời, tiến vào những chỗ đó, sẽ cảm giác rất loạn, rất bất an, khiến cho quý vị chẳng có cảm giác an toàn. Đấy là gì? Nội dung của các sách vở, nhật báo, tạp chí chẳng tốt, sẽ sanh ra sự dao động [bất hảo] ấy, chúng ta bị chúng nó khuấy nhiễu. Vì thế, ít tiếp xúc với chúng vẫn là tốt hơn!
(Trích: Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh, Phẩm thứ 11: Tịnh Hạnh Phẩm, tập 1529)
Được gắn thẻ , , , ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *